Cư dân mạng phân tích clip shipper phân loại hàng hóa bằng cách quăng ném: Vì sao vẫn có một người ôm thùng hàng nhẹ nhàng di chuyển?

Bên cạnh những người phản đối hành động ném hàng hoá của các shipper thì luồng ý kiến ngược lại lại cho rằng....

Bên cạnh những người phản đối hành động ném hàng hoá của các shipper thì luồng ý kiến ngược lại lại cho rằng, đối với những kiện hàng không dễ vỡ, việc quăng ném không hề gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá bên trong.

Dù đã xuất hiện trên Facebook từ 2 ngày qua, tuy nhiên đến nay đoạn clip ghi lại cảnh hàng trăm shipper của công ty "Giao hàng tiết kiệm" phân loại bưu phẩm của khách hàng bằng cách quăng, ném vẫn nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.

Đoạn clip ghi lại sự việc cho thấy, các shipper của công ty này phân loại hàng hoá theo theo địa bàn chuyển phát, các kiện hàng được ném vào từng giỏ nhanh thoăn thoắt.

 

Clip: Các shipper của "Giao hàng tiết kiệm" phân loại hàng hoá bằng cách quăng, ném - Nguồn: FB

Khi đoạn clip trên được đăng tải đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Nếu chỉ nhìn hành động quăng, ném bưu kiện như trong clip, nhiều người có lẽ sẽ cảm thấy thật lạ lẫm, cho rằng các nhân viên của công ty làm ăn tắc trách, thiếu cẩn thận.

Tuy nhiên khi lượm nhặt nhiều ý kiến khác từ mạng xã hội, nhiều người dùng Facebook lại phân tích và chỉ ra những điểm khá hợp lý trong sự việc trên:

Nhân viên phân biệt được các loại bưu kiện để "đối xử", hàng dễ vỡ sẽ không quăng ném

Trên Facebook, nhiều người cho rằng khi chưa nắm rõ được quy trình phân loại hàng hoá, chưa biết được hàng hoá được gói bọc bên trong là gì thì chưa thể vội kết luận việc quăng, ném bưu kiện như trong clip là tắc trách, đáng lên án.

Bạn M.Đ để lại bình luận: "Mọi người chưa tìm hiểu rõ quy trình thì chưa nên kết luận. Phải hiểu rõ được đó có phải hàng dễ vỡ không? Họ bọc cẩn thận chưa? Quy trình như vậy phù hợp với yêu cầu nhanh của khách hàng chưa? Mặt hàng đang được “ném” là gì?... nhỡ đây là gian hàng toàn ship quần áo thì sao?".

Hay như anh Đ.H.V cũng nêu ý kiến: "Chỉ 1 clip mấy chục giây thôi không nên đánh giá gì, nếu sai rất ảnh hưởng đến doanh nghiệp của người ta. Biết đâu đây là hàng đã phân loại, không phải nhóm hàng dễ vỡ. Muốn giao hàng nhanh thì quá trình phân loại cũng phải khẩn trương, mau chóng chứ".
 

Cư dân mạng phân tích clip shipper phân loại hàng hóa bằng cách quăng ném: Vì sao vẫn có một người ôm thùng hàng nhẹ nhàng di chuyển?-1

Các nhân viên giao hàng của "Giao hàng tiết kiệm" - Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng các nhân viên giao hàng đều biết được đâu là mặt hàng dễ vỡ cần di chuyển nhẹ tay hoặc đâu là hàng thông thường. Chi tiết này rõ ràng đều được ghi trên hoá đơn. Nếu là mặt hàng dễ vỡ sẽ có biện pháp phân loại riêng, không ai muốn là ẩu cho nhanh để rồi phải đền bù cả.

Chị P.T viết: "Mình nhiều tiếp xúc với nhân viên kho, cũng ngạc nhiên khi thấy các bạn ấy ném hàng. Nhưng cái gì cũng có lý do, đa số nhân viên điều đã được huấn luyện nên nhận biết được hàng nào dễ vỡ, một phần có bill note trên gói hàng. Với lại, các công ty vận chuyển kho hàng của họ đều được phân khu vực hàng".

