Khi 'hiện tượng mạng' mệt mỏi vì sự nổi tiếng

Nhiều chàng trai, cô gái phải thừa nhận cuộc sống của họ gặp nhiều áp lực và mệt mỏi chỉ vì "trót" trở thành tâm điểm của mạng xã hội.

Nhiều chàng trai, cô gái phải thừa nhận cuộc sống của họ gặp nhiều áp lực và mệt mỏi chỉ vì "trót" trở thành tâm điểm của mạng xã hội.

Giữa tháng 9 vừa qua, dân mạng chia sẻ hình ảnh cô gái dùng áo ngực bịt mũi thoát khỏi đám cháy quán karaoke ở Hà Nội.

Chỉ sau một đêm, cái tên "Bích Cherry" xuất hiện trên nhiều diễn đàn dành cho giới trẻ. Người ta bàn tán về cuộc đời, hoàn cảnh, gia đình, con người cô.

Hàng nghìn bình luận chê bai, chỉ trích công việc của 9X chỉ vì cô gái chạy ra từ quán karaoke.

 Họ chế ảnh, làm thơ một cách phản cảm, vô lý và vô tâm để cười nhạo hành động dùng áo lót nhúng nước bịt mũi để thoát khỏi đám cháy.

Sau cùng, nhân vật chính phải thốt lên: "Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy còn tốt hơn là sống để nhận những lời miệt thị từ các bạn?".

Trường hợp của cô gái sinh năm 1994 đó là ví dụ điển hình của những người bạn trẻ gặp áp lực và mệt mỏi chỉ vì "trót" trở thành tâm điểm của mạng xã hội.

Khi hiện tượng mạng mệt mỏi vì sự nổi tiếng - Ảnh 1.

Hàng loạt bức hình chế về vụ cháy xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Khốn khổ vì sự nổi tiếng 'không cầu mà có'

Khác với các "hot face" cố gắng tạo ra trào lưu kỳ dị, phát ngôn gây sốc, làm trò lố, những "hiện tượng mạng" lại nổi tiếng dù không mong muốn.

Lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại điểm thi Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), nữ sinh Nguyễn My - học sinh THPT Trần Phú - nhanh chóng nổi tiếng.

Facebook của cô thu hút gần 10.000 người theo dõi, cùng vô số "bom" bình luận, yêu cầu kết bạn từ dân mạng.

Các bức hình, bài viết, bình luận của cô bị nhiều người buông lời khiếm nhã. Một số chàng trai còn chia sẻ những bức ảnh vô nghĩa, viết lời đùa cợt khiến nữ sinh phải đóng trang cá nhân.

Trịnh Thị Phú Luôn (sinh năm 1993, quê Sóc Trăng ), sinh viên Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) nổi tiếng mạng vì sở hữu vẻ ngoài và phong cách giống ca sĩ Khởi My.

Sự tương đồng này làm Phú Luôn mệt mỏi khi nữ sinh liên tục nhận được lời lẽ chửi bới từ người không quen vì họ cho rằng cô cố tình muốn nổi tiếng và đang tìm cách bước vào showbiz.

Trường hợp khác, hình ảnh cô gái xinh xắn "Crying girl" Dương Thị Nhật Lệ bật khóc khi chủ nhà U19 Việt Nam không giành cúp vô địch trong trận gặp U19 Nhật Bản gây sốt một thời gian dài.

Tuy nhiên, ngoài những lời khen ngợi, không ít dân mạng đồn đoán vô căn cứ, phân tích hoàn cảnh của Nhật Lệ và cho rằng, cô khóc vì... thua cá độ.

Nỗi đau kéo dài của 'hiện tượng mạng'

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Bích Nga - người phụ trách Trung tâm khám và tư vấn trẻ em khẳng định những "hiện tượng mạng" nhanh chóng được tạo ra và cũng nhanh chóng biến mất, nhưng cuộc sống của họ sẽ gặp khó khăn.

"Họ không thể quay lại cuộc sống cũ vì lúc nào cũng bị soi mói, bàn tán mỗi lần xuất hiện trong thời gian dài", nữ tiến sĩ nhận xét.

"Thắm Tây" là một trong những "hiện tượng mạng" đầu tiên tại Việt Nam. Nhiều năm trước, một số diễn đàn xuất hiện ảnh chụp khoảnh khắc đùa nghịch của nữ sinh này.

Một số cư dân mạng đã nghĩ ra trò đùa nghịch, chuyền tay nhau những bức hình và tự đặt tên cho cô gái cái tên "Thắm Tây". Trò đùa trở nên tai hại khi nó lan rộng, thậm chí trở thành "hiện tượng share" trên mạng.

Không chỉ đặt tên cô là "Thắm Tây", dân chơi Phú Thọ, cô gái đua đòi, hot girl Hà Thành..., cư dân mạng còn tạo ra nick Yahoo, tài khoản Facebook mang tên "Thắm Tây" rồi tự chat, chụp lại màn hình, để chế giễu.

Sau này, Ngọc Anh - tên thật của "Thắm Tây" - xuất hiện và tâm sự về quãng thời gian mà theo cô là "tuổi mới lớn bị đánh cắp bởi những áp lực khủng khiếp từ trò đùa của cư dân mạng".

Cô khẳng định những bức ảnh trên do bạn bè chụp. Nhưng thật không ngờ, sự hồn nhiên trong sáng đó đã khiến tuổi trẻ của cô chìm trong bóng tối.

"Tôi chỉ là học sinh bình thường, tại sao mọi người lại đối xử với tôi như vậy? Những tiếng đồn xấu, thất thiệt và sai lệch hoàn toàn đã khiến cuộc sống của tôi như địa ngục", cô gái bức xúc nói.

Phồng Tôm, Thánh Cuồng và nhiều "hiện tượng mạng" khác từng gặp những khó khăn tương tự.

"Thánh Phồng" Phạm Minh Phú phải phải viết tâm thư yêu cầu ngừng việc chế ảnh vì cuộc sống cá nhân và công việc của anh bị ảnh hưởng.

"Thánh Cuồng" Quang Thành lại chọn cách né tránh dư luận bằng việc xóa bỏ tài khoản Facebook cũ, lập nick mới và hủy tính năng kết bạn. Anh cũng hầu như khóa các ảnh để tránh sự soi mói của dư luận.

Không phải người trẻ nào cũng ham hố nổi tiếng như các "hot face". "Thắm Tây" chắc chắn không bao giờ muốn bị coi là cô gái hư hỏng, ăn chơi. "Thánh Cuồng" Quang Thành từ nay có thể không dám thần tượng ai nữa...

Trường hợp người trẻ bỗng nổi tiếng vì lý do "trời ơi đất hỡi" sẽ không dừng lại.

Nhưng, sự nổi tiếng không phải lúc nào cũng mang lại thu nhập tiền triệu và ánh hào quang, mà đôi khi còn là gánh nặng và gây ra những nỗi đau không lời.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.