Trừng phạt và khen thưởng trẻ

Thưởng và phạt chính là cơ sở giáo dục cơ bản. Sử dụng tốt hai hình thức này, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giáo dục nhất định.

Thưởng và phạt chính là cơ sở giáo dục cơ bản. Sử dụng tốt hai hình thức này, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giáo dục nhất định.

“Tôi biết rằng không nên đánh con, đó không phải là cách hay nhất, nên tôi chưa từng đụng đến cọng tóc của con trai. Nó rất sợ bóng tối, vì vậy để phạt con, tôi đã nhốt nó trong phòng, tắt đèn tối thui và để cho nó thời gian suy nghĩ. Ôi trời, sau đó thằng bé ngoan ngoãn hẳn!” - một người mẹ kể cho bác sĩ tâm lý nghe về cậu con trai sáu tuổi đang có triệu chứng rối loạn thần kinh.

“Tôi có nguyên tắc không bao giờ khen ngợi con cho đến khi mọi việc của nó đạt đến sự hoàn hảo. Thế nhưng nó chẳng bao giờ đạt được. Tôi chỉ cố gắng dạy cho con ý thức trách nhiệm nhưng nó chẳng bao giờ hiểu” - lời một ông bố tức giận về cách cư xử của cậu con trai mười một tuổi - “Nó lười biếng khủng khiếp, lại còn luôn giấu giếm điểm số. Chẳng có hình phạt nào thay đổi được nó”.

Trung phat va khen thuong tre
Ảnh minh họa - Shutterstock

Trừng phạt không phải để "dìm" trẻ

Hai ví dụ trên là những câu chuyện quen thuộc về việc trừng phạt con cái mà hẳn nhiều phụ huynh nhìn thấy chính mình trong đó. Vậy trừng phạt con thế nào cho có tác dụng?

Người cha kể trên nói rằng sự trừng phạt chẳng giúp gì cho đứa trẻ, chẳng thay đổi được nó, vì vậy ông xin ý kiến mọi người có cách tác động nào khác hay không? Ông tuyên bố rằng ông không bao giờ cổ vũ hay khen ngợi con. Ông cho rằng cậu bé có nghĩa vụ phải biết tất cả và đừng chờ đợi sự giúp đỡ hay lời khuyên của cha. Ông kiểm tra việc hoàn thành bài tập ở nhà của con và những nhiệm vụ mà ông giao cho nó. Thật là tai họa cho thằng bé nếu ông tìm ra sai sót.

Cậu bé cố gắng trốn tránh sự kiểm soát đó, bằng mọi cách có thể. Càng trốn tránh vì sợ hãi thì điểm số càng xuống thấp. Và càng thấp thì những yêu cầu của cha cậu bé càng trở nên nghiêm khắc hơn. Không thể phủ nhận mục đích của người cha là tốt, ông yêu thương con và chỉ mong dạy dỗ cậu bé tốt hơn. Nhưng vì sao ông không đạt được mục đích của mình?

Các nhà giáo dục cho rằng sự trừng phạt có ba ý nghĩa. Thứ nhất, nó phải nhằm mục đích khắc phục những thiệt hại từ hành vi xấu của con trẻ. Đứa trẻ có nghĩa vụ phải dọn dẹp những gì chúng xả ra, sửa chữa những gì chúng làm gãy, hỏng, đền bù phần nào những thiệt hại mà chúng gây ra.

Thứ hai, sự trừng phạt phải khiến lỗi lầm không bao giờ xảy ra nữa. Nó là sự đe dọa, cảnh báo cho trẻ về những gì chúng phải chịu trách nhiệm.

Thứ ba, cũng là ý nghĩa chính của việc trừng phạt, là giúp trẻ cởi bỏ mặc cảm có lỗi. Mặc cảm đó luôn là rào cản, ngăn cách, khiến trẻ thiếu tự tin trong mối quan hệ với người kết tội. Sự trừng phạt có thể giúp trẻ cảm thấy mình được “rửa tội” và quan trọng nhất là thấy sự công bằng của trừng phạt để thừa nhận, chấp nhận lỗi lầm của mình.

Ở người mẹ, bà đã mang đến cho con sự sợ hãi đến mức sinh bệnh, nên dù đứa bé không phạm lỗi nữa thì bà cũng đã thất bại khi xét cả ba ý nghĩa trên.

Nếu chúng ta trừng phạt trẻ một cách vội vàng, trong cơn cáu giận, không kiềm chế thì việc trừng phạt không chỉ không đạt được mục đích mà còn phản tác dụng. Tệ hơn nữa, sự trừng phạt đó sẽ kích thích trong con trẻ sự phản kháng.

