Còn quá sớm để nói đến "cái chết của đồng đôla"

Những hành động bao vây đồng đôla Mỹ đã rõ ràng. Những thế lực tài chính đang tham gia vào cuộc bao vây này dường như muốn tìm lối thoát lệ thuộc vào loại tiền tệ này.

Giảm lệ thuộc vào đồng đôla Mỹ chắc chắn đang xảy ra nhưng loại tiền tệ nào sẽ là "ngọn cờ" tiên phong cho một xu hướng mới thì chưa có, thậm chí không thể có. Và đây sẽ là một cuộc bao vây bất đắc dĩ.

Cái chết được báo trước?

Một tin chấn động được đưa ra: Các bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương ở vùng Vịnh đã bí mật gặp những người đồng nghiệm tại Trung Quốc, Nga, Nhật và Pháp nhằm chấm dứt sự ngự trị của đồng đôla trong các giao dịch dầu mỏ. Họ dự kiến chuyển sang một rổ tiền tệ gồm tiền Yên của Nhật, nhân dân tệ của Trung Quốc, Euro, vàng và một loại tiền tệ mới, dự kiến sẽ dùng chung cho các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh.

Đó là ngày 6/10, thông tin từ bài báo mang tên "Cái chết của đồng đôla" của ký giả Robert Fisk trên tờ Independent (Anh). Ngay sau khi tin này được loan ra, giá đồng đôla sụt mạnh trong khi giá vàng tăng đáng kể trên thị trường thế giới.

Sở dĩ tin này có ảnh hưởng như vậy cũng một phần bởi uy tín cá nhân của nhà báo Robert Fisk và của tờ báo Independent - tờ nhật báo lớn thứ tư ở Anh. Robert Fisk là một trong những nhà báo nổi tiếng nhất thế giới. Ông là phóng viên chuyên trách khu vực Trung Đông của tờ The Independent.

Ông là phóng viên tin quốc tế nổi tiếng nhất ở Anh, chiếm kỷ lục về các giải thưởng báo chí của Anh và trên thế giới, từng đoạt 7 lần giải thưởng phóng viên tin quốc tế của Anh. Robert Fisk cũng là phóng viên hiếm hoi có bằng tiến sĩ về chính trị học.

Ở Trung Đông, Robert Fisk cũng nổi tiếng không kém ở Anh. Ông là một trong những phóng viên nước ngoài hiếm hoi từng phỏng vấn Osama Bin Laden (ba lần) trước khi trùm khủng bố này cho người lao máy bay vào tòa tháp đôi ở Mỹ. Thậm chí, còn có một cuốn sách xuất bản ở Ai Cập bằng tiếng Arab về tiểu sử Saddam Hussein đã "mượn" tên Robert Fisk làm tác giả để tăng uy tín và bán cho dễ.

Với hơn 30 năm sống ở Trung Đông, Robert Fisk là một trong những chuyên gia có uy tín nhất về khu vực này. Do đó không có gì ngạc nhiên trước việc nhiều người tin rằng, các nước vùng Vịnh quả thực đang có kế hoạch không sử dụng USD trong các giao dịch dầu hỏa cho dù trong bài báo, Robert Fisk không chính thức dẫn nguồn và ngay sau đó, các quan chức cao cấp của Saudi Arabia và Nga đều bác bỏ nguồn tin.

Đến giờ này, cũng không ai biết chắc liệu tin tức của Robert Fisk có chính xác không. Nhưng chỉ riêng việc tin đó gây xôn xao dư luận như vậy, cùng với việc đồng USD giảm giá liên tục trong thời gian vừa qua cũng cho thấy vị thế của đồng USD đang phải hứng chịu những thử thách rất nặng nề.

Trong 12 tháng qua, đồng USD giảm giá mạnh, xuống 18 phần trăm so với đồng euro và hơn 40 phần trăm so với đồng đôla Úc như hậu quả một phần từ chính sách kích thích kinh tế, giảm lãi suất và tăng cung tiền của Mỹ. Còn nhớ hồi tháng Ba năm nay, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã lớn tiếng kêu gọi thế giới thay đồng USD bằng một loại "tiền" của Quỹ Tiền Tệ Thế giới" (IMF) có tên là Quyền rút vốn đặc biệt (hiện được dùng làm cơ sở xác định các khoản đóng góp của các quốc gia thành viên IMF).

Đây có lẽ là lần đầu tiên vị thế của đồng đôla thực sự bị thách thức sau hơn 60 năm thống trị tiền tệ thế giới - kể từ ngày 44 quốc gia họp nhau tại Bretton Wood, Mỹ vào tháng 7/1944 để thống nhất về hệ thống tài chính - tiền tệ toàn cầu.

Trong một bài báo khác cũng trên tờ Independent, Robert Fisk cho rằng trong vòng 9 năm tới - khung thời gian để chuyển từ đồng đôla sang rổ tiền tệ nói trên - thu nhập quốc dân của Trung Quốc sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD và nước Mỹ lúc đó sẽ chỉ chiếm hơn 20 phần trăm thu nhập của toàn cầu. Robert Fisk cho rằng việc thay thế đồng đôla nằm trong động thái chính trị của các nước này nhằm làm giảm dần ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và tìm kiếm các đồng minh mới, mà đáng kể nhất là Trung Quốc.

Sự hoảng loạn nhất thời?

Hai tuần sau bài báo của Robert Fisk, nhà báo lão luyện Martin Wolf, cây bút chủ chốt về kinh tế ở Financial Times (Anh) lên tiếng phản bác. Cũng cần nói thêm là Martin Wolf được coi là một trong những nhà bình luận kinh tế sắc sảo và đáng đọc nhất hiện nay. Trái với những ý kiến cho rằng đồng đôla đang nằm chờ chết, Martin Wolf khẳng định việc đồng đôla giảm giá là dấu hiệu của thành công chứ không phải của thất bại.

