Hàng Việt chẳng kém gì hàng hiệu

Một ông Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn lớn không thích mặc hàng hiệu với quan điểm, hàng hiệu và hàng Việt Nam không khác gì nhau về chất lượng và chả có lý do gì phải bỏ ra vài trăm USD chỉ để có một chiếc áo sơmi thanh lịch.

Đó là phần mào đầu cuộc trao đổi của ông Lê Quốc Ân - chủ tịch HĐQT tập đoàn Dệt may Việt Nam với báo giới. Tập đoàn này là một điểm sáng trong bóng tối cuộc khủng hoảng, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu.

Trở thành nhà sản xuất 5 sao

Có phải vị trí của người đứng đầu ngành dệt may mà ông phải nói thế và mặc thế?

Trong trường hợp này, nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng được. Xuôi là vị trí của mình nên mặc hơn nữa, vì trong ngành nên tôi biết rõ, chất lượng và kiểu dáng mẫu mã của chúng ta bây giờ chẳng kém gì các loại hàng hiệu thường thấy ngoài phố. Nếu nói ngược, khi tôi chọn hàng hàng hiệu để mặc - chỉ thỉnh thoảng thôi - tôi cũng có thể nói rằng, phải mặc đồ của người ta mới biết chất lượng của họ đến đâu mà làm theo chứ. Nhưng nói thật lòng, tôi thấy mình mặc hàng Việt Nam là phù hợp và đủ.

Cá nhân ông thấy hàng Việt chẳng kém gì hàng hiệu nhưng thực sự thì dệt may Việt Nam có sản xuất được những loại hàng tương đương với hàng hiệu không?

Phải nói rằng, ngoại trừ một số hàng hiệu ở Top đỉnh thế giới, còn lại, hầu hết các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đều đang được sản xuất tại Việt Nam, sau khi ta xuất khẩu, bên đặt hàng chỉ gắn lại nhãn mác của họ mà thôi.

Vậy tại sao vẫn có nhận xét cho rằng, thị trường thời trang của nước ta chưa có định hướng, chẳng lẽ chúng ta không học hỏi gì được từ việc sản xuất hàng thời trang cao cấp cho các thương hiệu nổi tiếng hay sao, thưa ông?

Tôi không nghĩ thế. Trái lại, thời trang của chúng ta có định hướng rất cụ thể. Từ cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, chúng ta đã quay vào tập trung cho thị trường nội địa và rất may, thị trường trong nước tăng trưởng mạnh (17%). Chúng tôi định hướng cho từng dòng sản phẩm từ trung bình, đến khá và cao cấp với nhiều mức giá khác nhau, thậm chí, dòng cao cấp trên một triệu đồng một chiếc áo sơ mi đang được người tiêu dùng mua khá nhiều.

Đối với sản phẩm xuất khẩu, trong hệ thống sản xuất dệt may của chúng ta đã định hướng, trong mười năm nữa sẽ trở thành một quốc gia sản xuất dệt may 5 sao nhằm thu hút những khách hàng 5 sao, lợi nhuận cao hơn nhiều, trình độ sản xuất của ta mới phát triển lên được. Có tất cả 6 tiêu chí cho tiêu chuẩn 5 sao và hiện nay, chúng ta có thể tự hào rằng, bước đầu đã có 10% doanh nghiệp trong nước đáp ứng tiêu chuẩn cao cấp này, số doanh nghiệp còn lại đang phấn đấu cải thiện tình hình.

Thưa ông, làm sao chúng ta có thể trở thành những nhà sản xuất 5 sao nếu như chúng ta chủ yếu làm công đoạn gia công dệt may?

Điều đó đúng với trước đây còn bây giờ chúng tôi đã phát triển hơn thế nhiều. Gia công chỉ là một nửa của công việc sản xuất đòi hỏi khả năng chủ động về chất liệu may và thiết kế. Như tôi vừa nói, chúng ta đã có 10% nhà sản xuất 5 sao trong tổng số 22.000 nhà sản xuất dệt may thì số còn lại ở mức 3 sao hay 2 sao rất nhiều, do đó tình trạng sản xuất đơn thuần gia công đã giảm thiểu.

Thậm chí, không chỉ ở khâu sản xuất, thời trang từ khâu thiết kế tạo mẫu, tự chủ về chất liệu, cắt, may rồi đến quảng cáo sản phẩm ở nước ngoài và tự làm luôn cả việc phân phối sản phẩm của mình ra thế giới. Hai công đoạn sau thường là các khách hàng đặt may của ta làm nhưng đối với doanh nghiệp này, họ đủ mạnh để làm tất cả.

Nhưng khi đặt ra chiến lược đưa sản xuất xuất khẩu của ta theo tiêu chí 5 sao thì các ông có tính đến sự thiệt hại sẽ rất nặng nề khi khủng hoảng kinh tế xảy ra?

