Đã đến lúc ngừng nói đùa: “Lớn nhanh lên cô/chú đợi”

Đằng sau một câu đùa tưởng như vô thưởng vô phạt là những ý niệm nhạy cảm với trẻ nhỏ đang được bình thường hóa trên mạng xã hội và trong đời sống hàng ngày.

Người ta thấy gì trong bản tin một nữ sinh lớp 7 chia sẻ trong ngày khai trường, ngày đầu trở lại năm học mới?

Niềm vui? Sự háo hức? Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm ngày tựu trường của vài chục năm trước? hy vọng cho tương lai của đất nước?

Một số người thấy vậy - còn một số người sẽ thấy những câu đùa khiếm nhã. Đặc biệt, sự phẫn nộ càng dấy lên khi có không ít những Fanpage cộng đồng đã đăng lại hình của cô bé, kèm theo lời bình luận ám chỉ chuyện "tình dục hóa" trẻ em. Các bài đăng như vậy nhận được hàng chục nghìn lượt thích, bình luận và chia sẻ. Tiếng nói phản đối của những người thấy đây là một vấn đề lọt thỏm yếu đuối giữa các bình luận dung tục, độc hại, hàm chứa việc tình dục hóa trẻ nhỏ và coi những lời đùa cợt về xâm hại tình dục, về tình dục không đồng thuận là chuyện bình thường.

Đằng sau những lời đùa tưởng như vô thưởng vô phạt như vậy, liệu có thật sự vô hại? 

Chuyên gia Nguyễn Phương Mai đã chia sẻ và chỉ ra những vấn đề đằng sau một câu đùa hay cử chỉ tưởng như rất đơn giản. Đó là sự bình thường hóa những suy nghĩ nhạy cảm với trẻ em, cũng là việc cố tình bày tỏ tình cảm khi không nhận được sự đồng thuận của trẻ nhỏ. Hiểu cơ bản, đó là cách chúng ta lấy những lời trêu đùa thân mật để biến trẻ nhỏ thành những đối tượng của những ý niệm người lớn.

Câu chuyện trên sẽ lắng xuống theo dòng thông tin trên truyền thông. Tuy nhiên, vấn đề đằng sau đó không nằm ở một câu đùa cá nhân. Những suy nghĩ nhạy cảm với trẻ nhỏ - ngụy trang dưới những câu đùa, là một vấn đề tồn tại từ lâu trong văn hóa đại chúng. “Lớn nhanh lên chị đợi”, “con bé này kháu thế, lớn lên chắc khối người yêu”, “em mày xinh thế, mai sau cho tao làm em dâu mày nhé”... là những câu đùa mỗi người từng bắt gặp đâu đó trong cuộc sống, với nội dung hướng tới trẻ nhỏ.

Đã đến lúc ngừng nói đùa: Lớn nhanh lên cô/chú đợi”-1

Chúng ta phẫn nộ tột độ khi thấy những bức hình nhạy cảm trẻ em bị đăng tải lên mạng, lên án và kêu gọi công lý trừng phạt những kẻ ấu dâm - nhưng có thể xuề xòa cho qua những câu đùa mang ý niệm nhạy cảm tiềm tàng, hay thậm chí thích thú khi thấy hình ảnh trẻ em với những lớp make-up dày, đi giày cao gót, mặc trang phục đi biển. Điều đập vào mắt nhiều người khi thấy một học sinh lớp 7 trên truyền hình - đáng buồn thay lại là ngoại hình của em như một gợi mở về câu chuyện tình dục.

Những hành động tưởng như rất đơn giản ấy, như từ lời đùa cợt cho tới hình ảnh trẻ xuất hiện trong các quảng cáo, cuộc thi ẩn chứa nhiều vấn đề.

Thứ nhất, tư tưởng đó nếu không thay đổi kịp thời sẽ được coi như một điều hiển nhiên trong xã hội.

Thứ hai, nó ảnh hưởng tới cách trẻ em nhìn nhận bản thân, đặc biệt với các bé gái.

