Thuốc đông y rởm: Tác hại khôn lường…
Thứ hai, 22/10/2012 09:56
Theo nhiều bác sĩ, việc phân biệt thuốc Đông y thật giả là một bài toán khó và những loại thuốc càng đắt, càng dễ làm giả.
Theo nhiều bác sĩ, việc phân biệt thuốc Đông y thật giả là một bài toán khó và những loại thuốc càng đắt, càng dễ làm giả.
Cơ quan chức năng “bó tay”?
Mới đây, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm nghiệm về chất lượng thuốc Đông y ở chính các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Thông tin khiến người dân bị sốc là Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã lấy gần 400 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm và kết quả có tới 60% trong số đó chưa đạt chất lượng, đặc biệt có 20% số thuốc bị trộn cát, xi măng, tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại! Vậy là, chưa kịp “hết sợ” với thuốc cam nhiễm độc chì thì người bệnh lại thêm lo lắng, chẳng rõ những loại thuốc Đông y mà mình và người thân dùng có “may mắn” nằm trong số 40% thuốc đạt tiêu chuẩn kia không?
Tâm lý nhiều người vẫn tin dùng thuốc Đông y vì có nguồn gốc làm từ các loại thảo dược, cây cỏ tự nhiên sẽ ít độc hại, ít tác dụng phụ hơn thuốc Tây y. Thế nên, sau khi Bộ Y tế công bố thông tin, nhiều người khá hoang mang, nhất là thuốc Đông y được kiểm nghiệm lần này lại được bán trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Đáng quan tâm là những vị thuốc bị làm giả rất đa dạng, từ những loại giá thành không cao, trồng ở nhiều nơi như vị thuốc thỏ ty tử là cây tơ hồng, liên nhục là hạt sen… đến nhân sâm, đông trùng hạ thảo.
60% thuốc đông y là rởm
Theo nhiều bác sĩ, việc phân biệt thuốc Đông y thật giả là một bài toán khó và những loại thuốc càng đắt, càng dễ làm giả. Một bác sĩ Đông y cho hay, khi đông trùng hạ thảo “cao giá”, nhiều người đã làm giả đông trùng hạ thảo từ bột ngô, bột mạch, thậm chí cả thạch cao... và chỉ khi sử dụng người ta mới biết được thật hay giả. Chưa kể, nhiều loại thuốc Đông y còn được tẩm hóa chất bảo quản, chống ẩm, mốc như lưu huỳnh, phosphor, chloropicin và để tăng “hiệu quả, tác dụng” cho thuốc, nhiều người kinh doanh còn trộn thêm các loại tân dược. Đáng lo ngại nữa, trước đây, các nhà thuốc Đông y chủ yếu dùng nguyên dược liệu trong nước, chỉ nhập khoảng 20 - 30% nguyên dược liệu từ nước ngoài, nhưng hiện nay, nguyên liệu trong nước khan hiếm nên nhiều nhà thuốc sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc. Cũng theo Bộ Y tế, hàng năm nước ta tiêu thụ khoảng 50.000 tấn dược liệu, nhưng có đến 60-70% là nhập ngoại. Trong đó, 80% là thuốc nhập lậu, trôi nổi, không rõ nguồn gốc!
Tác hại khôn lường…
Nhiều bác sĩ Đông y khẳng định, dùng thuốc Đông y giả không những không chữa khỏi bệnh mà còn có thể thêm bệnh, tiền mất tật mang. Với những loại thuốc được tẩm ướp các chất bảo quản độc hại, hoặc thêm các tạp chất khác để tăng trọng lượng thuốc thì những hậu quả, tác hại nguy hiểm mà nó gây ra cho người sử dụng là khôn lường. Khi hàm lượng hoạt chất thấp thì người bệnh uống thuốc không đủ liều lượng, không khỏi bệnh. Còn dùng phải thuốc giả, thuốc có những độc tố có thể gây nên dị ứng, nhưng dị ứng thuốc Đông y thường diễn ra muộn hơn (sau 10 - 20 ngày) so với thuốc Tây y nên người bệnh khó nhận biết, đồng thời tình trạng người bệnh cũng thường nặng hơn các loại thuốc khác, điều trị khó khăn hơn.