Theo ông, khi suy thoái kinh tế xảy ra và lòng tin người tiêu dùng giảm sút, người ta sẽ bám vào đồng đôla "như trẻ con chạy về với mẹ dù chính lỗi của người mẹ đã gây ra khủng hoảng". Do đó đồng đôla lên giá. Trái lại, khi lòng tin thị trường trở lại, đồng đôla sẽ giảm giá. Việc này không chỉ bình thường mà còn có ích. Nó sẽ làm giảm nguy cơ giảm phát ở Mỹ và giúp điều chỉnh lại sự "mất cân bằng" thương mại toàn cầu.

Một nguyên nhân căn bản dẫn tới khủng hoảng tài chính vừa qua là cán cân thanh toán của Mỹ bị mất cân bằng và có những dòng vốn khổng lồ đổ vào nước này gây ra tình trạng bong bóng tài sản ở Mỹ. Đồng đôla giảm giá sau khủng hoảng, do đó là quá trình tự nhiên để tái cân bằng cán cân thanh toán của Mỹ, giảm tình trạng nhập siêu ở nước này (nhất là trong mối tương quan với Trung Quốc) đồng thời hỗ trợ cho sự tăng trưởng dựa trên nền tảng xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng suy thoái kinh tế Mỹ lẽ ra còn nghiêm trọng hơn và tình trạng thất nghiệp tồi tệ hơn nếu đồng đôla không giảm giá trong thời gian qua.

Cũng theo Martin Wolf, việc giá vàng tăng đột biến trong thời gian qua không chứng tỏ rằng thế giới đang bỏ rơi đồng đôla. Giá vàng chưa bao giờ là một dấu hiệu đáng tin cậy báo hiệu lạm phát mà nó chỉ phản ánh trạng thái tâm lý nhất thời. Hơn nữa, hiện nay chưa gì có thể thay thế đồng đôla cả. Một ứng cử viên sáng giá được nhắc tới nhiều hiện nay là đồng nhân dân tệ nhưng trên thực tế, có rất ít các giao dịch trên thế giới được tiến hành bằng đồng tiền này.

Nguyên nhân chủ yếu là đồng tiền này chưa phải là đồng tiền có khả năng chuyển đổi rộng rãi (convertible). Đồng nhân dân tệ chỉ có thể trở nên phổ biến nếu Trung Quốc chấp nhận nó là một đồng tiền có khả năng chuyển đổi rộng rãi, nhưng làm vậy cũng có nghĩa là nước này phải chấp nhận bãi bỏ các kiểm soát ngoại hối, để tỷ giá do thị trường quyết định và tăng cường mở cửa thị trường tài chính. Nhưng hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa thể hay chưa muốn thực hiện những điều này.

Trong hoàn cảnh đó, chỉ có đồng euro là đối thủ cạnh tranh thực sự của đồng đôla. Hiện nay có khoảng 65 phần trăm tiền dự trữ thế giới bằng đôla và 25 phần trăm bằng euro. Nhưng nếu như đồng đôla có những nhược điểm nhất định thì đồng euro cũng không hơn gì, thậm chí còn tồi hơn. Trong khi kinh tế Mỹ đang dần vượt qua khủng hoảng nhờ một thị trường lao động năng động và có tính linh hoạt cao thì châu Âu vẫn đang gặp phải các vấn nạn như thâm hụt tài khóa và nợ cao, thị trường lao động thiếu linh hoạt và nặng nề. Tương lai của đồng euro xem ra còn bất định hơn nhiều so với đồng đôla Mỹ.

Còn vàng? Khả năng vàng được sử dụng trở lại như một đơn vị tiền tệ toàn cầu lại càng xa vời. Chế độ bản vị vàng trên thực tế đã chấm dứt từ sau thế chiến thứ Nhất và hiện nay, không có bất cứ nhà kinh tế hay nhà ngân hàng - tài chính nghiêm túc nào lại nghĩ tới việc quay trở lại dùng vàng làm phương tiện thanh toán. Chỉ đơn giản riêng việc so sánh giữa khối lượng vàng với khối lượng giao dịch toàn cầu hiện nay đã có thể thấy bất hợp lý này.

Tổng khối lượng vàng dự trữ toàn cầu hiện nay vào khoảng 10.300 tấn (tương đương với 370 tỉ đôla) trong khi tổng số vàng đã được khai thác trên thế giới vào khoảng 52.000 tấn (tương đương với 1850 tỷ đôla). Trong khi đó tổng giá trị thương mại toàn cầu trong riêng năm 2009 lên đến 15.800 tỷ đôla, nhiều gấp gần 9 lần số lượng vàng đã được khai thác trên toàn thế giới cũng chỉ đạt được 158.000 tấn, tức là vẫn không đủ để thanh toán cho hoạt động thương mại trong 1 năm.

Như vậy, ngay cả tình huống đồng đôla Mỹ có bị lật đổ bởi sự đoàn kết và đồng lòng nào đó, người ta vẫn chưa tìm thấy đồng tiền thay thế nó. Vì thế, có thể hiểu những kế hoạch "bao vây" gần đây chỉ để làm suy giảm vai trò của nó và mở đường cho những thế lực tiền tệ khác trong tương lai. Có lẽ, vẫn còn quá sớm để nói tới "cái chết của đồng đôla". Ít nhất trong 30 năm nữa, điều này sẽ không xảy ra.

Theo Linh Vũ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.