Trồng bưởi Diễn trên đất Mường, đếm tiền mỏi tay

Sau hơn chục năm vật lộn với cây, với đất, giờ đây ông Chiểu mới được hưởng cái ung dung của người làm trang trại.

Sau hơn chục năm vật lộn với cây, với đất, giờ đây ông Chiểu mới được hưởng cái ung dung của người làm trang trại. Hơn 1.000 cây bưởi đã ra hoa, kết trái, mỗi năm mang lại cho ông cả “núi tiền”.

Nói đến vườn, đến cây là ông Nguyễn Viết Chiểu ở Lương Sơn, Hòa Bình “ưng” cái bụng lắm. Dù đang ở tận đất Thủ đô xa xôi, song ông vẫn sẵn lòng lên xứ Mường tiếp khách bởi trang trại của ông ở đó. Với tác phong nhanh nhẹn và nhiệt tình, ông Chiều hồ hởi đón vị khách lạ cứ như người quen lâu ngày mới gặp nhau. “Gì chứ, sống ở đời được gặp nhau đã là một cái duyên lành. Giờ có người muốn thăm vườn bưởi của mình là thêm một điều lành nữa rồi. Đời tôi có những lúc, tìm người san sẻ cái ý tưởng, cái quyết tâm của mình cũng khó đấy” - ông Chiểu mở đầu câu chuyện làm ặn của mình một cách đầy cảm thán như thế.

Bưởi Diễn bén rễ xứ Mường

Trang trại của ông Chiểu nằm sâu trong thôn Om Ngái, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nơi được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi trập trùng nối dài tới đường chân trời. Đứng từ xa nhìn lại vườn bưởi của ông tựa như một thành lũy mọc lên giữa đất xứ Mường. Xung quanh vườn là những bụi tre gai cao vút, ken dày, chẳng con gì chui lọt được. Người chủ của vườn bưởi rộng lớn, năm nay đã ở độ tuổi thất thập nhưng nom ông còn khỏe lắm. Ông đi lại phăng phăng trong vườn, giọng nói cứ sang sảng.

bưởi Diễn, trồng bưởi diễn trên đất Mường, trồng bưởi Diễn, cây bưởi Diễn

Sau 15 năm, ông Chiểu mới tạo dựng được cơ ngơi vững chãi.

Những cây bưởi Diễn được trồng thành hàng lối, phủ kín cả vùng núi non rộng lớn. Cây nào cũng to, tán xòe ra tựa như một cái ô nằm giữa trời. Vườn bưởi đang độ ra hoa, tỏa hương thơm ngào ngạt. Ông Chiểu bảo: “Trong vườn chủ yếu là bưởi Diễn. Tôi đã cất công mang giống từ đất Diễn lên đây trồng. Giờ nó phát triển mạnh và cho chất lượng ngon hơn cả trồng ở Diễn đấy”.

Loáng thoáng trong vườn vẫn còn sót lại một vài quả bưởi mà ông chưa kịp hái. Ông nhanh nhẹn hái trái bưởi màu vàng óng xuống. Quả bưởi vẫn rắn, chắc, chưa có dấu hiệu bị khô múi. Năm vừa rồi, có cây bưởi cho tới 400 quả, cây ít cũng gần 200 quả, giá bán 35.000 đồng/quả. Như vậy, có cây bưởi mang lại cho ông hơn chục triệu đồng. Tư thương ở khắp nơi về ăn thử bưởi của ông rồi tranh nhau đặt hàng. So với việc trồng bưởi Diễn ở đất Diễn, trồng bưởi ở Cao Dương năng suất cao gấp 3 lần.

Như để chứng minh về chất lượng của thứ bưởi hảo hạng sống trên đất Mường, ông Chiểu rảo bước về căn nhà sàn rợp bóng cây, lấy mấy quả bưởi Diễn hái từ trước tết ra thết khách. Ông nhẹ nhàng dùng con dao bổ cau, tách lớp vỏ bưởi. Lưỡi dao đưa đến đâu là hương bưởi tỏa ra đến đó. Vỏ bưởi mỏng tựa như vỏ cam. Chẳng thế mà ông Chiểu phải rất nhẹ nhàng mới không cắt vào cùi bưởi.

