Gã đàn ông uất nghẹn phải "làm vợ" vì thua kém bạn đời về mọi mặt

Hai vợ chồng cùng đi làm về nhưng mặc cho tôi đánh vật với lau nhà, nấu cơm, cô ấy thản nhiên ngồi vắt chân ở phòng khách vừa xem tivi vừa ăn hoa quả.

Hai vợ chồng cùng đi làm về nhưng mặc cho tôi đánh vật với lau nhà, nấu cơm, cô ấy thản nhiên ngồi vắt chân ở phòng khách vừa xem tivi vừa ăn hoa quả.

Thú thực, cho đến bây giờ đã sống với vợ được hơn 10 năm rồi nhưng tôi chưa một ngày nào thấy được yên ổn, chưa một ngày tôi thấy mình được làm chồng một cách đúng nghĩa. Buồn, uất nghẹn nhưng tôi còn ở lại trong cuộc hôn nhân này đơn giản vì không muốn con cái phải chịu cảnh sống chia lìa.

Tôi năm nay 38 còn vợ tôi 32, chúng tôi lấy nhau được hơn 10 năm và có 1 cháu trai, 1 cháu gái. Tôi là trai tỉnh lẻ còn cô ấy là người thành phố nên sau khi kết hôn chúng tôi về ở trong căn nhà mà bố mẹ vợ mua cho.

Nói một cách khách quan, vợ hơn tôi về mọi mặt. Cô ấy nhanh nhẹn, sắc sảo, có học thức và khả năng kiếm tiền cũng tốt hơn hẳn. Dù chúng tôi cùng tốt nghiệp một khóa nhưng vài năm sau khi ra trường, trong khi tôi vẫn còn là nhân viên quèn với mức lương lẹt đẹt vài triệu đồng thì cô ấy đã ngoi lên ghế phó phòng với lương gần 20 triệu/tháng.

Ngày biết tôi và cô ấy yêu nhau ai cũng lạ bởi dường như hai người ở hai thế giới khác hẳn nhau. Nhưng nhìn cô ấy chăm sóc và yêu thương tôi, nghe cô ấy thỏ thẻ rằng chỉ có người mềm tính như tôi mới dung hòa được bản tính nóng như lửa của cô ấy, tôi đã nghĩ cô ấy là một nửa thích hợp của mình.

Tuy nhiên, khi kết hôn và về sống chung nhà rồi tôi mới thấy làm chồng một người cá tính và khắc nghiệt đến quá quắt như cô ấy thật trăm bề tủi nhục. Ngay từ tuần đầu về sống chung, cô ấy đã giao khoán cho tôi toàn bộ việc nhà với lý do cô ấy mới lên chức lên cấp, phải thích nghi với công việc mới đầy khó khăn nên phải dồn sức cho công việc, tôi vui vẻ hàng ngày đi làm về là đi chợ, nấu cơm và làm hết việc nhà cho cô ấy.

Đến năm thứ hai, lấy lý do bầu bí mệt mỏi, cô ấy lại tiếp tục bắt tôi nấu cơm, tôi lại làm. Cứ thế, đến năm thứ 3 thì cô ấy nào lấy lý do phải nuôi con nhỏ, nào lý do sức yếu lại giao phó toàn bộ việc nhà cho tôi.

Và sau đấy thì cô ấy mặc định rõ ràng tôi là người lo nội trợ trong nhà. Theo lý giải của cô ấy, việc nào cũng là việc và đã ở cùng nhà thì không nên phân định. Cô ấy làm tốt hơn việc kiếm tiền thì cô ấy sẽ đi kiếm tiền là chủ đạo, còn tôi kiếm tiền kém thì ngoài đi làm kiêm thêm cả chuyện làm việc nhà. Chẳng nhẽ vợ chồng lại tranh cãi nhau mãi về việc này nên tôi đành chấp nhận cho yên cửa yên nhà.

Và một khi đã phân công việc như vậy là cô ấy khoán trắng luôn việc nhà cho tôi, hai vợ chồng có cùng đi làm về nhưng mặc cho tôi đánh vật với lau nhà, nấu cơm, cô ấy thản nhiên ngồi vắt chân ở phòng khách vừa xem tivi vừa ăn hoa quả. Cô ấy đúng trong tư thế của một ông chồng, còn tôi là bà vợ ở những nhà khác vậy.

hon 10 nam uat nghen vi phai lam no boc cho vo dao de - 1

Hai vợ chồng cùng đi làm về nhưng mặc cho tôi đánh vật với lau nhà, nấu cơm, cô ấy thản nhiên ngồi vắt chân ở phòng khách vừa xem tivi vừa ăn hoa quả. (Ảnh minh họa).

