Số vụ bạo lực học đường gia tăng, Thủ tướng chỉ đạo khẩn

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an toàn trường học cho học sinh, sinh viên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng chống bạo lực học đường.

Chỉ thị trên được lãnh đạo Chính phủ đưa ra trong bối cảnh tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực học đường ngày càng đa dạng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Thực trạng trên gây tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong nhân dân.

Số vụ bạo lực học đường gia tăng, Thủ tướng chỉ đạo khẩn-1

Số vụ bạo lực học đường gia tăng, Thủ tướng chỉ đạo khẩn. (Ảnh minh hoạ)

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. "Cần bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên", Chỉ thị nêu rõ. Đồng thời cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định có liên quan.

Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ: Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT cần chú trọng triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Xây dựng tài liệu và triển khai các hoạt động giáo dục phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội phù hợp với các cấp học.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến bạo lực học đường, giáo dục an toàn với trẻ em, học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT cũng cần tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong đảm bảo an toàn trường học.

Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, cơ sở giáo dục kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý và thống kê, báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực học đường liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, trong Chỉ thị, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội tại khu vực trường học. Thực hiện tốt chế độ giao ban công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học với chính quyền và cơ sở giáo dục.

Thủ tướng giao trách nhiệm cho các bộ ngành liên quan đưa ra giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên. Đặc biệt đẩy mạnh công tác kiểm soát, sàng lọc các trang mạng xã hội có nội dung bạo lực trong học sinh, sinh viên để tránh ảnh hưởng tiêu cực.

Trước đó, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin, từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 trường học xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Trong đó, số vụ bạo lực hội đông và số học sinh nữ tham gia bạo lực học đường ngày càng tăng.

Theo VTC 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtc.vn/so-vu-bao-luc-hoc-duong-gia-tang-thu-tuong-chi-dao-khan-ar850294.html

bạo lực học đường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.