Xét tuyển ĐH 2016: Lợi cho thí sinh nhưng khó cho trường!

Những điều chỉnh trong phương án thi THPT Quốc gia và ĐH, CĐ 2016 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố nhiều điểm có lợi cho thí sinh, các trường đều ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều trường đại học lại than sẽ gặp khó trong tuyển sinh.

Những điều chỉnh trong phương án thi THPT Quốc gia và ĐH, CĐ 2016 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố nhiều điểm có lợi cho thí sinh, các trường đều ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều trường đại học lại than sẽ gặp khó trong tuyển sinh.

Những quy định trong xét tuyển ĐH năm nay mà Bộ GD-ĐT vừa công bố dựa trên những ý kiến góp ý và khắc phục lại những hạn chế, bất cập của xét tuyển năm trước là: Thí sinh sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi của mình để ĐKXT trong các đợt xét tuyển; Thí sinh ĐKXT qua bưu điện và trực tuyến (online). Tuy nhiên, thí sinh đặc biệt lưu ý, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT.

Trong đợt xét tuyển đầu tiên: Thời gian ĐKXT và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 02 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo; Thời gian các đợt xét tuyển kế tiếp và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 03 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo.

Giảm chi phí cho thí sinh và minh bạch hơn trong xét tuyển

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Điện lực cho biết, những quy định mới của Bộ GD-ĐT rất hợp lý, có lợi cho thí sinh, thời gian xét tuyển rút xuống ngắn hơn, không quá dài như năm 2015 gây căng thẳng cho thí sinh và phụ huynh.

Bên cạnh đó, việc cho thí sinh đăng ký 02 trường, tối đa 02 nguyện vọng trong đợt 1 rất có lợi cho thí sinh giúp thí sinh có cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi chọn trường, chọn ngành theo đúng năng lực và sở trường, tránh hiện tượng nộp hồ sơ rồi lại rút ra như năm trước. Ngoài ra, các em được đăng ký qua mạng nên thí sinh không phải đến trường trực tiếp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Khiêm, trưởng phòng đào tạo ĐH Hàng hải Việt Nam cho hay, việc bộ cho các cụm thi tự công bố điểm thi ngay sau khi chấm thi sẽ khắc phục việc quá tải đường truyền. Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian mỗi đợt xét tuyển và cho phép thí sinh đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và mỗi đợt kế tiếp được đăng ký xét tuyển 3 trường nhưng không được thay đổi nguyện vọng sẽ giảm áp lực tâm lý cho thí sinh, gia đình và xã hội. Đồng thời giúp cho định hướng chọn nghề của thí sinh rõ ràng hơn.

Các trường được chủ động, tăng cường ứng dụng CNTT trong tiếp nhận xét tuyển trực tiếp, qua mạng sẽ làm giảm chi phí cho cả thí sinh và minh bạch hơn trong xét tuyển của các trường.

Điệp khúc lo "ảo"

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Khiêm (trường ĐH Hàng hải) lại lo lắng vì năm nay các trường sẽ gặp khó khăn vì tỷ lệ trúng tuyển “ảo” sẽ cao và khó dự báo được số thí sinh đăng ký vào trường nhất là các trường tốp giữa, dẫn đến nhiều trường phải xét tuyển nhiều đợt hoặc có trường tuyển vượt chỉ tiêu cho phép do dự báo sai.

Bên cạnh đó, theo ông Khiêm, việc quản lý kiểm soát để đảm bảo mọi thí sinh chỉ nộp vào 2 trường (đợt 1) và 3 trường (đợt 2), hoặc đảm bảo rằng thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 thì không được xét tuyển các đợt sau… thì sẽ phải cần một phần mềm quản lý chung của Bộ GD-ĐT. Phần mềm này cũng cần có công cụ hỗ trợ các trường tránh “ảo” khi xét tuyển.

Ông Khiêm đề nghị Bộ GD-ĐT, nới rộng biên độ được phép tuyển so với chỉ tiêu (từng khối ngành theo Thông tư 32). Đồng thời, sớm có tập huấn phần mềm để các trường chủ động xây dựng phương thức, lập trang web đăng ký qua mạng.

Còn ông Bùi Đức Hiền (trường ĐH Điện lực) cho rằng, mặc dù với các trường, với phương án xét tuyển mới sẽ đỡ vất vả hơn nhưng lại khó biết được lượng thí sinh đăng ký chính xác là bao nhiêu, sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nếu tuyển không đủ 50 chỉ tiêu hay tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị phạt nên rất khó lường.

Cán bộ tuyển sinh của một trường ĐH lớn Hà Nội băn khoăn cho rằng: việc cho phép thí sinh được đăng ký 02 trường với 2 nguyện vọng hơi ít cho thí sinh. Ngoài ra, toàn bộ phần mềm quản lý thi THPT quốc gia như thế nào? Có giống năm trước không? Vì nếu bộ không thay đổi phần mềm sẽ lại nảy sinh nhiều rắc rối như năm trước.

Bên cạnh đó, vị cán bộ tuyển sinh này kiến nghị, Bộ GD-ĐT cần cải tiến cách nhập hồ sơ đăng ký thi của thí sinh tại địa phương vì năm trước hồ sơ của thí sinh sai sót nhiều như đối tượng ưu tiên; khi các trường quét ảnh lên máy tính thì ảnh nam thành nữ, nữ thành nam. Đồng thời, việc nộp hồ sơ trực tuyến cần cân nhắc yếu tố vùng miền. Cùng đó, Bộ Giáo dục cần có sớm phần mềm nộp hồ sơ trực tuyến để các trường phổ thông tập huấn cho thí sinh làm quen trước.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.