Nhìn nhận trên một góc độ khác, thì "bản lĩnh" của Hà Hồ có thể được thể hiện qua sự can đảm, không ngại đụng chạm và đối mặt mọi đối tượng, mọi vấn đề. Khán giả showbiz từng chứng kiến không ít lần Hà Hồ thể hiện "bản lĩnh" của mình theo kiểu đó.
Cụ thể, khi bị diva Thanh Lam mạnh mẽ chỉ trích về chuyện "biết gì mà dạy học trò", nữ hoàng giải trí đã chẳng ngại ngần đáp trả bằng một hình ảnh ẩn dụ của con trai kèm theo những lời lẽ khá đanh thép. Thậm chí, ngay cả khi bị đám đông lên tiếng công kích, bà mẹ một con cũng mạnh dạn đăng đàn phản pháo lại không kém một lời.
Kể cả chuyện nhỏ nhặt như bị chê cầm rượu không đúng cách, Hà Hồ cũng "cao tay" mượn hình ảnh của tổng thống Mỹ để mà "chữa cháy" cho mình.
Có thể nói mọi vấn đề đụng chạm tới Hà Hồ đều nhận lại phản ứng không hề e dè từ phía cô ca sĩ.
Tuy nhiên, trong lần mà cô được báo giới, người hâm mộ tung hô là "bản lĩnh" gần đây, người ta lại thấy thứ "bản lĩnh" đó có chút gì đấy... có vấn đề.
Cụ thể là sau khi bị vợ đại gia "chỉ tận tay, day tận mặt" chuyện "cướp" chồng, phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác, Hà Hồ đã lặng lẽ đóng cửa trang cá nhân. Nhưng chỉ sau mấy ngày "lặn mất tăm", cô bất ngờ mở lại facebook giữa tâm bão và nhận về mình vô số lời ca tụng rằng "Hồ Ngọc Hà mạnh mẽ, Hồ Ngọc Hà bản lĩnh mở lại facebook giữa tâm bão" từ một số phương tiện truyền thông.
Cũng không rõ, cụm từ "mạnh mẽ", "bản lĩnh" ở đây được một số người sử dụng để ám chỉ điều gì? Vì rõ ràng, sự im lặng và cách ứng xử của Hà Hồ trong trường hợp này chẳng có chút gì liên quan tới 2 từ đó. Bởi người ta cũng không thấy chút bóng dáng của thứ "bản lĩnh" dám đương đầu với dư luận, với bất cứ ai đụng chạm tới mình mà Hà Hồ thường thể hiện trước đây.
Có cảm giác như trong scandal này, Hà Hồ như đã... "lột xác" thành người khác chứ không còn là một "nữ hoàng giải trí" không biết ngán ngại điều gì như trước. Bởi nếu là một Hà Hồ "bản lĩnh" như người ta thường biết tới trước đây, dễ gì cô chịu để yên trước những lời cáo buộc nặng nề từ người khác, nhất là khi chúng ảnh hưởng quá lớn tới danh tiếng, hình ảnh của mình. Nhất là khi sự im lặng của Hà Hồ trong trường hợp này cũng đồng nghĩa với sự lép vé và cam chịu, người ta lại càng cảm thấy khó hiểu và thắc mắc hơn bao giờ hết.
Thực sự, nếu vẫn giữ được "bản lĩnh" quen thuộc của mình, Hà Hồ sẽ phải "có lời" gửi tới đối phương một cách thẳng thắn, thậm chí là "3 mặt 1 lời" để giải quyết vấn đề.
Nếu như Hà Hồ cho rằng mình đúng, cho rằng những cáo buộc mà đối phương đưa ra là bịa đặt, cô hoàn toàn có quyền đứng ra phản bác, lấy lại sự công bằng và sự thật cho mình. Đó mới là "bản lĩnh" chân chính, chứ không phải là mở facebook ra để nghe ngóng rồi... lặng im chịu trận như cách Hà Hồ đang thực hiện lúc này.
Lý do không muốn trở thành mồi ngon của dư luận xem ra không đúng, bởi dù có lên tiếng hay không thì câu chuyện cũng đã quá sức "hút khách" rồi. Thậm chí, nếu không lên tiếng mà chấp nhận im lặng, phần thua thiệt dành cho Hà Hồ còn nhiều hơn gấp bội, khi mà đông đảo dư luận cho rằng cô "không có gì để nói" trước luận điệu của đối phương.
Rõ ràng, khi một người công kích, một người lặng lẽ im lặng hứng chịu, người ngoài sẽ có ngay một cái nhìn đại khái về chuyện ai đúng, ai sai.
Tuy nhiên, không chỉ có một cách duy nhất giúp Hà Hồ thể hiện "bản lĩnh" của mình. Bên cạnh việc thẳng thắn đáp trả, phản pháo, Hà Hồ vẫn còn có một lựa chọn khác dễ dàng hơn, thực tế hơn. Đó là hướng về người khác nhận sai, xin lỗi, nếu như thực sự mình là người sai trái.
Dám nhận sai, dám xin lỗi và chịu trách nhiệm về mình cũng là một thứ "bản lĩnh" tuyệt vời, thậm chí còn là thứ "bản lĩnh" ít người làm được nhất.