Thanh Lam: ‘Đi ngược xu hướng thì phải ăn đòn là đúng rồi’

“Đi ngược xu hướng thì phải ăn đòn là đúng rồi”, Thanh Lam có vẻ thoải mái khi nói về scandal mới đây nhất của mình.

“Đi ngược xu hướng thì phải ăn đòn là đúng rồi”, Thanh Lam có vẻ thoải mái khi nói về scandal mới đây nhất của mình.

Khẳng định đó không phải “vạ miệng”, chị thừa nhận mình đã biết cái giá phải trả nhưng vẫn nói. Ở tuổi 43, “người đàn bà đẹp hát” tự thấy mình sống “với vận tốc nhanh quá khiến mọi người phát điên lên”, để rồi bằng sự từng trải đời mình, tuyên bố xanh rờn: “Nông nổi là một cảm giác rất thích. Tôi nghĩ mình không thể sống cuộc sống này nếu không có sự nông nổi."

Tôi hẹn Thanh Lam khi biết thông tin về dự án Nguồn cội tại một đường link trên Facebook nhạc sĩ Quốc Trung, chồng cũ của chị. Hẹn hò mãi, chị vẫn chưa thu xếp được thời gian, đùng một cái, chị “hứng đá tảng” vì “dám” lên tiếng bày tỏ quan điểm có liên quan đến hai ca sĩ giải trí hàng đầu Việt Nam. Rồi chị đi Mỹ lưu diễn, “để lại cả một khoảng trời đầy gạch, đá” cho dư luận. Về lại Việt Nam, truyền thông vây kín chị trong buổi họp báo. Chị chỉ còn vài ngày để tập bài mới, bản phối mới trong đêm nhạc Khởi nguồn. Gặp được chị vào đúng một tiếng giữa giờ nghỉ hát lúc hơn 3g chiều, khi chị đang ăn cùng con trai và bạn tại khách sạn Metropole (Hà Nội). Chị dành cạn quỹ thời gian nghỉ ngơi, ăn uống để trò chuyện với PV cùng câu đùa: “Em cài chị bằng câu hỏi nào khó khó chút đi”. Nhìn Thanh Lam vẫn thật đầy năng lượng.


Sự độ lượng giữa con người với con người ngày càng mất đi


- Kinh thánh có câu: “Khởi thủy là lời” (“lời” vừa có nghĩa là tư tưởng vừa có nghĩa là lời nói. Cả thế giới này được tạo ra từ ý nghĩ và lời nói), chị có tin vào sức mạnh của lời không?


Những lời còn ở lại với năm tháng đều chứa đựng cuộc sống trong đó. Con người nói với nhau ít khi thật lòng, lời nói đó mang tính phù phiếm nhiều.
 



- Ngay như những tình bạn trong showbiz, đôi khi cũng chỉ vì “lời” mà xa cách?

Tình bạn cũng như vợ chồng, cần phải có duyên. Người bạn nào thực sự là của mình thì sẽ ở lại, còn khi duyên hết, tuy vẫn là con người ấy nhưng không cảm thấy cần nhau nữa.

 Một nghệ sĩ tài sắc như chị, vẫn luôn hài lòng về cách ứng xử của mình chứ?

Khi làm bất cứ điều gì, tôi làm không phải để người ngoài nhìn vào, chính tôi luôn soi mình như soi gương vì kẻ thù lớn nhất của đời người chính là mình. Cho đến bây giờ, tôi nghĩ mình đã đủ chín chắn để đưa chữ “tâm” lên đầu. Con người khi may mắn hơn người khác đáng lẽ phải có sự đôn hậu, nhưng bây giờ nhìn nhau họ hay lộn ngược lên để xem cái mông bạn đang dính gì, chân tay bạn ghẻ lở ở đâu, họ ít nhìn ưu điểm của người khác. Sự độ lượng giữa con người với con người ngày càng mất đi.