Có chứ. Quả thực, khủng hoảng vừa rồi, xuất khẩu hàng thời trang phân khúc trung bình khá và khá gặp nhiều khó khăn. Toàn bộ ngành sản xuất thời trang quốc tế lao đao, trong khi đó, dệt may của Băng-la-đét lại trúng quả lớn, lý do đơn giản là nhu cầu thời trang giá rẻ tăng mạnh nên dệt may của họ tăng trưởng cực mạnh, tới trên 30%.

Nhưng tính chiến lược của chúng ta dựa trên dài kỳ vì không phải khủng hoảng xảy ra thường xuyên, chỉ nhiều chục năm mới có một lần nên không đáng sợ. Mặt khác, phải thực sự vui mừng vì qua đợt "thử lửa" này mới thấy doanh nghiệp dệt may của ta cực kỳ năng động. Chính sự năng động của doanh nghiệp mình mà thiệt hại từ khủng hoảng không nặng nề như dự báo.

Cuối năm ngoái, dệt may năm sau đã được dự báo tụt giảm tới 10% còn thông tin sau 7 tháng "thử lửa" cụ thể như thế nào, thưa ông?

Đúng là dự báo tụt giảm rất nặng vì mọi đánh giá về kinh tế thế giới và các thông tin xuất khẩu đều theo chiều hướng tối tăm, đó là chưa kể các khách hàng quốc tế của chúng tôi cũng rất bi quan, ban đầu, đơn hàng từ họ giảm rất mạnh. Trong nước, chúng ta đã dự báo kim ngạch xuất khẩu tất cả các lĩnh vực sẽ tụt giảm khoảng 13%.

Nhưng vì đã được cảnh báo sớm tình trạng suy thoái, khó khăn cộng với nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp của mình với hai phương châm bám giữ khách hàng cũ và mở mang thị trường mới nên xuất khẩu của ta đã cải thiện được nhiều. Tổng sản lượng xuất khẩu không giảm mà tăng tới 15%, tuy nhiên, điều không tránh khỏi là đơn giá của từng hợp đồng giảm mạnh nên kim ngạch xuất khẩu của dệt may 7 tháng vừa rồi chỉ giảm 1% so với dự báo là 10%. So với kế hoạch đặt ra năm nay, kim ngạch dệt may sẽ thu về 9 tỉ USD thì đến nay đã đạt được 5 tỉ USD rồi.

Làn sóng dịch chuyển đơn hàng vào Việt Nam

Đó thực sự là những thông tin gây bất ngờ...

Riêng với thị trường chủ chốt là Mỹ, năm nay xuất khẩu của chúng ta đã tăng 23,5% về số lượng, tuy đơn giá giảm thị trường Mỹ giảm tới 15% nhưng chúng ta vẫn đạt mức tăng kim ngạch xuất khẩu 1,5%. Trong khi đó, gã khổng lồ dệt may Trung Quốc giảm 6% ở thị trường này và hầu hết các nước khác đều giảm, trừ Việt Nam và Băng-la-đét có tăng trưởng dương.

Phải chăng, kết quả tăng đó vì chúng ta tập trung vào phân khúc thị trường thấp cấp, rẻ tiền?

Không. Theo con số giám sát của Mỹ, mức đơn giá trung bình của hàng dệt may các nước trên thế giới vào Mỹ là 1.5, sản phẩm của Trung Quốc ở mức 2.0, hàng từ các nước vùng Ca-ri-bê được cho là khá cao với mức 2.4, còn sản phẩm của Việt Nam là 3.0. Không riêng gì thị trường Mỹ ta mới có tăng trưởng, đáng chú ý là tại thị trường Nhật Bản, mức tăng trưởng năm nay dự kiến sẽ đạt tới 20% trong khi mọi năm thường trên 10%. Thị trường Hàn Quốc cũng có tăng trưởng cao.

Vậy, từ những tín hiệu khá tốt của dệt may nước ta, ông có thể nói gì về năm 2010 hoặc là một hình dung cho vài năm tới?

Tôi tin tưởng chúng ta sẽ phát triển khá mạnh. Ngay từ bây giờ, dệt may Việt Nam đã đặt kế hoạch tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cho năm 2010 đạt mức 10,5 tỉ USD so với mức 9 tỉ của năm nay. Để hình dung cho vài năm tới, tôi cho rằng chúng ta đang có nhiều thuận lợi, đặc biệt với thị trường Nhật Bản. Nguyên nhân là vì chính phủ ta vừa ký kết được hợp tác thương mại với Nhật Bản mà trong lĩnh vực dệt may, nếu đáp ứng hàng sản xuất tại Việt Nam không sử dụng nguyên liệu Trung Quốc sẽ được ưu đãi thuế từ mức 10% hiện nay xuống còn 0%.

Lợi ích của 10% rất lớn cho sản xuất và kim ngạch của nước ta vào thị trường này. Nhưng không chỉ có thế, từ lợi ích to lớn đó, nhiều nhà đầu tư dệt may nước ngoài đã tìm hướng đầu tư vào nước ta. Thậm chí, lợi ích đó còn tạo ra một làn sóng dịch chuyển đơn hàng vào Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.