Giáo viên hay cha mẹ khi ấy với chúng như là những người luôn tìm mọi lỗi lầm của chúng để trừng phạt. Đứa trẻ có thể đau khổ, khóc lóc, xin cha mẹ tha thứ nhưng sẽ không nhận thức được lẽ phải, sự công bằng, không cảm nhận được sai lầm của mình, không có được bài học cho tương lai.

Mục đích của hình phạt, không phải là dìm những đứa trẻ có lỗi mà là cứu và nâng chúng lên. Để có được điều đó, giải pháp là sự tha thứ. Sự tha thứ giải phóng con người khỏi gánh nặng lầm lỗi, làm nảy sinh tình cảm với người tha thứ. Khi đó đứa trẻ sẽ yêu thương người đang trừng phạt mình và muốn có những hành động mới để sửa chữa, làm hòa.

Không tha thứ cho con trẻ là hành động vô cảm, vô nhân tính và phản giáo dục. Nó chỉ càng đào sâu ngăn cách giữa con trẻ và người dạy dỗ. Nhưng luôn sẵn sàng tha thứ sẽ khiến bạn mất uy tín và khả năng ảnh hưởng đến con trẻ. Sự nhạy cảm, hiểu biết những phẩm chất riêng của đứa trẻ sẽ cho bạn chỉ dẫn tốt nhất nên làm gì.

Khen thưởng để thúc đẩy trẻ làm đều tốt

Khi trừng phạt trẻ, phụ huynh sợ nhất điều gì? Nhiều ông bố bà mẹ nói rằng sợ nhất là trẻ sẽ ghét, không tin vào họ. Điều quan trọng là làm thế nào để giữ được tình cảm gần gũi giữa cha mẹ và con cái khi bạn trừng phạt chúng.

Chỉ như vậy sự trừng phạt mới có hiệu lực, đứa trẻ mới trải nghiệm cảm giác có lỗi. Trẻ phải nhận ra được rằng chúng đã làm hỏng mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ hay thầy cô bằng hành động sai trái của mình. Bởi khi trẻ không có cảm giác có lỗi, sự trừng phạt sẽ chỉ mang đến bạo lực, khủng bố và mệt mỏi.

Bên cạnh trừng phạt là khen thưởng. Ai cũng thấy hạnh phúc khi được khen ngợi. Sự hài lòng khi được yêu quý và trân trọng luôn khiến người ta trở nên tốt đẹp hơn và muốn được trải qua cảm giác hạnh phúc đó thêm nhiều lần nữa.

Làm sao cân bằng giữa trừng phạt và khen thưởng, câu trả lời là sử dụng sự trừng phạt và khuyến khích phù hợp với từng đứa trẻ. Các nhà giáo dục cho rằng khuyến khích, khen thưởng mới là cách giáo dục hiệu quả nhất.

Nếu sự trừng phạt chỉ giúp dừng những hành động xấu thì sự khuyến khích động viên sẽ thúc đẩy những việc làm tốt. Khen thưởng hay động viên không thể hiểu đơn giản là kẹo, quả bóng hoặc chiếc xe đạp.

Phần thưởng lớn nhất cho trẻ chính là nhận thức rằng chúng đã mang niềm vui đến cho những người thân yêu, còn những món quà chỉ là sự tượng trưng cho điều đó. Khi vật chất tượng trưng trở thành điều quan trọng nhất và là mục đích khiến trẻ cố gắng làm tốt mọi việc thì sự giáo dục trong gia đình đã bắt đầu đi chệch hướng.

Nếu với bất kỳ lỗi lầm nào, trẻ cũng nhận sự trừng phạt, trẻ không thể học được cách cư xử đúng đắn. Trẻ sợ hãi người trừng phạt, cố gắng đánh lừa người ấy để thoát khỏi sự trừng phạt. Chẳng có sự trách mắng hay trừng phạt nào có thể khiến trường học trở nên hấp dẫn với những đứa trẻ không mấy giỏi giang. Nếu được khen ngợi và cổ vũ những thành tích dù rất nhỏ thì trẻ sẽ làm việc với sự hăng say và thích thú.

Thưởng và phạt chính là cơ sở giáo dục cơ bản. Sử dụng tốt hai hình thức này, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giáo dục nhất định.

Với người cha và người mẹ của hai cậu bé không biết vâng lời trong phần đầu bài viết này, không thể cho lời khuyên nào về việc trừng phạt, mà họ cần phải xem xét lại những nguyên tắc của mình.

Chúng phản giáo dục, không hiệu quả và không tình cảm, khiến cậu con trai tội nghiệp càng thêm bướng bỉnh, cứng đầu hoặc bị tác động tâm lý. Những nguyên tắc đó, gây bất lợi cho chính họ, khiến họ không thể có ảnh hưởng tích cực đối với con cái. Hơn thế nữa, nó khiến họ mất đi trải nghiệm niềm vui và sự hài lòng của người dạy dỗ.

Theo Gia đình & Xã hội



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.