"Tạm biệt, tôi đi nhé", dòng thư ám ảnh không người làm cha làm mẹ nào mong nhận được!

Cô bé chỉ để lại dòng chữ vẻn vẹn thế rồi đi. Nơi cô đến chỉ cũng sát ngay cạnh nhà mình, nhưng mãi mãi không trở về...

Khi cô bé 12 tuổi xưng... tôi 

Không phải con số 13 mới là con số tử thần. Cô bé 12 tuổi rơi xuống từ tầng 12 khu chung cư và tử vong, để lại đúng 1 dòng chữ vẻn vẹn: "Tạm biệt, tôi đi nhé".

Đó có lẽ không phải là lời nhắn để lại cho cha mẹ bởi nếu không cô bé đã viết: "Tạm biệt, con đi nhé".

Ở đây dường như là lời nhắn gửi của cô bé với cả thế giới này, ở cái tuổi lúc cái tôi của những đứa trẻ trỗi dậy. Chúng muốn chứng tỏ bản thân bằng mọi giá, kể cả là... cái chết.

"Thương quá", "Sao nông nổi vậy", "Sao phải tìm đến cái chết?"... Nông nổi mới là chúng, những đứa trẻ vừa mới bắt đầu chạm điểm xuất phát hành trình làm người lớn. Và khi cô bé không còn có thể trả lời thì mọi câu hỏi dường như vô nghĩa, nhưng câu hỏi này sẽ ám ảnh những người làm cha làm mẹ vô cùng...

Đại từ nhân xưng "tôi" cô bé gửi lại quả thực ám ảnh những người lớn. 1 đứa trẻ 12 tuổi xưng "tôi" với thế giới này, có cảm giác chứa đựng nhiều điều u uẩn. Nhưng đó cũng chỉ là phỏng đoán, một đứa trẻ muốn nhanh chóng khẳng định bản ngã của mình thì chuyện nhỏ cũng thành to, 1 câu nói đơn giản cũng có thể có cảm giác bị xúc phạm ghê gớm. Hoặc những rung động giới tính xảy đến với những thất vọng cũng có thể khiến chúng nghĩ quẩn... 

Nên khi mọi chuyện đã xảy ra, thật khó có thể nói chính xác câu chuyện này là vì điều gì.

Tạm biệt, tôi đi nhé, dòng thư ám ảnh không người làm cha làm mẹ nào mong nhận được!-1
Nơi xảy ra vụ việc thương tâm, vụ cô bé 12 tuổi rơi từ tầng 12 xuống tử vong.

Khi chưa có kết luận từ cơ quan điều tra thì mọi thứ chúng ta nói đến chỉ là phỏng đoán. Việc quy kết cho rằng vì cha mẹ ly hôn hay do cha mẹ thiếu thấu hiểu đều là võ đoán. Sự thật cô bé đã mang theo và giấu kín, chỉ để lại bức thư ám ảnh đến khó hiểu, khiến những người làm cha làm mẹ giật mình...

Người lớn ơi, hãy nhìn lại 1 chút...

Nhưng có điều, từ hiện tượng này chúng ta, những bậc cha mẹ có thể nhìn lại 1 chút, như 1 lời cảnh tỉnh để nghĩ rằng chúng ta hiểu con đến đâu, đã đủ sẻ chia và tạo độ tin tưởng để làm bạn của con chưa, để chúng nếu có gì u uất, nếu có nỗi buồn nào cũng có thể nói.

"Con cảm thấy buồn vì bạn Gia Hưng hôm nay ở lớp phớt lờ con mà chỉ chia bánh cho bạn Chi", đứa con lớp 3 nói với tôi như vậy và tôi thấy mình thật may mắn. Ồ chuyện nhỏ nhất, nỗi buồn bọ xít ấy con cũng có thể kể, chứng tỏ con tin tưởng tôi. Và như thế, tôi được dịp nói với con về những câu chuyện thuở nhỏ của mình để khiến con cười khúc khích, coi chuyện hệ trọng ngày hôm nay trở thành quá đỗi bình thường.

Nhưng còn những đứa trẻ đến tuổi dậy thì thì sao? Bạn sẽ sốc khi 1 đứa trẻ quấn quýt với bạn hàng ngày đến mức nó bảo rằng "Thiếu mẹ con không thở nổi" rồi bỗng dưng chẳng buồn nói chuyện với mình nữa, bỗng lầm lì, bỗng muốn ở 1 mình....

Tâm sinh lý tuổi dậy thì đã khiến chúng biến đổi. Nếu cha mẹ vẫn giữ mãi 1 bóng dáng 1 đứa trẻ nhỏ mà không kịp thích nghi để thành bạn chúng mà sốc lên sốc xuống cho rằng con mình hư, con mình hỏng rồi trách móc con về sư xa cách, rồi cấm đoán hoặc dạy dỗ bằng roi vọt thì mọi chuyện có thể thành sẽ trầm trọng hơn.