- Nhưng chữ tâm của chị được hiểu theo vài nghĩa khác nhau, rồi cuối cùng chị nhận lại được thứ gì?


Khi làm bất cứ điều gì cũng phải chấp nhận cái giá phải trả. Hồi xưa, cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt, chính đó là động lực cho người ta hiếu học. Bây giờ mọi thứ đơn giản hơn về vật chất, nó làm con người lười biếng hơn. Ngay cả khi tôi nhìn các con, chúng ngày càng lười hơn vì với tay là có cái này, cái kia. Vì vậy điều tôi lo lắng là lớp trẻ, trong đó có cả con mình.


- Nhưng chính sự trăn trở, lo lắng, hay nói cho đúng là trách nhiệm của người nghệ sĩ đi trước, vô tình bị coi là “vạ miệng”, là “nông nổi” đấy!


Nếu có người thành đạt như tôi, chắc chắn người ta phải có trí tuệ hơn người rồi. Vậy thì những câu nói ấy không thể gán cho nó chữ “vạ miệng” được. Những câu nói của tôi, tôi đã biết cái giá phải trả nhưng vẫn phải nói.


Lời của mình là lời cảnh tỉnh, nhưng nó lại đi ngược xu hướng, cái gì đi ngược xu hướng là phải ăn đòn rồi. Những người quy lời tôi nói là “vạ miệng” cuối cùng họ vẫn công nhận là đúng. Nếu vạ phải là sai chứ?


- Có vẻ như mình cho rằng mình làm một việc tốt, đáng được khích lệ nhưng bỗng dưng trở thành lạc lõng, trở thành điều... nực cười?


Mọi người đều xuôi theo một cái an toàn, nhợt nhạt nhưng chỉ là đem đến niềm vui giả cho nhau thôi. Tôi thấy cảm giác sống và mong muốn của mình đôi khi kỳ dị, không giống ai nhưng tôi vẫn thích tất cả những giá trị mình nhận được trong cuộc sống phải là thật.


Chắc chắn tôi sẽ không mất gì cả nếu tôi tâng bốc một người trên truyền thông để làm họ vui, nhưng cái giá mà họ phải trả là rất ác, cái tâng bốc ấy dễ khiến người ta có một ảo giác về bản thân. Thực ra, những lời nói của tôi nếu hiểu sâu hơn sẽ mang tính khích lệ, là sự lo lắng, nhưng truyền thông và mọi người căng thẳng lên thôi.




Tôi tính được cái phản ứng, nhưng đôi khi...

- Có lúc nào chị nghĩ, chính sự bản năng, nông nổi của mình đã khiến mình vô tình phải “nhặt đá” của dư luận không?

Lúc nào con người mình cũng lì đòn, vững vàng quá thì sự nông nổi là một cảm giác rất thích. Các cụ có câu: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Tôi nghĩ mình không thể sống cuộc sống này nếu không có sự nông nổi, đôi khi nó cũng là những dấu phẩy.


Sự nông nổi đó tôi chỉ có với người thân, người tôi yêu, các con thôi, còn ngoài xã hội thì không thế! Chỉ cần hơi sơ sẩy một chút, người ta có thể túm mình, nhất là khi mình là người nổi tiếng, càng khủng khiếp nữa. Trong sự nghiệp, tôi không bao giờ có quyết định nông nổi cả, vì tôi phải chiến đấu và vươn lên trong cuộc sống nên đâu dám nông nổi.


- Năm 2005, chị ra hai album Này em có nhớ và Ru mãi ngàn năm, những thử nghiệm mới này bị gọi là “làm hỏng nhạc Trịnh”. Tiếp đến là “Linh cũng bình thường thôi” với Uyên Linh Idol 2010 khi cô ấy đang ở tâm điểm nóng của truyền thông. Và giờ là Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà có vẻ như chị luôn là người “đi ngược” với trào lưu, với số đông thì phải?

Không phải tôi ngược dòng, tôi chỉ đi với vận tốc nhanh quá khiến mọi người phát điên lên, vì người ta không tưởng tượng rằng tôi lại nhìn thấy những điều như vậy.


