Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt

Nô lệ là từ chính xác nhất để mô tả cả cuộc đời bà, người phụ nữ đã sống với gia đình tôi trong vòng 56 năm, nuôi dạy tôi và anh chị em của tôi mà không có bất kỳ một đồng thù lao nào.

Nô lệ là từ chính xác nhất để mô tả cả cuộc đời bà, người phụ nữ đã sống với gia đình tôi trong vòng 56 năm, nuôi dạy tôi và anh chị em của tôi mà không có bất kỳ một đồng thù lao nào.

Con đường 4 làn đã trở thành hai làn, vỉa hè dần thay thế bằng sỏi đá. Những người lái xe ba bánh len lỏi giữa những làn ô tô và những chú trâu đang kéo từng đống tre. Thi thoảng một chú chó hay một bạn dê lại chạy ngơ ngác ngang qua đường trước xe của chúng tôi, khiến cho chiếc xe phải phanh gấp khốn khổ. Doods không chịu đi chậm lại. Đấy là luật của đường quê.

Tôi lôi bản đồ ra để tìm đường đi tới làng Mayantoc, đích đến của chúng tôi. Người dân đang gặt lúa, như họ vẫn làm cả ngàn năm nay. Chúng tôi đang tới rất gần rồi.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 1.

Tôi gõ ngón tay vào chiếc hộp nhựa rẻ tiền và hối hận vì đã không mua một chiếc bình đựng hài cốt tử tế, làm bằng sứ hoặc gỗ mộc. Những người thân của Lola sẽ nghĩ gì? Thực tế tôi biết sẽ chẳng có nhiều người còn lại. Lola chỉ còn lại một người chị em sống ở trong vùng, bà tên là Gregoria, năm nay đã 98 tuổi, và tôi cũng được biết là hiện tại trí nhớ của bà không còn tốt. Họ hàng nói rằng cứ mỗi lần nghe tới tên của Lola, bà sẽ khóc oà lên rồi ngay sau đó lại chẳng nhớ gì cả.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 2.

Ảnh trái: Lola và tác giả năm 2008. Ảnh phải: Tác giả chụp ảnh cùng chị gái của Lola, bà Gregoria.

Tôi đã liên lạc được với một người cháu gái của Lola. Cô ấy đã lên kế hoạch cho cả ngày: Khi tôi tới sẽ là một lễ truy điệu giản dị, sau đó là lễ cầu siêu, và tiếp đó là lễ mai táng tro của Lola xuống một mảnh đất tại Công viên nghĩa trang Vĩnh hằng Mayantoc. 

Đã 5 năm kể từ khi Lola mất, nhưng tôi vẫn chưa thực sự nói lời chào tạm biệt cuối cùng. Tôi cảm thấy vô cùng đau lòng trong cả ngày hôm đó, và cố gắng kìm nén không cho cảm xúc bộc lộ ra ngoài: tôi không muốn Doods nhận thấy điều đó. Không chỉ là nỗi xấu hổ về cách đối xử của gia đình tôi với Lola, nỗi lo lắng về cách mà họ hàng của bà ở Mayantoc sẽ phản ứng với tôi - tôi cảm thấy thực sự nặng trĩu về việc mất bà, như thể bà mới chỉ mất một ngày trước vậy.

Doods hướng về phía Tây Bắc của cao tốc Romulo, rồi rẽ trái vào Camiling, thị trấn nơi mẹ tôi đã sống cùng ông ngoại Tom trước đây. Giờ đây thì hai làn xe chỉ còn lại một, và sỏi đá giờ đã trở thành bùn đất. Con đường chạy dọc theo sông Camiling, hai bên là những rặng tre xanh rờn, và những ngọn đồi nhấp nhô phía trước. Đã tới chặng cuối cùng.

