Trồng hoa lily lãi 3 tỷ/năm

Mê hoa, chị Vũ Thị Phương quyết định bỏ công việc ở TP HCM, lên Đà Lạt thuê đất trồng hoa lily và trở thành "tỷ phú" ở mảnh đất cao nguyên này.

Mê hoa, chị Vũ Thị Phương quyết định bỏ công việc ở TP HCM, lên Đà Lạt thuê đất trồng hoa lily và trở thành "tỷ phú" ở mảnh đất cao nguyên này.

Lúc chưa đặt chân lên Đà Lạt, chị Vũ Thị Phương không biết nghề trồng hoa thế nào. Là người Sài Gòn chính gốc, nhiều đời qua gia đình chị Phương hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh.

Bỏ Sài Gòn sầm uất lên núi làm nông

Sau khi được xem các chương trình trong sự kiện Festival hoa năm 2005, xuất phát từ niềm đam mê, chị Phương quyết định từ bỏ công việc ổn định của một đại lý phân phối sản phẩm tiêu dùng lớn tại TP HCM, lên Đà Lạt tập tành làm nông, trồng hoa.

Đà Lạt, lập nghiệp, hoa Lily, làm giàu, cơ hội, tiền tỷ. nông dân, phát tài

Chị Vũ Thu Phương kiểm tra hoa trước khi xuất đi tiêu thụ. Ảnh: Thạch Thảo.

Đến với nghề hoàn toàn lạ lẫm này, chị Phương cho biết thất bại lắm, cay đắng cũng nhiều. Nhưng vượt lên khó khăn, hiện tại, chị là bà chủ của một nông trại lily lớn bậc nhất Đà Lạt, tọa lạc tại Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.

Việc trồng hoa của chị Phương có nhiều chuyện thú vị. Khi chị mới lên Đà Lạt thuê đất trồng hoa, mọi thành viên trong gia đình không hề hay biết. Thời gian này, thấy chị Phương thường xuyên bỏ bê công việc kinh doanh cho quản lý, người nhà hỏi chị chỉ trả lời lên Đà Lạt tìm đối tác làm ăn.

Những ngày đầu vất vả vửa đất làm hoa, cùng với người làm, chị Phương xắn tay bước vào vườn làm nông dân thực sự. Đêm về, chị lại lên mạng Internet tìm kiếm kỹ thuật trồng hoa lily, loài hoa chị yêu thích nhất và có thị trường tiêu thụ tiềm năng tại TP HCM.

Dù lần đầu tiếp cận với nghề trồng hoa, chưa biết thắng thua thế nào nhưng chị Phương quyết định đầu tư rất bài bản. Chị cho làm nhà kính, trang bị hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt và phun sương. 1.000 m2 trồng lily. Thời điểm đó, chị bỏ ra số tiền 130 triệu đồng để đầu tư, tương đối lớn và mạo hiểm với người chưa có nhiều kinh nghiệm như chị.

Sau đó, người phụ nữ yêu hoa còn tìm đến những người có kinh nghiệm trông hoa lily lâu năm ở Đà Lạt nhờ chỉ dạy cách chăm sóc. "Nhà vườn Đà Lạt rất đáng yêu, họ không giấu giếm điều gì, sẳn sàng chỉ dạy mọi thứ liên quan đến lỹ thuật trồng hoa lily. Chính người dân Đà Lạt đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi đến với nghề trồng hoa ở phố núi này", chị tâm sự.

Khi công việc ở Đà Lạt đã ổn định, sắp có sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường thì chị Phương mới cho gia đình hay biết. Ai cũng ngỡ ngàng, sửng sốt. Cha mẹ ruột, anh chị em trong gia đình đều phản đối quyết định “không giống ai”. Bởi lẽ, công việc kinh doanh của chị ở Sài Gòn thời điểm này vẫn đang rất tốt. Ai cũng cho rằng chị dại dột khi lao đầu vào trồng hoa - công việc vất vả mà chưa biết thắng bại như thế nào.

