Từ anh công nhân trở thành tỷ phú chè Ô long

Sinh ra từ miền quê nghèo Bình Định, vì hoàn cảnh gia đình anh Trần Văn Phi khăn gói lên vùng đất cao nguyên xứ chè lập nghiệp.

Sinh ra từ miền quê nghèo Bình Định, vì hoàn cảnh gia đình anh Trần Văn Phi khăn gói lên vùng đất cao nguyên xứ chè lập nghiệp. Từ một anh công nhân tay lấm chân bùn, nhờ cần cù chịu khó đến nay anh đã sở hữu đồi chè rộng 8 ha, cho thu nhập tiền tỷ.

Đến thăm trang trại của anh Phi, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi đồi chè ô long xanh mượt như “thảm lụa” che kín cả một ngọn đồi rộng 8 ha. Đây là một trong những trại chè ô long luôn cung cấp búp chè tươi cho công ty chè Đài Loan tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Anh Phi tâm sự, sinh ra từ miền quê xứ võ Bình Định, cuộc sống ở quê lúc bấy giờ quá khó khăn, qua tìm hiểu anh biết mảnh đất Lâm Đồng trù phú về nông nghiệp và anh đã quyết định đến vùng đất này để lập nghiệp. Năm 1993, may mắn anh được nhận vào làm công nhân tại một công ty chè Đài Loan tại TP Bảo Lộc.

Với bản tính cần cù, ham học hỏi, anh Phi luôn tự mày mò, học hỏi về kỹ thuật trồng, chăm sóc giống chè chất lượng cao nhập từ nước ngoài - chè ô long. Sau một thời gian làm việc, anh được đề bạt lên vị trí tổ trưởng Tổ kỹ thuật, rồi Phó Giám đốc. “Chức vụ phó giám đốc quả thực tôi không bao giờ nghĩ tới. Vì trong tay tôi chẳng có bằng cấp gì, nhưng đó là chuyện có thật”, anh Phi nói.

Nhiều người từ trong gia đình, đến bạn bè người thân đều nghĩ chắc anh đã hài lòng với những gì mình đã đạt được, nhưng anh không dừng lại ở đó.

ông chủ, chè ô long, tỷ phú, nông dân, trồng chè, chè Đài Loan, ông-chủ, chè-ô-long, tỷ-phú, nông-dân, trồng-chè, chè-Đài-Loan
Anh Phi bên đồi chè tiền tỷ nhà mình

Bằng những đồng vốn và kinh nghiệm bao năm anh tích lũy được, anh bắt đầu âm thầm gom góp tiền và mua đất canh tác để thực hiện ước mơ làm chủ của mình. Sau 7 năm làm thuê cho người khác, anh quyết định thôi chức phó giám đốc trở về mua 3 sào đất ở xã Lộc Tân, nuôi chí trồng chè.

Khi mới nghe ý tưởng của anh nhiều người đã e ngại, mặc dù gia đình, bạn bè ai cũng can ngăn nhưng anh vẫn quyết chí. Lúc đầu anh mạnh dạn trồng thử nghiệm giống chè Tứ quý nhưng do diện tích ít, chè lại mới trồng nên năng suất chưa cao.

Dù thất bại nhưng anh không nản lòng, anh lại cất công mày mò nghiên cứu tìm hiểu làm sao để tăng năng suất cho cây chè. Với lòng quyết tâm dám nghĩ, dám làm anh lại tiếp tục tập trung vốn mua thêm 1 ha đất để tiếp tục trồng chè ô long.

“Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tôi tiếp tục đầu tư tái sản xuất mở rộng diện tích. Trong quá trình mở rộng diện tích tôi chọn 3 loại giống là chè Tứ Quý, giống chè 27 (Kim Tuyên) và giống chè 29. Đây đều là những giống chè ô long cho năng suất và chất lượng cao nhất mà tôi biết”, anh Phi chia sẻ.

Hiện, vườn chè gia đình anh Phi đạt chuẩn sản xuất sản phẩm xuất khẩu và được công ty chè Đài Loan trực tiếp thu mua với giá 24 ngàn đồng/kg. Sản lượng chè của anh cũng cao gấp đôi những vườn chè do các chuyên gia Đài Loan chăm sóc.

Anh Phi cho biết, vườn chè của gia đình anh cho thu hoạch từ 4.000 – 5.000 kg/lứa/ha, mỗi năm thu 7 lứa. Hiện nay, anh có 6 ha chè ô long; trong đó, có 3 ha vừa chuyển đổi trồng mới giống chè 27 và 3 ha đang thu hoạch. Trừ các chi phí, anh thu lãi trên 1,4 tỷ đồng mỗi năm.

Chưa bằng lòng với những gì mình có, anh Phi cho biết, anh đang dự định trồng thêm khoảng 4 - 6 ha chè ô long nữa và mở một nhà máy chế biến chè tại địa phương để tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Bá Khiết, chủ tịch Hội nông dân phường II, TP Bảo Lộc, cho biết: Với quy mô trại chè của mình, anh Phi đã tạo việc làm ổn định cho gần 10 người và giải quyết việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.