Đĩa bưởi vàng óng, múi nào cũng căng mọng nước, ông Chiểu đưa mời khách với ánh mắt tràn ngập niềm vui. Đón nhận tấm lòng thịnh tình của ông chủ trang trại, tép bưởi vừa chạm đầu lưỡi tôi đã cảm nhận được vị ngọt, thanh, mát. Ăn một lại muốn ăn hai. “Tôi hái bưởi cách đây 3 tháng, để đến hôm nay, bưởi mới chỉ héo vỏ. Bưởi này có thể để đến tháng tư âm lịch vẫn còn ngon, ngọt. Giá trị của nó là ở chỗ đó” - ông Chiểu chia sẻ.

Ông Chiểu kể, cách đây 5 năm, ông mang bưởi về quê - cũng là đất Diễn để mời các cụ cao niên thẩm định chất lượng. Biết ông trồng bưởi ở đất Mường, các cụ đã đằng hắng, gì chứ bưởi Diễn phải trồng ở đất Diễn mới đúng danh phận. Anh có chăm sóc kiều gì cũng không thể ngon hơn bưởi quê nhà được. Nói là vậy, nhưng trước tấm lòng thịnh tình của người con đất Diễn, các cụ cũng chiếu cố nếm thử bưởi. Khi ăn hết múi bưởi do ông dâng, các cụ đã rất lấy làm hài lòng. Một cụ còn nghi ngờ, liệu cháu có lấy nhầm bưởi Diễn để mời chúng tôi không đấy. Thứ bưởi này có vị đặc trưng bưởi Diễn rồi, nhưng vị ngọt của nó đậm hơn so với Diễn. Điều này chứng tỏ, vùng đất đó rất tốt và phải dày công lắm mới tạo được vị bưởi ngon vượt cả nơi xuất xứ.

“Một mình một ngựa”

Vườn bưởi đơm hoa, kết trái lại cho chất lượng ngon hảo hạng là động lực để ông Chiểu vượt qua bao gian nan. Năm vừa rồi, mấy trăm cây bưởi Diễn cho quả, ông thu được tiền tỷ. Điều ông vui nhất là ông đã vượt qua được chính mình. Bên ngôi nhà sàn đã nhuốm màu thời gian, ông Chiểu ôn lại quãng thời gian đầy gian khó và khổ cực. Ông sinh năm 1949 và lớn lên tại làng Diễn. So với thế hệ cùng trang lứa, ông thuộc diện may mắn vì được đi du học tại Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) chuyên về ngành cơ khí. Tốt nghiệp, ông được nhận vào một cơ quan “oách” ở Thủ đô Hà Nội. Sau mấy chục năm cống hiến, ông đã xin nghỉ hưu sớm để ra ngoài làm.

bưởi Diễn, trồng bưởi diễn trên đất Mường, trồng bưởi Diễn, cây bưởi Diễn

Ông Chiểu sẽ đưa thử bưởi Diễn sang Nhật vào cuối năm nay.

Ông kể từng đi làm thuê cho ông chủ Tàu chuyên về bả matitz. Được một thời gian, ông lại “nhảy” ra ngoài làm với quyết tâm không đi làm thuê cho kẻ khác. Năm 1990, cái nghề bả matitz đang thịnh hành nên ông kiếm tiền nhiều như nước. Từ người đi làm thuê, ông Chiểu trở thành ông chủ, tiền kiếm được có thể sống ung dung cả đời.

Những lần lên xứ Mường làm từ thiện đã khiến ông mê đắm cái xứ sở đất đai rộng lớn, khí hậu ôn hòa này. Năm 2001, ông đã mạnh dạn bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua 4ha đất ở thôn Om Ngái để trồng bưởi Diễn. Quyết định của ông bị vợ con cho là “hấp”. Bởi lẽ với số tiền đó, ông có thể mua được cả một cơ ngơi rộng lớn ở đất Diễn. Ông chỉ nghĩ, đất Diễn đang mất dần đi, ông muốn tìm một nơi để lưu lại giống bưởi quý. Thế là mặc sự phản đối của gia đình, ông ôm tiền đổ vào mảnh đất ở Om Ngái.