Tôi đã đọc một bài điếu văn trong đám tang của mẹ tôi, và những lời tôi nói đều là sự thật. Rằng bà là một người phụ nữ dũng cảm và mạnh mẽ. Rằng dù bà chỉ có một công việc bình thường, bà đã làm tất cả những gì có thể. Rằng bà thật rạng rỡ khi bà hạnh phúc. Rằng bà đã rất yêu những đứa trẻ của mình, đã cho chúng tôi một ngôi nhà thực sự ở Salem, Oregon, nơi mà trong những năm 80 và 90 thực sự là một tổ ấm chúng tôi chưa bao giờ có trước đó. Rằng tôi ước chúng tôi có thể còn cơ hội cảm ơn bà một lần nữa. Rằng chúng tôi đều rất yêu bà.

Tôi đã không nói về Lola, giống như cái cách mà tôi đã chủ động loại bỏ hình ảnh của Lola ra khỏi tâm trí khi tôi ở bên cạnh bà. Mẹ tôi cần đến biện pháp "phẫu thuật tâm lý" này. Đó là cách duy nhất để chúng tôi duy trì tình cảm mẹ con, đặc biệt là sau khi sức khoẻ của bà bắt đầu giảm sút, vào giữa những năm 90. Tiểu đường. Ung thư vú. Bệnh bạch cầu tuỷ cấp tính, một loại ung thư phát triển nhanh trong máu và tuỷ xương. Vốn là một người khoẻ mạnh, nhưng bà đã bị bệnh tật đánh gục, và trở nên xuống sức chóng vánh.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 3.

Sau cái đêm to tiếng với mẹ, tôi gần như né tránh việc về nhà. Tôi chuyển tới Seattle năm 23 tuổi. Khi trở về nhà, tôi nhận ra những thay đổi. Mẹ vẫn là mẹ, nhưng đã không còn lạnh lùng như trước nữa. Bà đã mua cho Lola một hàm răng giả tử tế, và để cho Lola có phòng ngủ riêng. Bà cũng tỏ ra đồng tình khi chúng tôi tìm cách thay đổi tình trạng cư trú của Lola. Dự thảo luật nhập cư năm 1986 của tổng thống Ronald Reagan đã tạo điều kiện cho hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp được ân xá. Cuối cùng thì sau một thời gian dài, chúng tôi cũng xin được quyền công dân Mỹ cho Lola vào tháng 10 năm 1998, chỉ 4 tháng trước khi mẹ tôi được chuẩn đoán bệnh bạch cầu. Mẹ tôi sống thêm được một năm sau đó thì mất.

Trong suốt quãng thời gian đó, bà và Ivan thi thoảng đi tới thành phố Lincoln ở vùng duyên hải Oregon, và đôi khi còn đưa Lola đi theo. Lola rất thích biển. Có lẽ bà hiểu rằng ở bên kia đại dương là những hòn đảo quê hương nơi bà luôn mơ ước được trở về. Lola vô cùng hạnh phúc khi thấy mẹ tôi ở bên cạnh bà, nhẹ nhõm, vui vẻ. Một buổi chiều bên bờ biển, hoặc chỉ 15 phút ở trong bếp cũng gợi nhớ cho bà tới những ngày xưa cũ ở quê hương, và khi đó, Lola dường như quên hết những năm tháng đằng đẵng sống trong đau khổ.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 4.

Tôi thì không thể quên được mọi chuyện dễ dàng như thế. Nhưng tôi đã nhìn thấy ở mẹ tôi một sự thay đổi - một thứ ánh sáng khác. Trước khi qua đời, bà đưa cho tôi xem những cuốn nhật ký của bà. Tôi khẽ lật từng trang giấy khi mẹ tôi đang nằm ngủ ở gần đó, và nhận ra những lát cắt trong cuộc đời bà mà tôi nhất định không chịu nhìn nhận trong nhiều năm liền. 

