Vì sao "đại gia" Lê Ân cầu cứu?

UBND huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lấy những quy định mới để áp dụng cho làng cô nhi bị thu hồi cách nay 20 năm, khiến đại gia Lê Ân bị thiệt hại vì không được bồi thường chi phí san lấp mặt bằng.

UBND huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lấy những quy định mới để áp dụng cho làng cô nhi bị thu hồi cách nay 20 năm, khiến đại gia Lê Ân bị thiệt hại vì không được bồi thường chi phí san lấp mặt bằng.

Lãnh đạo tỉnh ký quyết định khi đã bị cách chức

Ngày 9/4, ông Lê Ân (ngụ phường 10, TP Vũng Tàu) đã gửi đơn đến HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để kêu cứu khẩn cấp. Lý do, đại gia 78 tuổi này bị UBND huyện Long Điền bác yêu cầu bồi thường tiền san lấp mặt bằng tại Làng cô nhi Nghĩa Ân ở xã An Ngãi.

Làng cô nhi này do ông Lê Ân sáng lập, có quy mô nuôi dạy từ 500 - 1.000 trẻ em cơ nhỡ và được Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch cách nay 21 năm. Diện tích của làng rộng hơn 9 ha ở xã An Ngãi. Ngày 3/6/1994, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định công nhận Làng cô nhi Nghĩa Ân. Hai tháng sau, chủ dự án chấp nhận cho làng tiến hành san lấp mặt bằng, trồng cây xanh.


Đại gia Lê Ân.

Điều trái khoái đã xảy ra khi ngày 13/10/1994, ông Nguyễn Văn Hàng, khi đó là Phó chủ tịch Bà Rịa – Vũng Tàu, đã ký quyết định 1709, về việc “thu hồi tất cả các văn bản có liên quan đến việc thành lập Làng cô nhi Nghĩa Ân và đình chỉ hoạt động của làng”.

Một tháng sau, VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị, cho rằng quyết định 1709 do ông Hàng ký là trái pháp luật, không có liệu lực. Lý do VKS đưa ra là 3 ngày trước khi ông Hàng ký quyết định này, thì ngày 10/10/1994, ông đã thôi giữ chức vụ.

Theo VKSND Tối cao, về mặt thẩm quyền, ngoài việc ký quyết định sau ngày thôi chức, thì ông Hàng dù đương chức cũng không được phép ký quyết định thu hồi các giấy tờ, quyết định của cấp trên ký. Trong đó có quyết định 296, ngày 5/3/1994, do Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký.

“Làng cô nhi Nghĩa Ân không chỉ có ý nghĩa với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mà còn có sự thảo luận, cho ý kiến tại cuộc họp tháng 12/1992 giữa Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam với đại diện tổ chức chức UNICEF”, kháng nghị của cơ quan công tố nêu.

Vì vậy, theo VKS thì nếu cần thiết phải đình chỉ hoạt động của làng cô nhi này, thì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải báo cáo với Chính phủ và những tổ chức liên quan cấp Chính phủ.

Vì đâu?

Để đảm bảo lợi ích cho trẻ em, từ 1993 - 1999, Làng cô nhi Nghĩa Ân đã đầu tư trên 7,5 tỷ đồng để san lắp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng… Vụ án hình sự xảy ra tại Ngân hàng VCSB do ông Lê Ân làm Chủ tịch HĐQT, đã mở rộng điều tra sang Làng cô nhi Nghĩa Ân và các hoạt động khác liên quan đến đại gia Lê Ân. Từ đó, 7,5 tỷ đồng đầu tư vào Làng cô nhi Nghĩa Ân được nhà chức trách kiểm chứng các hạng mục đầu tư là có thật.

Tháng 8/2003, vụ án tại VCSB được xét xử, tòa án xác định ngân hàng này không bị mất cân đối, không nợ xấu, nợ quá hạn. Tài sản là nhà, đất hình thành bằng nguồn vốn điều lệ và thu hồi trừ nợ vay có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, người gửi tiền có tâm lý rút tiền trước hạn, nên VCSB phải vay của Nhà nước 97,5 tỷ đồng.

Khi ông Lê Ân được ra tù trước hạn đã về trả hết nợ và tiền gửi của dân. Ông hạ quyết tâm xây dựng các hạng mục giai đoạn 2 của Làng cô nhi Nghĩa Ân, nhưng không được lãnh đạo UBND huyện Long Điền đồng ý và yêu cầu nhận tiền đền bù. Lý do, tháng 2/2008, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định thu hồi đất tại xã An Ngãi để xây dựng Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp An Ngãi. Trong đó, có trên 90 ha đất của làng cô nhi bị thu hồi.

Tại 4 quyết định từ năm 2012 - 2013, ông Lê Ân được đền bù nhà và vật kiến trúc trên đất, được trên 1,6 tỷ đồng. Về san lấp mặt bằng, sau nhiều lần ông Lê Ân được mời giải quyết, ngành chức năng (cụ thể là Thanh tra tỉnh và UBND xã An Ngãi) công nhận có san lấp. Tuy nhiên, huyện Long Điền sau đó đã yêu cầu ông Lê Ân phải có hóa đơn giá trị gia tăng, trong khi dự án Làng cô nhi Nghĩa Ân là tổ chức phi lợi nhuận, không có báo cáo tài chính, không có yêu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng.

“Vì vậy, Làng cô nhi Nghĩa Ân không có lấy hóa đơn giá trị gia tăng để chứng minh cho tổ chức, cá nhân nào. Căn cứ điều 1 của làng, thì đây là tổ chức từ thiện, quy chế của làng không có chế độ hoàn vốn và lãi cho nhà bảo trợ dưới bất kỳ hình thức nào. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng xét hỏi hóa đơn giá trị gia tăng và các giấy tờ khác như công ty cổ phần, TNHH… thì làng cô nhi lấy đâu ra để chứng minh”, ông Lê Ân nêu bức xúc.

Ông Lê Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền nói: "Chúng tôi muốn giải quyết dứt điểm vụ việc, nên nhiều lần mời vợ chồng ông Lê Ân đến trao đổi. Ông ấy không cung cấp được hóa đơn, hợp đồng liên quan đến việc mua vật tư của đơn vị nào để san lấp thì huyện không có căn cứ chi tiền. Nếu chi tiền mà không có chứng từ kèm theo, kiểm toán vào làm việc thì kẹt cho huyện".

Theo Hưng Long - Hàm Yên/Petrotimes



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.