Suýt chết vì say sắn

Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhi Khổng Thu Tr. (7 tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) được chuyển tới từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc do bị ngộ độc sắn (còn gọi là say sắn).

 Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhi Khổng Thu Tr. (7 tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) được chuyển tới từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc do bị ngộ độc sắn (còn gọi là say sắn).

Theo gia đình, cháu Tr. đã ăn hai khúc sắn trồng trong vườn khi đói bụng, sắn chưa bóc hết vỏ và chưa được ngâm kỹ. Sau khi ăn cháu bị nôn liên tục, tình trạng lơ mơ, khó thở, tím tái và được gia đình đưa tới bệnh viện huyện. Những người ăn cùng cháu không có biểu hiện gì bất thường.

Tại bệnh viện huyện, các bác sĩ chẩn đoán Tr. bị ngộ độc sắn. Sau 3 giờ cấp cứu, tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhi được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Tại đây, cháu được thở máy rồi chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trước khi ăn nên gọt vỏ, ngâm nước và luộc kỹ để phòng tránh ngộ độc sắn.

Điều trị ở khoa Cấp cứu Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân tiếp tục được thở máy, cho uống than hoạt tính và truyền dịch. Sau 24 giờ, cháu đã tỉnh táo và hồng hào, các chỉ số ôxy trong máu trở về bình thường. Sau ba ngày, bệnh nhi được ra viện trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Trong thành phần của sắn có độc chất cyanid, còn gọi là axit hydrocyanic gây ngạt và thiếu ôxy tế bào cho người ăn phải. Hiện nay tình trạng ngộ độc sắn thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa. Người bị ngộ độc do đã ăn phải sắn rửa và ngâm không kỹ, ăn cả vỏ hoặc luộc còn cả vỏ. Trẻ em và người suy dinh dưỡng bị ngộ độc sẽ nặng hơn người bình thường, đặc biệt là nếu ăn sắn khi đói và ăn nhiều.

Biểu hiện ngộ độc sắn thường xuất hiện vài giờ sau khi ăn. Bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, sôi bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy) và rối loạn thần kinh (váng đầu, nóng bừng mặt, ù tai, chóng mặt, ngứa ngáy, chân tay nặng, người vật vã, run, co giật, có khi tử vong); có trường hợp bị sốt, ho...

Để cấp cứu người say sắn, trước hết cần gây nôn cho nạn nhân, sau đó cho uống nước đường, nước mía và chuyển ngay về khoa chống độc của bệnh viện để tiến hành điều trị.

Có thể phòng tránh ngộ độc sắn bằng cách không ăn sắn khi đói, trước khi ăn nên gọt vỏ, ngâm nước, luộc kỹ và không nên ăn quá nhiều. Tốt nhất là ăn sắn luộc với các loại đường, mật để trung hòa axit độc trong sắn. Không nên ăn sắn luộc vào buổi tối vì nếu bị ngộ độc, nạn nhân đang ngủ sẽ khó phát hiện. Nếu thấy có biểu hiện chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, lơ mơ sau khi ăn thì nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Trước đó, vào ngày 15/10, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Trọng Lực (8 tuổi, ở Vĩnh Phúc) trong tình trạng hôn mê, lạnh toàn thân, co giật, phải thở máy vì suy hô hấp rất nặng nghi do ngộ độc sắn cao sản. Do được xử trí kịp thời nên cháu Lực đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

Theo SKĐS




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.