Bà đã theo học trường Y, một điều mà không nhiều phụ nữ thời đó làm được. Khi tới Mỹ, bà đã chiến đấu để giành lấy sự công nhận từ xã hội với tư cách một người phụ nữ và một bác sĩ là dân nhập cư. Bà đã làm việc trong vòng 2 thập kỷ tại Trung tâm Đào tạo Fairview ở Salem, một tổ chức liên bang hỗ trợ những người khuyết tật. Nhưng điều buồn cười là bà luôn tự coi thường nghề nghiệp của mình. Những bệnh nhân yêu quý và tôn thờ bà. Bà cũng có những đồng nghiệp nữ thân thiết để làm những việc rất "phụ nữ" cùng nhau: đi mua giày, tổ chức tiệc thử đồ tại nhà nhau, tặng nhau những món quà hài hước như những bánh xà phòng hình… dương vật, hoặc những tờ lịch có hình đàn ông bán khoả thân, rồi cùng cười như nắc nẻ. Nhìn những bức ảnh về những bữa tiệc của bà, tôi nhận ra mẹ cũng có một cuộc sống, một danh tính khác ở bên ngoài xã hội - thứ hoàn toàn tách biệt với cuộc sống gia đình, và với Lola.

Mẹ cũng viết rất chi tiết về từng đứa con trong gia đình, về cách bà cảm nhận về chúng tôi trong mỗi ngày cụ thể: tự hào, yêu thương hay oán giận. Bà cũng dành rất nhiều trang viết về những người chồng, cố gắng lý giải họ như những nhân vật cực kỳ phức tạp trong câu chuyện cuộc đời bà. Chúng tôi đều là những nhân vật chính trong các câu chuyện, còn Lola thì chỉ là nhân vật phụ. Khi bà được nhắc tới, thì thường sẽ là một người lấp ló trong câu chuyện của một ai đó khác: "Sáng nay, Lola đưa con trai yêu quý Alex tới ngôi trường mới. Mình hy vọng thằng bé sẽ nhanh chóng có những người bạn mới, và sẽ không còn cảm thấy buồn về việc lại phải chuyển nhà…" Rồi mẹ sẽ viết thêm khoảng 2 trang nữa chỉ nói về tôi, và không nhắc tới Lola thêm nữa.

Một ngày trước khi mẹ tôi mất, một vị linh mục đã tới nhà tôi để thực hiện những nghi lễ Công giáo cuối cùng. Lola ngồi bên cạnh giường mẹ tôi, cầm một chiếc cốc với một cái ống hút, sẵn sàng đưa cho mẹ tôi uống. Lola tỏ ra cực kỳ ân cần và nhẹ nhàng với mẹ tôi. Lúc đó đáng ra bà có thể lợi dụng sự yếu đuối của mẹ tôi để trả thù và xả cơn tức giận suốt bao nhiêu năm trời, nhưng bà đã không làm vậy.

Vị linh mục hỏi mẹ tôi rằng liệu có điều gì đó bà muốn tha thứ cho người khác, hoặc muốn được người khác tha thứ không. Mẹ tôi ngước nhìn khắp căn phòng với đôi mắt nặng trĩu. Rồi không nhìn vào mắt Lola, bà vươn người, chạm một bàn tay vào đầu Lola, và im lặng.

Lola đã 75 tuổi khi bà chuyển tới sống cùng tôi. Khi đó tôi đã kết hôn, có hai con gái nhỏ, sống ở một ngôi nhà xinh xắn gần một khu rừng. Từ tầng hai của ngôi nhà, chúng tôi có thể nhìn thấy eo biển Puget Sound. Giờ thì Lola đã có một phòng ngủ riêng và quyền được làm bất cứ điều gì bà thích: ngủ nướng, xem TV, thậm chí không làm gì cả ngày. Bà có quyền được nghỉ ngơi, và được Tự Do, lần đầu tiên trong đời. Nhưng đáng ra tôi phải hiểu rằng mọi chuyện không hề đơn giản như vậy.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 5.

