Thứ trưởng GD&ĐT: Không giảm điểm ưu tiên để tạo công bằng

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, việc giảm điểm ưu tiên sẽ gây thiệt thòi cho học sinh dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, cuộc sống và học tập chưa được nâng cao.

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, việc giảm điểm ưu tiên sẽ gây thiệt thòi cho học sinh dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, cuộc sống và học tập chưa được nâng cao.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Trong đó, chính sách ưu tiên được nhiều người quan tâm. Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời Zing.vn về vấn đề này.

- Thưa Thứ trưởng, vì sao Bộ GD&ĐT sửa đổi về khu vực, đối tượng trong chính sách ưu tiên?

- Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2015 có nhiều ý kiến bàn luận về chính sách ưu tiên, trong đó có đề xuất giảm bớt điểm cộng.

Đề thi THPT quốc gia 2015 có 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao nhằm phân loại thí sinh. Những năm trước, các kỳ thi vào cao đẳng, đại học được tổ chức với mục đích phân loại thí sinh. Vì vậy, mặt bằng chung, điểm thi 2015 cao hơn mọi năm, dẫn đến việc nhiều người lo sợ điểm ưu tiên cao sẽ gây mất cân bằng cho những thí sinh không được cộng điểm.

Thứ trưởng GD&ĐT: Không giảm điểm ưu tiên để tạo công bằng
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục thống kê lại tỷ lệ thí sinh có điểm ưu tiên và không có điểm ưu tiên (trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) và nhận thấy, con số này tương đương mọi năm.

- Những chỉnh sửa về khu vực và đối tượng ưu tiên sẽ khắc phục những bất cập gì trong năm 2015?

- Bộ Giáo dục đã tham khảo ý kiến của Ủy ban Dân tộc, các trường đại học, cao đẳng và Sở GD&ĐT để đưa ra quyết định duy trì đối tượng xứng đáng được hưởng chế độ ưu tiên và thu hẹp dần đối tượng không xứng đáng.

Ví dụ, theo khu vực, thí sinh người dân tộc thiểu số phải sống tối thiểu 18 tháng trong thời gian học phổ thông ở xã khu vực 1 mới được hưởng đối tượng khu vực 1. Trước đây, ta không có quy định này. Các em sống bất kỳ đâu, chỉ cần dân tộc thiểu số là hưởng khu vực 1, sẽ không công bằng với em thuộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn. Quy định rõ này sẽ không gây nhầm lẫn về điểm ưu tiên ở nhiều nơi như năm ngoái, cũng hạn chế được những tiêu cực, kê khai không đúng.

Với thay đổi này, nhóm ưu tiên được cộng điểm cao là khu vực 1 sẽ giảm đáng kể so với trước. Những thí sinh thực sự ở vùng khó khăn mới được hưởng chế độ.

- Nhiều ý kiến đề xuất nên giảm số điểm ưu tiên, bởi mức chênh lệch ưu tiên 1 điểm với thí sinh thuộc các đối tượng liền kề và 0,5 điểm giữa các khu vực liền kề, trong khi điểm của thí sinh được làm tròn đến 0,25?

- Bộ GD&ĐT đã tham khảo ý kiến Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Ủy ban dân tộc, các cơ quan hữu quan và nhận được đề nghị giữ nguyên, không thay đổi mức điểm ưu tiên. Bởi nếu giảm số điểm sẽ gây thiệt thòi, không công bằng cho học sinh dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, cuộc sống và học tập chưa được nâng cao.

- Một số chuyên gia giáo dục cũng đề xuất, Bộ GD&ĐT nên tính toán đặt ra mức điểm cộng tối đa cho phù hợp. Bởi trong năm 2015, có học sinh được cộng 5 - 6,5 điểm (vừa là học sinh miền núi, dân tộc lại đạt học sinh giỏi quốc gia). Bộ GD&ĐT nhận định như thế nào?

- Năm nay, Bộ GD&ĐT không thay đổi về điểm ưu tiên. Điểm khuyến khích cho thí sinh đoạt giải quốc gia, học sinh xuất sắc nằm trong quy chế của Bộ GD&ĐT và giao cho các trường đại học tự chủ, nhằm phù hợp ngành nghề đào tạo của từng trường.

Ví dụ, các trường sẽ tính toán ngành nào thì lấy học sinh đoạt giải quốc gia môn nào cho phù hợp. Đại học Y Hà Nội sẽ chọn lựa, không cộng điểm cho tất cả các thí sinh đoạt giải. Cũng không trường nào tuyển toàn thí sinh đoạt giải quốc gia. Vậy, việc phân bố này tạo sự cân đối trong tuyển sinh.

Chiều 18/2, Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Đối với chính sách ưu tiên, dự thảo quy định rõ hơn để tránh tình trạng thí sinh lợi dụng chính sách này chuyển trường về những khu vực khó khăn, nhằm được cộng thêm điểm.

Theo đó, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học phổ thông có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả những em đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.

Đối tượng ưu tiên cũng được điều chỉnh. Cụ thể, đối tượng 01 là công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại khu vực 1.

Khu vực 2 cũng được thông tư quy định rõ hơn, gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc khu vực 1).


Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.