Về cái sự “chảnh” của ông Huỳnh Uy Dũng

Vụ ông chủ khu du lịch Đại Nam tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã làm nóng các trang báo suốt hai tuần qua.


Vụ ông chủ khu du lịch Đại Nam tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã làm nóng các trang báo suốt hai tuần qua.

Ông Huỳnh Uy Dũng tự tin cho rằng, những tố cáo của mình là đúng một trăm phần trăm.

Trả lời báo chí, ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - khẳng định: “Tôi phải làm đúng theo quy định pháp luật đối với việc hình thành và phát triển khu công nghiệp tập trung”. Thậm chí, ông Cung còn nói nặng lời hơn về ông Huỳnh Uy Dũng như “bịa đặt, lừa đảo”.

Ai đúng, ai sai sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ và kết luận, nhưng từ chuyện này, cho thấy đã có những phản ứng quyết liệt từ phía một doanh nghiệp đối với chính quyền của một tỉnh. Hơi thở dân chủ phả ra từ những xung đột này, mọi chuyện chỉ có thể minh bạch khi được nêu công khai và khi đã công khai thì không thể im lặng.

Và điều đó đã xảy ra, UBND tỉnh Bình Dương gửi giấy mời lãnh đạo Công ty cổ phần Đại Nam dự cuộc họp bàn giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án Sóng Thần 3 vào ngày 28.10.2013.

Nhưng ông Huỳnh Uy Dũng đã không đến dự.

Ông Huỳnh Uy Dũng

UBND tỉnh Bình Dương mời doanh nghiệp đến để giải quyết vướng mắc, khó khăn, nhưng chủ doanh nghiệp từ chối đến. Chuyện này thật hiếm ở Việt Nam, một đất nước mà mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp không bình đẳng trong hiện thực mà vẫn còn nằm trong những giấc mơ. Cho nên, thái độ từ chối lời mời của ông Dũng với UBND tỉnh Bình Dương dân gian thường nói là “chảnh”, quá chảnh đi chứ!

Cộng đồng DN từng ấm ức với thái độ trịch thượng thường trực của các cơ quan công quyền, đã có một phen hả lòng hả dạ nhờ cú lắc đầu của ông Huỳnh Uy Dũng.

Và ông Dũng nói về cú lắc đầu của mình rằng, ông không đến vì lời mời của UBND tỉnh Bình Dương quá đỗi muộn mằn. Ông từng chờ đợi lời mời đó mỏi mòn nhưng 7 năm qua, nhưng đã không nhận được. Nếu như sự thật đứng về phía ông Huỳnh Uy Dũng thì thật xót xa cho DN. 7 năm đối với một đời người có thể là ngắn, nhưng với một DN là quá dài. Trong kinh doanh, thời cơ không kiên nhẫn ngồi chờ đợi ai đến 7 năm và đồng tiền đầu tư cũng không đủ sức gánh các khoản lãi suất cho một dự án nằm trong ngăn kéo của chính quyền.

Nhìn rộng ra khỏi Đại Nam và Bình Dương, sẽ thấy còn nhiều trường hợp ôm mối sầu chờ đợi “lời mời giải quyết khó khăn, vướng mắc”của cửa công như vậy. Trong những trường hợp đó, có nhiều DN đã không đủ sức để sống sót, họ đã bị sập tiệm, phá sản và bị xã hội lãng quên trước khi làm được cái việc viết đơn tố cáo ai đó đã “lãng quên” họ.

Đơn tố cáo UBND tỉnh Bình Dương của ông Huỳnh Uy Dũng về vụ Sóng Thần 3 đang chờ kết luận cuối cùng. Dù ai đúng, thì điểm tích cực nhất là vụ việc đánh động đến cả hai phía - cộng đồng DN cũng như chính quyền các địa phương.

Đó là, DN phải làm đúng và chính quyền cũng phải làm đúng. Xã hội ngày càng dân chủ, công khai, những việc làm sai trái hay vi phạm pháp luật sẽ bị phơi bày ra ánh sáng.

Theo Lê Thanh Phong (Lao Động)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.