Cha mẹ có nên phóng đại con mình thông minh hơn con nhà người ta không? Đừng dùng những từ này để đánh lừa nhận thức của trẻ

Lời khen là việc làm cần thiết trong quá trình giáo dục trẻ em nhưng phóng đại quá mức không chính xác có thể gây phản tác dụng.

Trên mạng xã hội mới đây, một người mẹ đã kể lại rằng, đứa con trai 3 tuổi của chị bỗng dưng gầy rộc đi, hay khóc lóc thảm thiết chỉ vì một câu nói nặng. Ở trường mẫu giáo bé cũng thường quấy khóc, gây ồn ào vì những chuyện nhỏ nhặt. Cô giáo chia sẻ với chị rằng, bé có một điểm khác biệt là luôn tìm kiếm sự khen ngợi và tung hô từ những người xung quanh. Trong quá trình học tập, bé thường ngại khó, dễ bỏ cuộc. Bé tỏ ra rất nhiệt tình với những gì mình giỏi hoặc yêu thích, nhưng khi gặp những điều trở ngại bé phản kháng, không muốn cố gắng và sợ thất bại.

Sau cuộc trò chuyện với cô giáo, chị mới nhận ra rằng, thì ra từ trước đến nay chị vẫn thường tung hô con một cách thái quá. Thậm chí chị thường dành cho con những lời khen ngợi tốt hơn những đứa trẻ khác. Cho dù bé làm sai thì chị vẫn nói "con tuyệt vời quá"; "con giỏi quá"; "con thông minh quá"... với ý nghĩ động viên và giúp bé thêm lòng tự tin. 

Cha mẹ có nên phóng đại con mình thông minh hơn con nhà người ta không? Đừng dùng những từ này để đánh lừa nhận thức của trẻ-1

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, trong quá trình giáo dục con, lời khen ngợi là rất cần thiết và một sự khuyến khích đúng đắn có thể thúc đẩy trẻ kiên trì thực hiện các hành vi tốt cũng như đạt được sự nhận thức sâu sắc thông qua việc làm. Tuy nhiên, nếu phóng đại quá mức và không chính xác có thể gây phản tác dụng.

Sự khen ngợi thái quá trong giáo dục gia đình cũng dễ mắc phải những vấn đề sau:

- Tự cao tự đại, quá mạnh mẽ. Trong đám đông, bé có thể tự xem mình là tâm điểm, bị người khác vượt mặt thì dễ sinh lòng ghen ghét.

- Sự phụ thuộc vào lời khen ngợi xuất hiện và tính độc lập suy giảm. 

- Hình thành một tư duy cố định và không muốn thử. Không muốn chấp nhận thử thách với những điều mới, dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn và chỉ sẵn sàng làm những gì đã biết.

- Nếu khen không đúng thì mất ý nghĩa của lời khen.

Cha mẹ có nên phóng đại con mình thông minh hơn con nhà người ta không? Đừng dùng những từ này để đánh lừa nhận thức của trẻ-2

Phóng đại sẽ gây hại cho trẻ

Trường Đại học Stanford đã thực hiện một nghiên cứu dành cho trên 400 học sinh lớp 5 tại 20 trường học ở New York. Theo đó, tất cả học sinh đã thực hiện bài kiểm trai IQ vòng 1 với chủ đề là một câu đố rất đơn giản và hầu như tất cả trẻ em đều có thể làm tốt. Sau khi hoàn thành bài kiểm tra, nhà nghiên cứu sẽ cho các em biết điểm số, kèm theo lời động viên hoặc khen ngợi.

Các nhà nghiên cứu chia trẻ ngẫu nhiên thành 2 nhóm, một nhóm trẻ được nghe những lời khen ngợi về chỉ số IQ, đó là những lời khen ngợi như: “Con thông minh và có năng khiếu giải đố”. Nhóm trẻ khác thì nhận được lời khen về sự chăm chỉ đó là: “Vừa rồi chắc các con đã làm việc rất chăm chỉ nên đã biểu diễn rất tuyệt vời”.

Sau đó, các học sinh tiếp tục tham gia vòng thi xếp hình thứ 2, vòng này được tự do lựa chọn độ khó. Một là khó hơn, nhưng bạn sẽ học được kiến ​​thức mới trong quá trình kiểm tra, hai là tương tự như vòng trước và rất đơn giản. Kết quả cho thấy 90% trẻ được khen chăm chỉ ở vòng đầu chọn những nhiệm vụ khó hơn, trong khi những trẻ được khen thông minh lại chọn những nhiệm vụ đơn giản.

Cha mẹ có nên phóng đại con mình thông minh hơn con nhà người ta không? Đừng dùng những từ này để đánh lừa nhận thức của trẻ-3

Trong vòng thi thứ 3, các nhà nghiên cứu chọn nội dung học siêu khó, cố tình làm cho các em bị thất bại. Tất cả các em tham gia cùng một bài thi và không có lựa chọn nào khác. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ được khen ngợi về sự chăm chỉ đều rất đầu tư vào bài thi và cố gắng giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau; Còn những đứa trẻ được khen là thông minh rất lo lắng trong quá trình kiểm tra, vò đầu bứt tai và thất vọng nếu không trả lời được câu hỏi.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tiến hành vòng thi thứ 4. Lần này các câu hỏi cũng đơn giản như vòng đầu tiên, nhưng kết quả vẫn khác nhau khá nhiều. Những em được khen là chăm chỉ thì điểm ở vòng 4 tăng 30% so với lần 1, còn những em được khen thông minh thì điểm giảm 20% so với lần đầu.

Tại sao một lời khen lại có sự khác biệt lớn như vậy?

Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi chúng ta khen trẻ thông minh sẽ như đang nói với trẻ rằng "đừng mạo hiểm phạm sai lầm để luôn thông minh". Và những đứa trẻ luôn được khen thông minh sẽ cho rằng mình thông minh rồi nên xem thường tầm quan trọng của sự chăm chỉ.

Cha mẹ có nên phóng đại con mình thông minh hơn con nhà người ta không? Đừng dùng những từ này để đánh lừa nhận thức của trẻ-4

Làm sao để khen đúng?

Cùng một câu nhưng khen như thế nào mới là tinh tế? Các chuyên gia giáo dục nhận định, khen ngợi trẻ về sự chăm chỉ sẽ tạo cho trẻ cảm giác rằng chúng có thể kiểm soát được bản thân, và trẻ sẽ nghĩ rằng thành công nằm trong tay chúng. Ngược lại, phóng đại sự thông minh sẽ tương đương với việc nói với chúng rằng thành công không nằm trong tầm kiểm soát, vì vậy, khi gặp thất bại, trẻ thường cảm thấy bất lực.

Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý một số điểm sau: 

- Không phải mọi hành vi đều cần được khen ngợi.
- Khi trẻ thực hiện được những việc làm đơn giản như đánh răng, thu dọn đồ chơi... thì cha mẹ không cần phô trương quá mức. 
- Khen ngợi hành vi cụ thể, thay vì nói: "Con thật tuyệt vời". 
- Khi con làm việc chưa tốt thì không nên chỉ trích mà hãy nói: "Lần sau con nên chăm chỉ để hoàn thành tốt hơn".
- Cường điệu quá mức hoặc không chính xác đều có nhược điểm.

Theo Minh Minh - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.