Tôi là người rất nhạy cảm, sống bản năng. Chỉ một vài người đặc biệt mới có bản năng rất tốt, nó cũng tạo ra cá tính và sự tự tin. Những điều tôi nhận xét đều là có kinh nghiệm trong đó. Tôi chỉ muốn nói quan điểm của mình chứ không buộc mọi người phải nghe tôi.


- Sau những điều nhận được, chị còn dám góp ý với người trẻ nữa hay thôi?


Tôi nghĩ trong cuộc sống, bài học phải do mình rút ra. Các em trẻ bây giờ cũng bướng, đôi khi ảo giác về bản thân, nhưng người thông minh nhất là người biết điểm mạnh, yếu của mình.


Ngày còn bé, chưa bao giờ tôi bằng lòng với mình đâu, cho đến bây giờ cũng thế! Sau mỗi đêm diễn, tôi đều mất ngủ vì thấy mình chưa làm được những gì mong muốn. Tôi từng sợ bị dồn vào chân tường, nhưng rồi tôi cảm được chặng đường mình đang và sẽ đi cần áp lực, nó khiến mình phải chọn lựa sinh tồn, cần bình tĩnh đối diện với áp lực đó.


Tôi vẫn dạy các con là chỉ nên khắc nghiệt với chính mình thôi, nó làm mình phải chấn chỉnh, hoàn thiện và thành công. Còn với những người xung quanh, đừng nhìn họ quá khắc nghiệt, người ta chỉ có thế thôi.

- “Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp, vì chính sự nông nổi kia khiến nàng lại đẹp hơn”. Chị nghĩ gì khi fan của chị nói vậy?

Sự nông nổi có trong con người mình, có những người còn bé chả nông nổi nhưng cũng có những người già rồi vẫn có sự nông nổi.


Những lời tôi nói chắc chắn không phải nông nổi vì trước khi nói, tôi suy nghĩ rất kỹ. Tôi cũng tính được sự phản ứng, nhưng đôi khi, những cái phản ứng đó không như mình suy nghĩ. Vì mình suy nghĩ trong lượng tri thức mình có, mình không đặt vào người khác. Và rồi có những lúc tôi cũng phải ngạc nhiên là: Tại sao người ta lại có thể nói những lời nói như vậy.


Vợ chồng trả nợ cho nhau rồi, con cái vẫn là mắt xích


- Dường như trong cuộc tái hợp âm nhạc lần nào của chị với nhạc sĩ  Quốc Trung cũng thấy ánh mắt chị ngập tràn hạnh phúc. Đó không còn là tình yêu nữa, nó là gì vậy?


Giữa chúng tôi là niềm đam mê của nghệ sĩ có chung chí hướng. Con người ngày càng sống với nhau rụt rè hơn nên tìm được một người bạn cùng chí hướng thì phải tự tin. Khi làm việc với anh Quốc Trung, tôi rất tự tin vì anh ấy hiểu và luôn giúp tôi làm mọi việc tốt nhất trong khả năng tôi có thể.
 


- Nhìn lại cuộc hôn nhân, chị có thấy bước đi của mình chệch hướng vì chia tay nhạc sĩ Quốc Trung không?

Tham gia những chuyến hành hương trên đất Phật, tôi cũng ngộ ra nhiều điều. Nếu mình biết đó là nghiệp kiếp trước mình gieo và kiếp này phải trả thì phải bình tĩnh thôi. Kể cả đời sống vợ chồng cũng vậy, người ta bảo trả nợ nhau. Khi cái duyên không còn nữa, tự nhiên tình yêu mất đi.


- Hai người, hai nhân cách nghệ sĩ và hai cái tôi lớn. Họ sẽ chăm lo cho con thế nào khi đã có chỗ đứng trong nghệ thuật, bận rộn với công việc và có đời sống riêng?