Cuộc sống của cơm áo gạo tiền và những nỗi lo, những kỳ deadline khiến cha mẹ chỉ muốn được rảnh thân và nghĩ rằng thật may con mình đã đến tuổi... đỡ ồn ào. Có khi có những điều rất tệ đang diễn ra bên trong chúng mà cha mẹ không hề hay biết.

Nếu có thể hãy tạm gấp chiếc máy tính xuống cùng ngồi với con uống tách trà, cùng làm bánh với con, cùng trồng cây và tỉ tê hỏi chuyện về ngày hôm nay, về trường học, kể cho con nghe về những tâm sự của mình. Rất có thể, những nút rối nào đó trong con bỗng được bung tỏa, con sẽ nói với bạn về những khó khăn của mình và bạn có cơ sở để biết bên trong con đang chứa đựng điều gì?

Nếu có thể hãy đừng áp đặt đưa mệnh lệnh cho con như thời nhỏ. Những đứa trẻ biết chiến đấu sẽ cảm thấy giận dữ vì bị mất nhân quyền. Mọi sự cấm đoán, ép uổng hoặc mệnh lệnh lúc này đều trở nên nguy hiểm vì chúng có thể có cảm giác cả thế giới không ai hiểu chúng. Cái tôi chưa hiểu chuyện của 1 đứa trẻ dậy thì bỗng dưng cảm thấy cần đấu tranh và chúng sẽ đấu tranh theo cách này hoặc cách khác.

Tạm biệt, tôi đi nhé, dòng thư ám ảnh không người làm cha làm mẹ nào mong nhận được!-2
Thương đứa trẻ 1 thì thương cha mẹ chúng 10. Là công chăm sóc, là tình yêu thương, là bao hy vọng... rồi 1 ngày bỗng dưng chỉ còn 1 bức thư lạnh lùng để lại.

... để đừng phải nói giá như

Một "đứa trẻ con nhà người ta" chết nhưng cha mẹ nào cũng cảm thấy đau xót. Thương đứa trẻ 1 thì thương cha mẹ chúng 10. Là công chăm sóc, là tình yêu thương, là bao hy vọng... rồi 1 ngày bỗng dưng chỉ còn 1 bức thư lạnh lùng để lại.

Những kỷ niệm sẽ vẫn còn đầy trong căn phòng này, là lúc tập đi, là nụ cười hồn nhiên và có khi cả những lần đóng sầm cửa lại. Nhưng làm sao để sống tiếp khi tất cả chỉ còn là kí ức, là đứa con mà có lúc điên lên chỉ ước có thể nhét lại vào bụng, mà giờ đến cái chạm cũng không tưởng chứ còn chưa nói đến 1... vòng ôm.

Chẳng sai lầm nào có thể sửa chữa, chẳng lời khuyên nào có thể nói được nữa. Gập chiếc máy tính xuống mà thấy căn phòng trống trải, mọi cố gắng dường như vô nghĩa. Sau tất cả, chúng ta làm tất cả để làm gì, nếu không còn cơ hội nào để... làm lại.

Thực tế, không phải cứ con tự tử thì cha mẹ là người sai. Nói điều gì lúc này có thể làm tổn thương họ, những người dứt ruột đẻ ra luôn là người đau đớn hơn bao giờ hết. Chúng ta có nói hàng ngàn lần chữ thương thì cũng chỉ là cái... thương vay.

Nhưng có lẽ nhìn câu chuyện đau lòng của "con nhà người ta" mà cha mẹ nào cũng giật mình nhìn lại. Giật mình nhận ra những sự vô tâm hoặc vô tình của chính mình. Liệu chăng chúng ta vì quá bận rộn không nhìn thấy những đứa trẻ đang giấu đi giọt nước mắt lưng chừng bặm môi không cho nó chảy xuống. Giật mình nhận ra cái cái dậm chân đến mức như muốn vỡ cả nền nhà vì cái tôi nổi loạn của con trỗi dậy hôm ấy...

Nhìn hình ảnh cô bé nằm trơ trọi và đơn độc ở đó và dòng chữ xưng "tôi" để lại: "Tạm biệt, tôi đi nhé". Nghe nhẹ như lông hồng mà nặng như hàng ngàn cân đá đeo trong tim.

Tôi nhìn sang đứa con gái của mình, bất giác nhủ thầm: "Ôi thật may vì có con đang ở đây để cho mẹ được bận rộn, được vui vẻ và cả giận dữ. Mẹ sẽ dành nhiều thời gian cho con và cố gắng làm 1 người bạn thân thiết của con". Tôi chỉ nghĩ được có thế mà ôm chặt lấy con gái mình ngay cả khi con đang còn say giấc!

Theo Nhịp Sống Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc http://nhipsongviet.toquoc.vn/tam-biet-toi-di-nhe-dong-thu-am-anh-khong-nguoi-lam-cha-lam-me-nao-mong-nhan-duoc-2220214814027002.htm

tử vong

tuổi dậy thì

chung cư

Nuôi Dạy Con


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.