"Xem trong clip, đoạn cuối có thùng hàng lớn hơn thì có anh nhân viên bê vác tận tay mà. Nếu là hàng dễ vỡ chắc chắn họ sẽ không ném như thế để bị hư hại, ai dại gì ném cho hỏng rồi phải đền đâu" - anh Q.H bình luận.

Cư dân mạng phân tích clip shipper phân loại hàng hóa bằng cách quăng ném: Vì sao vẫn có một người ôm thùng hàng nhẹ nhàng di chuyển?-2

1 kiện hàng lớn được nhân viên di chuyển tận tay - Ảnh cắt từ clip.


Các hàng hoá đều được gói bọc trong nhiều lớp túi và chống sốc

Nếu xem clip cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng số hàng hoá xuất hiện trong đoạn clip không chỉ đã được phân loại hàng dễ vỡ - thông thường mà còn đã được gói bọc theo quy trình cẩn thận, bọc một lớp chống sốc, do vậy sẽ khó ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm bên trong.

Anh Đ.C chia sẻ trên Facebook: "Làm trong ngành bưu chính mới biết các hàng hoá khi gửi đều phải đóng gói cẩn thận rồi, quần áo thì không nói chứ như mỹ phẩm, thậm chí là sách đều phải gói thêm 1 lớp chống sốc. Không phải hàng dễ vỡ ném như kia không si nhê gì đâu".

"Có ai gửi hàng mà để nguyên hàng rồi bỏ vào hộp đâu, phải gói bọc cẩn thận nhiều lớp rồi. Mà các công ty chuyển phát phải gói kỹ đúng quy trình họ mới nhận ship đó" - chị K.L đồng tình.
Ở nhà chúng ta cũng ném đồ không dễ vỡ như vậy mà thôi!

Khi cho rằng số bưu phẩm quăng, ném trong đoạn clip đã được phân loại là hàng không dễ vỡ, nhiều người cũng nhận định ở nhà họ cũng ném quần áo, chăn màn... của mình như vậy mà thôi. Các ý kiến cho rằng, việc các shipper "tung hứng" hàng hoá của khách về cảm quan có thể không đẹp mắt, tuy nhiên chẳng phải cũng đâu có ảnh hưởng gì nếu không gây tổn hại đến chất lượng sản phẩm.

Chị X.L nêu ý kiến: "Ở nhà quần áo, gấu bông hay chăn màn ai cũng ném như vậy thôi. Nếu các bưu kiện đã phân loại là hàng thông thường, không lưu ý gì về vận chuyển hay bảo quản thì ném như thế cũng không sao dù cho khi mới nhìn cũng hơi bất ngờ 1 chút".

Chỉ cần đảm bảo không hư hại, phân loại hàng hoá bằng cách ném nhanh chóng và tiện lợi

Trái ngược lại với nhiều ý kiến cho rằng việc các shipper quăng, ném bưu kiện của khách trông vô cùng thiếu chuyên nghiệp, không ít người lại bày tỏ quan điểm nhìn hàng trăm nhân viên phân loai hàng thoăn thoắt như vậy lại khá độc đáo, nhanh nhẹn.

Anh T.K bình luận: "Ai cũng muốn hàng ship nhanh thì cũng phải để nhân viên người ta kiểm đếm nhanh chứ, hàng không dễ vỡ thì ném vậy cũng không sao, mà mọi người xem kỹ clip mà xem, ai nấy ném phát là trúng chuyên nghiệp đó chứ".

"Có khi ném đồ như này lại là kỹ năng của dân kho bãi ấy chứ, nhìn bill phát ném luôn được vào đúng vị trí. Nếu không phải hàng dễ vỡ thì ném thế này hợp lý, nhanh chóng, chứ ngồi đọc từng chữ xong vuốt ve, xếp ngay ngắn thì bao giờ mới ship được hàng đến tay khách?" - chị T.H nhận định.

 Theo Helino

.

 


shipper

cư dân mạng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.