Đã thế cô ấy còn rất khó tính. Hôm nào cơm hơi nhão, canh hơi mặn, nhà cửa bừa bộn là cô ấy lên giọng trách cứ tôi ngay. Rồi bữa cơm thiếu bát nước chấm cô ấy cũng chỉ tay bảo tôi lấy, ngồi ăn bỗng thèm cốc bia cũng chỉ tay sai tôi.

Cô ấy xét nét tôi không khác gì một bà mẹ chồng và hách dịch không khác gì một bà chủ. Sống với cô ấy, tôi thấy mình thực sự như một nô bộc vậy, nhiều lần tôi đã định dứt áo ra đi nhưng rồi thương con tôi lại chần chừ và sống qua ngày đợi cho con cái trưởng thành rồi tính tiếp.

Không những lười làm, khó tính và hách dịch, cô ấy còn vô cùng chặt chẽ, có thể nói là bủn xỉn trong chuyện tiền nong. Ngày trước, khi mới về sống chung, cứ đầu tháng là cô ấy đòi lấy hết lương của tôi với lý do: Nhà một người giữ tiền cho thống nhất.

Tôi nghĩ vậy cũng phải, hàng tháng tôi chỉ giữ lại vài trăm nghìn cho xăng xe, điện thoại. Còn tiền chợ thì lấy từ cô ấy mỗi tuần. Tôi cũng chi tiêu dè sẻn và hợp lý nhưng lúc nào đưa tiền chợ cho tôi, cô ấy cũng kêu ca, phàn nàn tốn kém bằng thái độ rất khó chịu. Tiền thì tiêu cho cả gia đình mà cô ấy cứ làm như thể tôi xin tiền cô ấy không bằng. Nghĩ mà thêm bực.

Tuy nhiên, khoảng một năm gần đây, đột nhiên cô ấy thay đổi cách quản lý tiền. Cô ấy bảo cô ấy sẽ không cầm tiền lương hàng tháng của tôi nữa mà để tự cầm và tự lo chi tiêu. Cô ấy bảo tiền cô ấy sẽ để lo đổi nhà, mua xe làm việc lớn còn tôi phải gánh toàn bộ tiền chợ, sinh hoạt trong nhà.

Mà nhà tôi có tới 4 người, nhà rộng, nhiều phòng, hai con tiền học lại nhiều, trong khi lương của tôi tới giờ chưa đầy 8 triệu, hỏi làm sao có thể đủ được. Cô ấy nói là làm, nhất quyết không đưa cho tôi thêm một đồng nào trong khi cô ấy thừa biết rằng số tiền lương tôi sao đủ cho chi tiêu cả gia đình một tháng.

Thế là, tôi phải xoay sở đủ kiểu, chi tiêu dè xỉn, thậm chí bớt cả tiền điện thoại và có tháng còn phải vay tạm mấy người cùng phòng mới đủ co kéo cho tiền sinh hoạt hàng tháng của gia đình. Mỗi lúc đi vay tiền, phải nói dối rằng cả hai vợ chồng đều mất thẻ ngân hàng không rút được tiền mà tôi thấy uất nghẹn. Nhà đâu đến nỗi nào, có vợ đàng hoàng mà luôn phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, đời sao cơ cực vậy chứ.

Dẫu vậy, vì sĩ diện tôi không hé răng nửa lời kể chuyện nhà mình cho người khác. Tôi cứ nghĩ chỉ mình mới vậy. Ai ngờ mấy ngày nay, đọc chia sẻ về chuyện chi tiêu trong gia đình của nhà khác trong chuyên mục, tôi mới hiểu có nhiều ông chồng cùng cảnh ngộ với tôi.

Tôi không biết các gia đình khác thế nào chứ tôi thì thấy vô cùng mệt mỏi và ngột ngạt trong cuộc sống này. Tôi biết sẽ là không bao giờ có thể cải tạo được vợ tôi, một người cá tính và bảo thủ như cô ấy. Chẳng nhẽ cả đời tôi phải sống như thế này sao?

Xin hãy cho tôi một lời khuyên? Xin cảm ơn mọi người.

Theo Khám phá


kinh tế

tiền bạc

làm vợ

làm mẹ

Vợ Chồng

Hôn Nhân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.