Tranh cãi đề thi Văn: Ai dám khuyến khích học trò sống như Nam?

Đề thi môn ngữ văn kỳ tốt nghiệp THPT ngày 2-6-2013 gây ra những suy nghĩ trái chiều trong cộng đồng: hành động xả thân cứu người đáng tôn vinh nhưng liệu thầy cô, cha mẹ có khuyến khích học sinh, con em mình cứu người cả khi biết nguy hiểm đến tính mạng.

 Đề thi môn ngữ văn kỳ tốt nghiệp THPT ngày 2-6-2013 gây ra những suy nghĩ trái chiều trong cộng đồng: hành động xả thân cứu người đáng tôn vinh nhưng liệu thầy cô, cha mẹ có khuyến khích học sinh, con em mình cứu người cả khi biết nguy hiểm đến tính mạng.

Sau buổi thi, PV nhận được tâm tình của một giáo viên. Tâm trạng, suy nghĩ của nhà giáo này phản ánh được băn khoăn của nhiều người. Chúng tôi nhìn nhận đây là một vấn đề xã hội cần thảo luận, nên đăng ý kiến này để bạn đọc trao đổi.

Trong giờ nghỉ trưa sau buổi thi môn ngữ văn, một cô giáo tiếng Anh chia sẻ rất thật: “Đề văn rất hay nhưng có chút gì đó buồn quá. Vẫn còn những điều trăn trở từ chính sự hi sinh đầy ý nghĩa của Nam (nhân vật trong câu 2, đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn 2013).Nam cứu được nhiều em nhỏ, nhưng mang lại cho cha mẹ niềm tự hào và cả nỗi đau mất con. Chúng ta ngợi ca, nêu gương về lòng dũng cảm của Nam nhưng có hướng các em sẽ làm như Nam trong hoàn cảnh tương tự không?”.

Đề thi tốt nghiệp có lẽ không gây khó cho học sinh nhưng người lớn thì băn khoăn - Ảnh: T.N.H.

Câu 2 của đề thi rất gần gũi và thiết thực, thể hiện tính nhạy cảm của những người ra đề trước thông tin mà báo chí kịp thời chuyển tải. Hành động quên mình cứu sống năm em nhỏ của em Nguyễn Văn Nam từ một vùng quê xa xôi đã được báo  đăng trong bài viết “Quên mình cứu người” ngày 3-5-2013.

Sự hi sinh của Nam khiến Chủ tịch nước và cả xã hội, đặc biệt là giới trẻ, vô cùng đồng cảm, chia sẻ và xúc động. Thêm một tấm gương nữa cho các em học sinh soi lại mình khi xã hội còn ngổn ngang những điều không đẹp như câu nghị luận xã hội của đề thi năm trước: “Thói đạo đức giả là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức”.

Ở góc độ giáo dục, sự quan tâm tìm hiểu của gần 1 triệu học sinh và cả phụ huynh từ đề nghị luận xã hội này sẽ là một cách giáo dục trực quan, thời sự và lan tỏa. Đề văn đã tạo ra những kiến giải đầy tích cực theo hướng “mở” cho học sinh bày tỏ sự tiếc thương, niềm cảm phục, và cả những bài học về sự hoàn thiện nhân cách sống, lòng dũng cảm. Ở đó lòng nhân hậu, sự quả cảm quên mình mang lại cho cuộc sống những điều thật tốt đẹp, định hướng cho giới trẻ loại bỏ dần sự ích kỷ để hướng đến cộng đồng - “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu).

Nhưng, lời chia sẻ của cô giáo trên đặt ra những suy nghĩ “lạ”. Phải chăng đề thi chỉ hướng đến giá trị tích cực của sự kiện mà chưa nghĩ đến lời “phản biện” như trên? Liệu chúng ta (giáo viên và cả các bậc phụ huynh) có dám nói với học trò, con em mình rằng: cần noi theo tấm gương của Nam, sẵn sàng hi sinh bản thân để cứu người lúc hoạn nạn dù sẽ phải đối diện với cái chết?...

Thử nghĩ nếu học trò thẳng thắn viết trong phần nghị luận rằng chúng em khâm phục anh Nam, bồi đắp lòng dũng cảm như thế... nhưng không thể quên mạng sống của chính mình, để lại niềm đau cho cha mẹ thì giám khảo có đồng cảm không? Trong xã hội mà rủi ro quá nhiều từ những kẻ cướp hung hãn, những cây cầu xây kém chất lượng, những dự án dạy bơi cho thiếu nhi cứ tiêu tiền thuế trên giấy... làm sao chúng ta có thể giúp, cổ động các em dám sống như Nam?

Tôi chợt nghĩ nếu chúng ta có một kiểu đề nghị luận như trên với câu kết thúc: “Sau một hồi vật lộn với con nước dữ, em X được mọi người hỗ trợ và cứu được hết các em” thì trọn vẹn biết bao nhiêu. Tôi cũng chợt nghĩ đến bao giờ dự án dạy bơi cho trẻ được triển khai một cách thật thiết thực. Và tôi lại mong đến một lúc mình không phải chứng kiến những sự hi sinh đầy ý nghĩa mà... buồn đến thế!

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013 môn ngữ văn

Câu 2: Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

Chiều 30-4-2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7 Trường trung học phổ thông Đô Lương 1) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

Theo Tuổi trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.