Bộ Y tế công bố phác đồ điều trị mới nhất để đối phó với virus SARS-CoV-2 đột biến

Phác đồ điều trị COVID-19 phiên bản 4 có nhiều điểm mới như phân loại mức độ nặng để điều trị, ngừng sử dụng Chloroquine, Hydroxychloroquine, nghi ngờ mắc COVID-19 sẽ được xét nghiệm ngay...

Mới đây, Bộ Y tế đã công bố tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19 phiên bản 4, sau 3 lần công bố kể từ khi Việt Nam có ca nhiễm đầu tiên.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, kết quả giải trình tự gien cho thấy virus gây ra đợt dịch mới bùng phát tại Đà Nẵng là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam.

Chủng virus này có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao. Cụ thể về chỉ số lây nhiễm mà chủng này gây ra rơi vào khoảng 5-6. Trong khi trước đó chỉ khoảng 1,8-2,2. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng nhiều hơn.

Trong tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19 phiên bản 4, GS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết điểm mới của phác đồ điều trị lần này là phân loại mức độ nặng để điều trị.

Cụ thể, các bác sĩ sẽ phân loại bệnh nhân và đánh giá toàn diện mức độ suy tạng liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tắc mạch, thần kinh, thận, gan... cùng những bệnh kèm theo trước khi tổ chức điều trị, thay vì điều trị hàng loạt như trước đây.

Bộ Y tế công bố phác đồ điều trị mới nhất để đối phó với virus SARS-CoV-2 đột biến-1
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.

Hướng dẫn cũng có lưu ý ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus chủng mới có thể tấn công vào tất cả cơ quan nội tạng cơ thể.

Trong đó nổi bật là đường hô hấp, nhiều lúc gặp bệnh cảnh như nhiễm trùng huyết nhưng bệnh cảnh nặng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cơn bão cytokin cũng làm bệnh cảnh nặng lên.

Điểm mới khác là người nghi ngờ mắc COVID-19 sẽ được xét nghiệm ngay để tránh trường hợp bỏ sót thành nguồn lây nhiễm.

Đó là người có các triệu chứng như: Sốt, ho và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính (không lý giải được bằng các nguyên nhân khác, kể cả những trường hợp được xác định , không cần yếu tố dịch tễ (đi từ vùng có dịch, tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca nghi ngờ).

Với trẻ em, phác đồ mới lưu ý các bác sĩ về tình trạng tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaski với các biểu hiện sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, suy tuần hoàn, tổn thương tim, rối loạn đông máu…

Đặc biệt về thuốc điều trị, Chloroquine, Hydroxychloroquine sẽ được ngừng sử dụng hoàn toàn, thay bằng sử dụng thêm huyết tương của người đã khỏi bệnh.

Trong bản hướng dẫn điều trị lần thứ 4 số 3351/QĐ-BYT, Bộ Y tế cũng cập nhật hiệu quả một số thuốc kháng virus như các thuốc Lopinavir, Ritonavir, Interferon sẵn có trong nước, thuốc Remdesivir của Mỹ, thuốc IVIg...

Bộ Y tế sẽ đưa ra khuyến cáo sau khi xem xét kết quả các thử nghiệm lâm sàng của thế giới và Việt Nam.

Bệnh nhân cũng được thay đổi tiêu chuẩn ra viện và công bố khỏi bệnh. Cụ thể, phải lấy 3 mẫu bệnh phẩm, các mẫu lấy cách nhau ít nhất 1 ngày xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp realtime RT-PCR (thay vì 2 lần như trước đó).

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/bo-y-te-cong-bo-phac-do-dieu-tri-moi-nhat-de-doi-pho-voi-virus-sars-cov-2-dot-bien-214498

SARS-CoV-2

Covid-19

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.