"Quản” giá xăng dầu: Lo Bộ Công thương "nuông chiều con cưng"?

Nắm hệ thống phân phối kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu, nay thêm chức năng quản lý giá mặt hàng nhạy cảm này, Bộ Công thương có quá "bao sân"?

Nắm hệ thống phân phối kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu, nay thêm chức năng quản lý giá mặt hàng nhạy cảm này, Bộ Công thương có quá "bao sân"?
 

Không “quản” nổi thì “đá bóng”

Tới đây, vai trò quản lý điều hành giá mặt hàng xăng đầu sẽ được “đổi vai” sang Bộ Công thương, thay vì Bộ Tài chính. Đây cũng là đề xuất của Bộ Tài chính vừa được Phó Thủ tướng đồng ý trong cuộc họp diễn ra cuối tuần qua.

Trong công tác quản lý thị trường xăng dầu thời gian qua, Bộ Công thương vẫn giữ vai trò “đồng hành” cùng Bộ Tài chính trong việc điều hành mặt hàng xăng dầu, tuy nhiên “phân khúc” điều hành cũng được phân định khá rõ ràng. Bộ Công thương “quản” việc xuất nhập khẩu, hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; còn Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát và điều chỉnh giá cả mặt hàng này cho phù hợp, hài hòa với diễn biến giá cả thế giới – trong nước.

Cụ thể, khi giá thế giới biến động, các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ đề xuất lên Cục Quản lý Giá để tăng hoặc giảm. Trước khi quyết định cơ quan này sẽ cân nhắc tính toán lại giá cơ sở của các DN có hợp lý hay không. Nếu hợp lý, phương án tăng giá sẽ được chấp thuận, còn nếu không thì đề nghị DN không tăng giá, hoặc ngược lại.
 

Vai trò quản lý giá xăng dầu được “đẩy” sang Bộ Công thương, tính khách quan ra sao, ai giám sát?

 
Nhưng tới đây, vai trò quản lý điều hành giá mặt hàng xăng đầu sẽ được “đổi vai” sang Bộ Công thương, thay vì Bộ Tài chính. Đây cũng là đề xuất của Bộ Tài chính vừa được Phó Thủ tướng đồng ý trong cuộc họp diễn ra cuối tuần qua.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đưa quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Công thương điều hành vừa có ưu lại vừa có nhược điểm. Ưu điểm ở chỗ, thu về một mối “quản” giá xăng dầu dư luận sẽ có địa chỉ rõ ràng để “truy” trách nhiệm, thay vì các bộ “đá bóng” cho nhau mỗi lần nhắc tới trách nhiệm về điều hành mặt hàng này như trước đây.

Ở góc độ ngược lại, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại đặt câu hỏi về năng lực điều hành của cơ quan quản lý giá thuộc Bộ Tài chính. Lâu nay chức năng quản lý về giá xăng dầu được Nhà nước giao cho Bộ Tài chính, trong quá trình điều hành dù có lần “ghi điểm” với công chúng khi khước từ những đề xuất tăng giá của doanh nghiệp (DN), nhưng không phải không có điểm trừ.

“Anh có chức năng quản lý Nhà nước về giá mà đùn đẩy sang cho cơ quan quản lý khác thì phải xem lại vai trò của mình. Được Nhà nước giao nhiệm vụ thì khó mấy cũng phải làm, chứ không thể thấy khó khăn một chút, bị kêu ca là đẩy quả bóng sang chân người khác” – chuyên gia Ngô Trí Long nói thẳng.

Theo ông Long, cũng có vấn đề cần quan tâm và đặt câu hỏi, khi chuyển điều hành giá sang Bộ Công thương rồi thì vai trò của đội ngũ nhân sự đảm trách công việc này trước đây tại Bộ Tài chính sẽ ra sao? Sẽ điều chuyển số này sang Bộ Công thương để tận dụng nhân sự tránh lãng phí trong tuyển mới, đào tạo, hay cơ quan này sẽ chuyển thành cơ quan giám sát giá … cũng phải tính.

Thiếu giám sát, lo lạm quyền

Có thể khi chuyên sang bộ chuyên ngành quản lý thì giá xăng dầu sẽ sát với thực tế kinh doanh mặt hàng này hơn, nhưng không phải không phát sinh những lo ngại. Điều khiến nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) lo lắng, là chuyện minh bạch, o bế “con cưng” nếu Bộ Công thương chủ trì vai trò điều hành giá cả xăng dầu.

Theo ông, nếu vẫn giữ nguyên cơ quan chủ trì giá bán lẻ xăng dầu là Bộ Tài chính, giá xăng dầu dường như có sự can thiệp nhiều hơn từ phía Nhà nước. Cơ chế điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính trước đây dù tồn tại không ít bất cập, nhưng không phải doanh nghiệp muốn tăng giá bán lẻ trong nước khi giá thế giới vừa nhích tăng là được đáp ứng ngay. Đã không ít lần Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) thẳng thừng khước từ đề xuất tăng giá của doanh nghiệp sau khi tính toán tất cả các chi phí. Trong quan điểm điều hành giá xăng dầu giữa liên Bộ Tài chính – Công thương không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận cao nhất.

Nay vai trò quản lý giá được “đẩy” sang Bộ Công thương, cơ quan này vừa chịu trách nhiệm về xuất nhập khẩu xăng dầu, quản lý hệ thống phân phối xăng dầu, “nắm” hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối… thì tính khách quan của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu? Ai sẽ giám sát việc điều hành của cơ quan này?

“Sẽ khó tránh khỏi tình trạng “con hát bố khen hay” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói với Infonet. Lúc đó, sẽ rất khó thuyết phục người dân khi điều hành giá và chuyện minh bạch giá xăng dầu như mong muốn lâu nay càng khó đạt được.

“Trước giao quyền cho đứa con lớn, nay giao lại quyền cho đứa con nhỏ, sự chuyển giao quyền lực trong cùng một gia đình là dễ hiểu. Nhưng điều ai cũng lo là liệu ông em có quản lý nổi hay không, hay một lúc lại “gánh” quá nhiều vai sẽ dễ gây thiếu sót?”- ông Ngô Trí Long bình luận.

Khi công tác điều hành giá mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm này được trao quyền cho Bộ Công thương, xăng dầu sẽ tránh được cảnh “điều hành nửa vời” hay không thì còn phải chờ thời gian và kết quả điều hành tới đây. Song những lo ngại sự lạm quyền của các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở.

Vì thế, cần xây dựng một hàng rào giám sát để tránh việc bao che cho DN tự tung tự tác trong việc quyết định tăng giá.

Theo Infonet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.