Lứa hoa lily đầu tiên, quá nửa không thể bán được do nở không đồng đều, màu hoa không tươi, bị sâu bệnh, chất lượng thấp. Lứa thứ hai cũng tương tự. Bà chủ vườn thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, được sự chỉ bảo tận tình của những người trồng lily lâu năm ở Đà Lạt, chị Phương điều chỉnh kỹ thuật trồng ngay từ thời điểm ươm mầm. Chị cho biết, do thời tiết Đà Lạt luôn thay đổi theo mùa nên kỹ thuật trồng lily cũng cần phải được điều chỉnh để hoa thích nghi với điều kiện tự nhiên. Chính vì thế, từ lứa hoa lily thứ 3 thì chị Phương bắt đầu gặt hái thành quả lao động.

Mỗi năm lãi 3 tỷ đồng

Bây giờ nghĩ lại chuyện khởi nghiệp làm nông, chị Phương vẫn cho rằng mình là phụ nữ “lỳ lợm hơn người”. Kỹ thuật trồng hoa với chị khi đó là con số 0 nhưng vẫn dám liều mình đầu tư trồng lily, vốn là loài hoa cao cấp, đầu tư cực kỳ tốn kém trong khi khả năng thất bại là không nhỏ. Có hoa rồi, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho hoa cũng là một vấn đề lớn.

Chị Phương kể lại, khi lứa hoa đầu tiên sắp được thu hoạch, chị về lại Sài Gòn, tìm đến các mối tiêu thụ hoa chị từng quen biết đặt vấn đề cung cấp hoa lily ổn định, lâu dài với họ.

Ban đầu, chị gặp không ít khó khăn vì tất cả các vựa hoa ở Sài Gòn đều đã có đầu mối từ Đà Lạt cung cấp hoa định kỳ. Tuy nhiên, chất lượng, giá cả khiến cho hoa của chị Phương được thị trường đón nhận.

Để mở rộng diện tích, công việc tiếp theo của chị Phương là xúc tiến, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Do đó, vào những ngày cuối tuần, chị lại về TP HCM, đưa ra lily tới các chợ đầu mối, siêu thị, điểm bán hoa lớn giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Khi đã có được đầu ra, chi Phương không ngại ngần đầu tư hàng tỷ đồng mở rộng thêm diện tích nhà kính, lắt đặt hệ thống tưới tiêu tự động, phun sương, nhỏ giọt, để trồng hoa lily. Hiện nay, nông trại của chị Phương đã có gần 3 ha hoa lily tại Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt. Ngoài ra, chị đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa lily lớn gấp đôi tại huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 15 km.

Để ngày nào cũng có khoảng 1.500 bó lily cung cấp cho thị trường, cứ 3 ngày chị lại cho xuống giống một lần. Giá bán sỉ ổn định trung bình là 75.000 đồng một bó. Nhờ được trồng trên giá thể xơ dừa, hệ thống tưới tiêu tự động, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng hợp lý nên lily tại nông trại của chị Phương phát triển rất nhanh, hoa đẹp.

So với công việc kinh doanh trước kia, chị Phương tiết lộ trồng hoa cho thu nhập cao hơn nhiều. Hiện, trung bình mỗi năm trừ chi phí thuê 30 nhân công lao động với lương trên 4 triệu đồng một tháng, chi phí đầu tư, sản xuất cùng các dịch vụ khác, nông trại hoa lily này cho chị thu về khoảng 3 tỷ đồng tiền lãi.

Đà Lạt, lập nghiệp, hoa Lily, làm giàu, cơ hội, tiền tỷ. nông dân, phát tài

Hiện mỗi năm chị Phương lãi khoảng 3 tỷ đồng. Ảnh: Thạch Thảo.

Chị Phương cho biết, cứ mỗi lần chính quyền tổ chức Festival hoa là dịp để những người làm hoa như chị có điều kiện xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu hoa Đà Lạt đến với các đối tác, tìm kiếm thêm cơ hội làm ăn mới.

Nếu như Festival năm 2005 là sự kiện đã lôi kéo chị đến Đà Lạt, gắn bó và phát triển nghề trồng hoa, thì Festival lần thứ VI năm 2015 vừa diễn ra là sự kiện đánh dấu 10 năm chị bước vào nghề, khẳng định thành công của người phụ nữ Sài Gòn bỏ phố thị sầm uất lên núi làm nông.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.