Người đàn ông "sờ" đâu cũng ra tiền

Gần 20 năm quyết tâm tạo dựng trang trại,mồ hôi công sức của anh đổ xuống đã gieo lên sự sống cho cả một vùng rộng lớn.

Từng nhiều lần thất bại, một xu dính túi không còn, nhưng anh Nguyễn Văn Kỷ ở (thôn 13, xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) vẫn quyết tâm gây dựng sự nghiệp từ cây và đất. Gần 20 năm quyết tâm tạo dựng trang trại, đất không phụ lòng người, mồ hôi công sức của anh đổ xuống đã gieo lên sự sống cho cả một vùng rộng lớn.   

Đường vào Nông trường Đồng Giao giờ rộng thênh thang, xe chạy băng băng. Cái đói, cái nghèo mà người dân từng có câu ca “ai qua quán cháo Đồng Giao...” đã dần lùi xa. Nơi này đang thay đổi từng ngày. Sự nhạy bén của anh Kỷ đã và đang là đầu tàu để bà con nơi đây đi theo trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Cả nông trại của anh Kỷ giờ là một cái máy “in” tiền. 

“Sờ” đâu cũng ra tiền

Con đường thẳng cánh cò bay dẫn vào nông trại của anh Kỷ đẹp như trên phim. Thoảng có tiếng đàn lợn kêu đòi ăn đã phần nào xua tan vẻ tĩnh mịch nơi sơn cước. Cả nghìn trụ bê tông được chôn thành hàng, thành lối cho thanh long mọc lên tựa như những cột cây xanh giữa trời. Cây nào cũng tươi tốt. Từ một kỹ sư địa chất, anh Kỷ tự “biến” mình thành nông dân. Dáng người to đậm, gương mặt cương nghị, tác phong nhanh nhẹn, đôi bàn tay chai sần, qua cái bắt tay cũng đủ biết anh đã gắn bó mật thiết với vùng đất này đến nhường nào. 

 nguoi dan ong "so" dau cung ra tien hinh anh 1

Giống thanh long ruột đỏ của anh Kỷ hứa hẹn mang lại thu nhập cao. Ảnh:K.G

Cả khu nông trại giờ đã phủ kín bóng thanh long và vườn bưởi Diễn đang vào độ ra hoa. Giữa nông trại là dãy chuồng lợn rừng được gia cố rất bài bản. Ô dành cho lợn sinh sản, ô dành nuôi lợn thịt chạy dài tít tắp. Đếm sơ sơ, anh đang nuôi vài chục lợn nái chứ không ít. Chúng sinh sản ra bao nhiêu, anh để nuôi hết. Nhờ làm từ gốc đến ngọn này mà đàn lợn đã cứu cả gia trại này trong những lúc gian khó nhất. “Năm vừa rồi lợn rừng được giá, tôi đã bán cả nghìn con. Nay chỉ còn lại lợn giống thôi. Đám lợn rừng này ăn ngô, khoai, sắn nên thịt thơm ngon. Giờ tôi không có hàng mà bán” - anh Kỷ tự hào khoe.

"Làm nông mà lơ mơ là mất cả chì lẫn chài như chơi. Mình phải gắn bó với nó. Nhìn cái cây phải biết nó thiếu chất gì. Nom con lợn ăn như thế nào là mình biết nó khỏe hay yếu”.

Ông Nguyễn Văn Kỷ

Cách dãy chuồng lợn không xa là vườn bưởi Diễn hơn 500 cây. Cây nối cây đang thời kỳ trổ hoa, tỏa hương thơm ngào ngạt. Nguồn chất thải từ nuôi lợn, theo đường ống dẫn vào bể ủ. Rồi từ nơi này, phân lợn đã qua xử lý chảy thẳng đến cây thanh long, cây bưởi. Bằng cách làm liên hoàn đó, anh Kỷ đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Theo tính toán của anh Kỷ, giờ nơi này “sờ” chỗ nào cũng ra tiền. 150 đầu lợn nái 1 năm đẻ 2 lứa, được 1.500 đầu lợn con. Lợn sinh sản ra đến đâu, anh nuôi cả. Mỗi năm anh xuất chuồng 20 tấn thịt lợn, với giá 120.000 đồng/kg. Tổng thu nhập đã trừ chi phí đạt 500-600 triệu đồng/năm. 2ha hồng không hạt với 1.000 cây, thu 50 triệu đồng/ha/năm. Tiếp đó là 500 cây bưởi Diễn đã thu hoạch, cho 200 triệu đồng. Hiện anh đã trồng thêm 3ha với 1.500 cây bưởi sẽ cho thu hoạch vào năm tới. 5ha thanh long với 5.500 trụ cũng sắp cho thu hoạch.