Điều khiến nhiều người lo ngại trong những câu nói đùa như vậy cũng như những hình thức khác là nỗi lo các em nhỏ, đặc biệt là những bé gái, sẽ có sự nhìn nhận sai lệch về vai trò của mình trong các mối quan hệ, từ gia đình cho tới người quen. Trong giai đoạn phát triển non nớt đầy nhạy cảm, các bé lại được đưa vào đầu những ý niệm về tình yêu nam nữ với chính người thân? Hay suy nghĩ rằng có một cô chú nào đó đang “đặc biệt” để ý đến mình theo cái cách của một người đang yêu. Đó không hề là những cảm xúc và suy nghĩ tích cực, đơn giản để được các bé tiếp nhận như những câu đùa đơn thuần.

Khi nhìn rộng hơn, nhiều người cũng đặt ra các câu hỏi mang tính vĩ mô: Liệu những trò đùa công khai trên truyền hình nói riêng và hình ảnh trẻ nhỏ trên truyền thông có làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận trẻ con không? Trẻ nhỏ có dễ trở thành đối tượng bị đưa ra để đánh giá, cân đong đo đếm về “ngoại hình”?

Trong những lời đùa cợt hồn nhiên của người lớn, tính chủ thể của trẻ nhỏ vô tình bị tước đoạt khi đi cùng với những câu đùa luôn là sự bào chữa “trẻ con không hiểu gì đâu?”. Thứ nhất, trẻ con đã có những nhận thức về giới từ khi còn nhỏ và tại nước ngoài, việc chia sẻ các kiến thức về giới, tình dục cho trẻ được phân cấp từ đơn giản đến phức tạp theo từng độ tuổi.

Đã đến lúc ngừng nói đùa: Lớn nhanh lên cô/chú đợi”-2

Thứ hai, việc trẻ không biết không có nghĩa người lớn được thực hiện những hành vi đùa cợt thiếu tôn trọng và không có sự đồng thuận của trẻ, dù trên không gian mạng. Cảm xúc của trẻ hay những suy nghĩ có thể in hằn trong đầu các em là điều không ai nghĩ tới với những câu đùa trong khi trẻ nhỏ đang trong độ tuổi quan sát thế giới và hình thành khái niệm, suy nghĩ, tính cách trong đầu.

Ở Việt Nam, trong khi khái niệm “đồng thuận” vẫn còn là một điều xa lạ; đồng thuận với trẻ nhỏ lại là thực hành không mấy người biết hay thực hiện. Từ những điều đơn giản như hôn má, hôn môi cho đến những điều có thể để lại hậu quả như đăng một bức hình con đang tắm lên mạng xã hội và khen đáng yêu, chúng ta dường như đã bỏ quên khái niệm sự đồng thuận với trẻ.

Sẽ có nhiều người lên tiếng rằng, quan điểm này mang theo những suy nghĩ nghe quá to tát, giáo điều trong khi đơn giản những người trưởng thành ấy chỉ muốn thể hiện tình cảm với trẻ nhỏ thông qua lời đùa cợt. Tuy nhiên, những tác động về tinh thần, cảm xúc hay tâm lý là điều không thể đo lường luôn ở hiện tại. Không ai biết chính xác lũ trẻ lớn lên với lời đùa cợt như vậy sẽ nghĩ gì, hành xử ra sao, thay đổi tâm lý như nào… nhưng tác động là không thể phủ nhận.

Chắc chắn rằng, không ai muốn con mình lớn lên với mặc cảm về ngoại hình, luôn nghĩ bản thân như một thực thể được quan tâm vì tình cảm nam nữ, hay trở thành đối tượng miễn cưỡng của những trò đùa, những nụ hôn vô duyên đến từ người lớn.

Theo Phụ nữ việt nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/da-den-luc-ngung-noi-dua-lon-nhanh-len-co-chu-doi-con-gai-la-nguoi-tinh-kiep-truoc-cua-bo-220228923179845.htm

Nuôi Dạy Con


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.