Thuốc đông y thật giả rất khó phân biệt
Theo nhiều chuyên gia y tế, việc phân biệt thuốc Đông y thật - giả không hề đơn giản và ngay cả những thầy thuốc kinh nghiệm vẫn có thể nhầm lẫn. Bởi vậy, hầu hết người dân không thể phân biệt được, thậm chí khi sinh bệnh mới biết mình dùng phải thuốc rởm. Cách đơn giản nhất, theo nhiều lương y, để hạn chế mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng là tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, kiểm tra cẩn thận trước khi mua, cảnh giác với các loại thuốc đã tán thành viên, và tuyệt đối không mua những loại thuốc đã mốc, màu sắc thiếu tự nhiên hoặc có mùi lạ.
Bên cạnh sự quản lý, kiểm soát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng nguyên liệu và thuốc Đông y bị làm giả, kém chất lượng nhiều như hiện nay, còn có nguyên do không nhỏ từ các biện pháp và chế tài xử lý khi vi phạm bị phát hiện quá nhẹ nên cả người buôn bán lẫn người các lương y đều “nhờn”. Thực tế cho thấy gần đây, nhiều vụ cơ quan Quản lý thị trường phát hiện hàng trăm hộp thuốc Đông y bị làm giả, nhưng chỉ xử phạt hành chính với số tiền vài triệu đồng, nên “đâu lại vào đấy”. Chuyện xử lý hình sự với hành vi buôn bán, sản xuất thuốc chữa bệnh là thuốc Đông y giả tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng dường như quá “hiếm hoi”!
Khi “sự cố” thuốc cam nhiễm độc chì xảy ra, TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai từng lên tiếng cần xử lý hình sự đối với các đối tượng buôn bán các loại “thuốc cam” trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây cũng là quan điểm của không ít lương y chân chính, bởi pháp luật buộc những người sản xuất, kinh doanh thuốc Đông y rởm phải biết sản phẩm mình làm ra, hoặc mình buôn bán phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và các thành phần trong thuốc có đảm bảo an toàn cho người sử dụng không. Việc biết hoặc "bỏ qua" không cần biết sản phẩm thuốc mình cung cấp cho người bệnh có tác hại thì hành vi của người bán đều có dấu hiệu cấu thành “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 157 Bộ luật Hình sự. Cụ thể: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Phạm tội trong các trường hợp có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm và hình phạt cao nhất cho tội danh này là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm
Từng có con nhỏ là “nạn nhân” của “thuốc cam gia truyền” phải nằm viện để thải loại độc chì, luật sư Nguyễn Thủy Nguyên (Đoàn Luật sư Hà Nội) bức xúc cho rằng, chính việc “khó” xử lý trách nhiệm hình sự hành vi buôn bán, sản xuất thuốc Đông y giả đã khiến cho tình trạng thuốc giả tràn lan như hiện nay. Các hành vi trộn cát, xi măng, tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại… vào thuốc chữa bệnh để buôn bán kiếm lời phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới khiến những kẻ kinh doanh bất lương “chùn tay”.
Theo luật sư, một trong những điều khiến cơ quan chức năng “vướng” khi qui trách nhiệm hình sự là phát hiện các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả chỉ bị xử lý hình sự khi giá trị hàng giả bị phát hiện tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.
Luật sư Nguyên cho rằng, giới hạn “giá trị hàng giả bị phát hiện tương đương hàng thật 30 triệu đồng” chỉ nên áp dụng với các loại hàng giả thông thường, còn với hàng giả là thuốc chữa bệnh thì nên bỏ qui định này, hoặc chỉ cần tương đương giá trị hàng thật 10 triệu đồng là đủ để xử lý hình sự, vì với 10 triệu đồng tiền thuốc rởm, đã đủ để gây nên những hậu quả khôn lường cho nhiều người bệnh, kể cả tử vong!
Theo Phapluatxahoi.vn
Bình luận