Thỏa ước mơ “nhặt” vàng trong đất

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay anh Kỷ cũng đã trải qua muôn phen lận đận. Sinh ra và lớn lên tại vùng gió Lào nắng gắt Hà Trung (Thanh Hóa), anh từng trải qua những ngày khốn khó. Như bao chàng trai xứ Thanh khác, anh ấp ủ học lấy con chữ để sớm thoát khỏi cái nghèo. Anh Kỷ học Đại học Mỏ với ước mơ sau này sẽ đi khắp quê hương tìm “vàng” trong đất. Thế rồi cuộc đời lại không rẽ như những gì anh vạch ra. Rời ghế nhà trường, anh đi buôn chuyến dọc đất nước. Bao chuyến Nam, Bắc ngược xuôi, lần được, lần mất đã tạo cho anh bản lĩnh dạn dày. Từ buôn lợn, rồi lái trâu… có những lúc gặp thời, anh lên như diều gặp gió, cũng có những chuyến anh trắng tay.

Bước ngoặt của cuộc đời anh đã rẽ theo một hướng khác mà chưa bao giờ anh nghĩ tới là quay về với cái việc mà anh muốn thoát khỏi “bới đất, lật cỏ”. Khi đó, anh có qua nông trường Đồng Giao, được người bạn giới thiệu bán cho 10ha đất. Để sang nhượng, anh phải mua đất với giá 35 triệu đồng/ha. “Tôi ấp ủ sẽ trồng cam sành, cam Cao Phong và cam Canh. Theo tính toán của tôi, đầu tư chỉ mất 3 năm là thu lại toàn bộ vốn” - anh Kỷ hào hứng nhớ lại những ngày đầu làm nông dân.

Kế hoạch đã vạch sẵn, để thực hiện giấc mơ thu tiền tỷ của mình, anh cất công về Xuân Mai (Hà Nội) tìm người có kỹ thuật chuyên trồng cam về làm trợ thủ đắc lực cho mình. 4.000 cây cam sành, cam canh… được đưa về trồng. Trước đó, anh đã cất công thuê toán thợ về khoan giếng. Tốp thợ ăn ở suốt 2 tháng, khoan 3 mũi sâu  120m xuống lòng đất mà không tìm nổi một giọt nước. Khi đó, anh Kỷ lo mất ăn, mất ngủ, cả 10ha cây trồng mà không có nước, kế hoạch sẽ phá sản. Rất may khi đó, anh gặp được một người bạn chuyên về địa chất, giới thiệu cho anh những nhà khoa học ở Bộ Tài nguyên và Môi trường về khảo sát và khoan giếng khác. Lạ thay, đám thợ này đặt mũi khoan vào khoảng giữa của 3 mũi khoan lần trước. Mũi khoan chỉ đến độ sâu 65m nước phun lên ầm ầm. 

4.000 cây cam thỏa sức bám rễ tại Nông trường Đồng Giao. Anh là người đầu tiên dám làm ăn lớn nơi này. 3 năm đầu, cam lên tươi tốt. Chúng bói quả rất sai, hứa hẹn một mùa bội thu. Buồn thay đến năm thứ 4, tựa như ông trời cố tình triệt hạ đường sống của anh Kỷ, cam tự nhiên bị vàng lá rồi héo rũ. Cây nọ “bảo” cây kia chết đứng giữa trời. Anh đã mời hết các chuyên gia về cây có múi đến chữa bệnh cho vườn cam, vậy mà tất cả đều bó tay.

Đi lên từ thất bại, năm 2002, anh Kỷ mạnh dạn vay vốn trồng cỏ nuôi bò lai sind. Khi đó giống bò này đang sốt sình sịch. Cả trăm con bò trị giá tiền tỷ được đưa vào chăn nuôi. Sau hai năm, đám bò sinh sản, phát triển tốt thì giá lại rớt thảm hại. Anh mua 80 triệu đồng/con, khi bán 20 triệu đồng/con, người mua chê ỏng eo. “Quá chán, tôi bán sạch đám bò. Buồn hơn là anh bán bò năm trước, năm sau giá bò lại tăng vùn vụt. Dường như ông trời vẫn tiếp tục thử lòng kiên trì của tôi” - anh Kỷ chua xót nói.

Hai lần đổ tiền tỷ vào đất, anh Kỷ đều thất bại thảm hại. Chăn nuôi, trồng trọt đều không mang lại hiệu quả khiến anh Kỷ hoang mang, không biết làm lại từ đâu. Sau đó, anh chuyển sang trồng bưởi, trồng hồng rồi trồng thanh long… “Khi đó tôi cứ cắm đại vào đó. Hy vọng nó sẽ làm mình đổi vận” - anh Kỷ vẫn lo lắng khi nhắc lại việc làm vườn của mình. Như một người tiên phong trong phát triển kinh tế, anh Kỷ lấy ngắn nuôi dài, dần dần vườn bắt đầu có thu. Anh lại mạnh dạn mượn vốn, xây chuồng trại nuôi lợn rừng. Cả trăm con nái được anh gây dựng.

Bằng nỗ lực không mệt mỏi, đến giờ sau mấy năm, mấy trăm cây bưởi Diễn cho thu hoạch. Cả vạn gốc thanh long cũng thu được khối. Đám lợn rừng nuôi đúng thời điểm “đẻ” ra tiền sòn sòn. Một điều vui hơn cả, giờ đây nông trại của anh là nơi để những ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế đến học hỏi. Đây cũng là nơi để anh chuyển giao kỹ thuật, nhân giống cây cho bà con.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.