Tôi đã có những trải nghiệm Tết nhàn tênh nhẹ nhõm ở nhà chồng

Nhờ cách chia lịch đó mà 3 năm nay, năm nào tôi cũng được tận hưởng không khí Tết của cả Hà Nội và Sài Gòn.

Nhờ cách chia lịch đó mà 3 năm nay, năm nào tôi cũng được tận hưởng không khí Tết của cả Hà Nội và Sài Gòn.

Dạo gần đây, tôi thấy rất nhiều người kêu ca, than vãn khi Tết đến. Nào là Tết khổ cực chuẩn bị mâm cỗ, lễ nghi cúng kính, mua sắm quà Tết. Rồi có những cặp vợ chồng suýt li hôn chỉ vì tiền dùng Tết hoặc tranh cãi quyết liệt chuyện về nội hay về ngoại ăn Tết. Tôi nghĩ, chuyện gì cũng có cách giải quyết, chỉ cần hai vợ chồng chịu hiểu, chịu thông cảm cho nhau một tí là ấm cửa êm nhà ngay. Chẳng phải vô duyên mà tôi mạnh miệng như vậy đâu, để tôi kể chuyện của tôi cho mọi người nghe.

Tôi vốn là người Sài Gòn chính gốc. Còn chồng tôi là người Hà Nội. Chúng tôi gặp rồi yêu nhau từ năm đầu đại học. Nhưng mãi đến khi ra trường, có việc làm gần 4 năm, chúng tôi vẫn chưa thể tiến đến hôn nhân. Tất cả cũng vì chúng tôi ở quá xa nhau.

Tôi là con gái một của gia đình nên mọi người không muốn tôi làm dâu xa xứ. Tốt nghiệp đại học xong, mẹ còn liên tục gọi điện giục tôi về, nhưng tôi nấn ná và lấy lý do đang có công việc tốt ở Hà Nội. Còn chồng tôi cũng là con trai độc đinh của dòng họ nên càng không thể ở rể trong Sài Gòn được. Đắn đo, chia tay vài lần cuối cùng chúng tôi vẫn nên duyên vợ chồng. Và tôi đi theo anh, chấp nhận làm dâu xa quê, dù ba mẹ tôi buồn hết sức.

Tôi may mắn lấy được chồng và nhà chồng tâm lý nên năm nào cũng đón Tết hai miền. (Ảnh minh họa)

Ngày tôi về làm dâu cũng đã tháng 11. Khi đó, càng cận Tết, tôi càng thấp thỏm không yên vì sợ ba mẹ chồng không cho tôi về quê ăn Tết. Càng lo, tôi càng cáu gắt và mắng cả chồng. Tâm lí này chắc ai lấy chồng xa như tôi sẽ hiểu rất rõ. Cũng may anh thương vợ, hiểu vợ nên không chấp nhặt gì, chỉ bảo tôi khi nào hạ giận rồi nói chuyện.

Chẳng ngờ, giữa tháng 12 âm lịch, mẹ chồng đã gọi vợ chồng tôi xuống rồi bảo hai vợ chồng xin phép cơ quan nghỉ sớm vài ngày để chuẩn bị về Sài Gòn, tới trước ngày Giao thừa thì bay về lại Hà Nội. Nghe mẹ chồng nói, tôi vui đến mức bật khóc. Thế là 20 Tết, chúng tôi tay xách nách mang đủ thứ quà cáp Hà Nội về quê tôi. Khi về đến nhà, gặp được ba mẹ rồi mà tôi vẫn có cảm giác như con gái lấy chồng cả thế kỷ rồi vậy.

Chơi Tết với ba mẹ tới 29 Tết thì chúng tôi về lại Hà Nội để ăn Tết với nhà nội. Trước khi đi, ba mẹ tôi còn mua rất nhiều đặc sản miền Nam gửi tặng ba mẹ chồng ăn Tết. 

Về Hà Nội, ba mẹ chồng đón vợ chồng tôi tận sân bay, trò chuyện rôm rả cả buổi tối hôm đó. Mấy ngày Tết, mẹ chồng cũng chẳng bắt tôi làm gì. Bà chỉ giục tôi đi chơi Tết họ hàng để biết mọi người đón Tết như thế nào, tình cảm người miền Bắc nồng nhiệt ra sao. Mấy năm sống và làm việc ở Hà Nội nhưng chưa khi nào tôi ở lại đón Tết. Vì thế đây cũng được coi là cái Tết đầu tiên của tôi ở miền Bắc. Có thể nói, đó là cái Tết ý nghĩa nhất mà tôi đã trải qua. 

Từ đó đến nay đã 3 năm, tôi cũng có cháu 1 tuổi. Nhưng năm nào tôi cũng mong Tết như trẻ con. Bởi đó là khoảng thời gian tôi được nghỉ ngơi, được thoải mái đi chơi mà không ngại chuyện gì. Năm nào hai vợ chồng cũng được tận hưởng không khí Tết của cả hai miền Nam Bắc. Năm vừa rồi hai vợ chồng ở Hà Nội tới 28 Tết thì bay vào Sài Gòn đón Tết trong đó. Mùng 4 Tết thì trở lại. 

Tôi nghĩ, Tết là những ngày vui, nếu 2 vợ chồng thông cảm cho nhau thì ngày vui đó sẽ càng trọn vẹn và nhân đôi hạnh phúc. Dù ở xa đến mấy, nếu thật sự quan tâm nhau thì vẫn có thể cùng nhau đón Tết ở cả 2 quê. Chẳng qua là chồng có muốn san sẻ cùng vợ không thôi.

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.