Ông Chiểu vui mừng thông báo, đối tác Nhật Bản đã về vườn của ông khảo sát chất lượng bưởi và đã thỏa mãn được nhiều điều kiện họ đưa ra. Dự kiến năm nay, ông sẽ đưa một số lô hàng xuất sang Nhật Bản. Đây là điều ông mong muốn nhất, vì khi trái cây xuất khẩu được, giá trị của nó sẽ cao gấp đôi so với việc bán ở trong nước. Ông cũng mong muốn triển khai trồng bưởi Diễn thành một vùng rộng lớn để đủ hàng cho xuất khẩu.

Có tới 5 người con, nhưng không một ai đi theo ông. Khi đó ông đã gần 60 tuổi, song ông vẫn quyết tâm ôm chăn chiếu lên rừng ở. Một mình ông cặm cụi đào đất làm hàng rào, dựng lều. Các cụ thường bảo, ăn một mình thì đắng, làm một mình cực thân, vậy mà suốt mấy năm đằng đẵng, mình ông âm thầm bới đất, lật cỏ trồng bưởi. Ngày nối ngày, mùa sang mùa, ông Chiểu sống và làm việc cô đơn giữa núi rừng. Một mình cơm niêu, nước lọ, nhiều lúc ông chỉ thèm nghe có tiếng người quen đến thăm mình. Dường như ông trời thấu hiểu tấm lòng của ông, suốt mấy năm trời làm từ sáng tinh mơ cho đến khi mặt trời khuất núi, ông vẫn đủ sức cáng đáng.

Mấy năm đầu, vợ con không một lời hỏi han, lý do họ đưa ra là không thể gàn được ông. Thế rồi vườn bưởi Diễn cũng ra hoa, kết trái, ông mừng rơi nước mắt. Đến giờ ông vẫn còn nhớ cái cảm giác run run khi bổ quả bưởi đầu tiên. “Ngày đầu hái thử trái bưởi vàng rực, căng tròn, chất lượng ăn khỏi chê, tôi đã khóc. Mồ hôi công sức và cả quyết tâm của tôi đã nuôi lớn trái bưởi, công sức của mình đổ ra không uổng chút nào” – ông Chiểu nói.

Vườn bưởi có thu, ông lại phải đối mặt với việc có nguy cơ bị “mất trắng” cả 4ha đất. UBND xã Cao Dương ra quyết định cưỡng chế, phá toàn bộ vườn bưởi của ông với lý do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đứng trước nguy cơ bị trắng tay, một lần nữa ông lại phải chạy vạy khắp nơi để lo cho xong thủ tục. Vụ này cũng khiến ông tốn kém kha khá, nhưng ông bảo, mình gây dựng thành quả được, giờ dù khó khăn đến mấy cũng phải “chiến đấu” giữ vườn bưởi. Ông Chiểu chia sẻ: “Đứng trước những khó khăn, tôi lại nhớ đến lời dạy của bố đẻ: “Người sống có đức cứ mặc sức mà ăn con à”. Tôi vẫn bình tĩnh xử lý, tôi tin là ông trời sẽ không bất công với mình”. Quả nhiên, ông đã đúng, ông đấu tranh một cách ôn hòa, cuối cùng ông cũng làm xong được thủ tục công nhận 4ha đất là của mình.

Câu chuyện đầy cay đắng và nước mắt của ông Chiểu đã trải qua khiến ông thêm yêu cây, yêu đất. Ông Chiểu chia sẻ, bưởi Diễn cũng dễ trồng, dễ chăm sóc. Một năm chỉ phun thuốc có 3 lần. Bưởi ra lộc phun phòng vẽ bùa, sâu khoang, trước mùa mưa phòng loét, và phun thuốc phòng ruồi vàng. Quan trọng nhất với người trồng bưởi là phải phun đúng, phun trúng. Nếu không làm đúng quy trình bưởi sẽ kém chất lượng.

Sau việc bảo tồn được giống bưởi quý của quê hương, ông còn đang trồng giống bưởi ngọt, vỏ mỏng như cam. Ông Chiểu kể: “Tôi may mắn được thưởng thức giống bưởi ngọt của một lão nông. Bưởi bằng cái bát to, cho thu vào tháng 9. Đặc biệt là giống bưởi này rất khỏe cây, quả sai, chất lượng tuyệt hảo. Giờ tôi đã trồng khoảng 100 cây để lấy giống. Nếu thử nghiệm này thành công, vườn của tôi sẽ cung cấp thêm cây giống cho bà con”.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.