Lỗi lớn nhất là mình không cho con cái cuộc sống trọn vẹn về tinh thần. Quan trọng nhất khi đối diện với những lỗi ấy, mình phải tìm được phương án tốt nhất cho con. Người vợ và người chồng trả nợ cho nhau rồi thì con cái vẫn là mắt xích. Là bố mẹ văn minh, tôi nghĩ không chung sống với nhau thôi nhưng chúng tôi luôn chung sức để mong điều tốt nhất cho các con.

Các con chị có hiểu và thông cảm với cha mẹ không?

Các cháu lớn rồi nên chắc sẽ hiểu. Tôi luôn dạy các con hãy biến những thiệt thòi đó thành động lực.


- Nếu được hoán đổi một cuộc sống Thanh Lam của hôm nay với một cuộc sống là cô Thanh Lam công nhân viên chức, có gia đình trọn vẹn, chị mong được hoán đổi không?


Tôi chưa bao giờ đặt ra phương án như vậy nhưng tôi nghĩ rằng nếu được quay lại, chắc tôi sẽ bớt đi sự mơ mộng, kỳ vọng và chắc sẽ có một cuộc sống bình thường. Cái dở nhất của tôi là đặt người đàn ông lên một góc rất đặc biệt trong cuộc sống của mình và đòi hỏi hình ảnh ấy. Khi trải nghiệm rồi tôi mới thấy rằng, thật ra khi yêu một người, mình không được đòi hỏi người đó. Nếu yêu nhau, người ta luôn mong cho người kia hạnh phúc. Đó chính là cái thiếu kinh nghiệm sống của tôi.


- Người đàn ông chị cùng chung sống, anh ấy nói gì về những suy nghĩ “nông, sâu” của chị?


Người đàn ông hiện tại của tôi rất thương tôi, hiểu những khó khăn của người nghệ sĩ và chấp nhận tôi là người có mặt mạnh, mặt yếu. Tình yêu anh ấy dành cho tôi rất giản dị. Trước đây, tôi cứ mơ mộng rằng yêu một người làm nghệ thuật, nhưng khi chung sống với một người bình thường, không bay bổng như mình, tôi thấy thích lắm. Những lúc mình bồng bềnh, chênh vênh, anh ấy là điểm tựa. Anh ấy khác tôi mới cân bằng tôi.


- Chị có hai cô con gái lớn, kinh nghiệm về tình yêu và cuộc sống của chị có giúp được con mình đứng trước ngưỡng cửa yêu, vào đời không?


Tình yêu không ai dạy cho ai được vì nó có sự mù quáng. Tôi vẫn nói với các con: Người đàn ông rất quan trọng trong cuộc sống, người đàn ông đầu đời của mình như cái ấn, nó sẽ làm đời sống của mình lệch hay đi đúng hướng. Tôi chỉ hướng con nên tìm người đàn ông giỏi, cuộc sống sẽ thích, nhưng tuổi trẻ non nớt thì biết ai giỏi thực sự. Vì vậy, trải nghiệm vẫn là điều cần hơn cả.


- Trải nghiệm ấy rất có thể các con chị sẽ vấp ngã, sẽ đau?


Người mẹ nào cũng thương con, mình nhìn thấy bạn trai nó có thể đoán được cuộc sống của nó thế nào. Nhưng bài học sẽ không giống nhau.


Mình không thể cấm đoán con tuyệt đối được vì càng cấm đoán càng kích thích con tiến tới. Tôi vẫn thủ thỉ tâm tình với con để con hiểu giá trị nó nhận được là đúng hay không.


Tất nhiên mình có thể nói cho các con kinh nghiệm sống của mình dù trẻ con bây giờ vẫn có sự ngông cuồng của chúng. Âu cũng là số trời, không phải muốn là được. Tôi hy vọng các con sẽ nhìn thấy sự trải nghiệm và những bài học đáng giá mẹ rút ra trong cuộc sống để tích lũy cho bản thân mình.


- Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Theo Mốt & Cuộc sống


Bình luận