Tôi đã quên mất những thứ Lola có thể khiến cho tôi cảm thấy phiền toái (dù chỉ một chút). Bà luôn luôn nhắc nhở tôi phải mặc áo len vào nếu không muốn bị cảm lạnh (lúc đó tôi đã 40 tuổi). Bà liên tục càu nhàu về bố tôi và dượng Ivan: bố tôi là một người chây lười, còn Ivan thực sự là một kẻ ăn bám. Tôi đã phải học cách lờ bà đi.

Nhưng điều tôi thực sự không phớt lờ được tính tiết kiệm khủng khiếp của bà. Bà không bao giờ chịu vứt thứ gì đi, và thường xuyên kiểm tra thùng rác để chắc chắn rằng mọi người trong nhà chúng tôi không vứt đi thứ gì hữu ích. Thậm chí bà còn giặt và sử dụng lại khăn giấy ướt nhiều lần tới mức nó mủn ra (mọi người trong nhà không ai dám tới gần chúng). Căn bếp chật ních với những túi đồ tạp phẩm, hộp đựng sữa chua, lọ muối dưa… nói chung một phần diện tích trong nhà được trưng dụng để tích trữ đồ, và tôi chỉ có một từ duy nhất để miêu tả nó: một đống rác.

Lola vẫn nấu bữa sáng dù hầu như không ai có thể ăn nhiều hơn một quả chuối hoặc một thanh yến mạch trong tình trạng sấp ngửa vội vàng chạy ra khỏi nhà. Bà dọn giường, giặt giũ, lau dọn nhà. Tôi thường xuyên phải nhắc: "Lola, chúng cháu sẽ tự làm mấy việc đó", "Lola, đó là việc của hai đứa nhóc". Ừ được thôi, bà nói, và rồi lại cặm cụi đi làm tất cả mọi thứ.

Rồi tôi lại phát điên lên khi bắt gặp bà ăn khi đang đứng trong bếp, hoặc vội vã lau dọn mỗi khi thấy tôi bước vào phòng. Một ngày nọ sau nhiều tháng trời, tôi nói chuyện với bà.

"Cháu không giống như bố cháu. Bà không phải là người nô lệ ở đây". Tôi nói, và liệt kê hàng loạt những việc bà đã làm giống như một người hầu vậy. Khi thấy mặt bà tỏ vẻ ngạc nhiên, tôi hít một hơi thật sâu, hai tay ôm lấy khuôn mặt nhăn nhúm đang dò xét của bà rồi hôn lên trán bà. "Đây là nhà bà. Bà không ở đây để phục vụ ai cả. Bà có thể nghỉ ngơi mà, bà biết chứ?"

"Ừ được thôi". Bà vui vẻ nói. Rồi ngay sau đó lại cầm chổi lau nhà.

Thực ra Lola không biết phải làm gì khác. Tôi nhận ra tôi chính là người phải nghỉ ngơi và ngưng lo lắng. Nếu bà muốn nấu bữa tối, cứ để bà làm vậy. Sau đó thì cảm ơn bà và dọn rửa chén đĩa. Tôi liên tục phải tự nhắc bản thân: Cứ để cho bà được là chính mình.

Một buổi tối tôi về nhà và thấy Lola đang ngồi chơi giải ô chữ, co chân lên ghế còn TV thì đang bật. Bên cạnh bà có một tách trà. Bà nhìn tôi, mỉm cười bẽn lẽn với hàm răng giả trắng bóng, và tiếp tục chơi ô chữ. Tiến bộ rồi, tôi thầm nghĩ.

Bà đã trồng cả một khu vườn ở sân sau nhà, với hoa hồng, tuy-lip và rất cả những loại phong lan trên đời. Bà thường dành cả buổi chiều chăm sóc chúng. Bà cũng đi bộ loanh quanh hàng xóm. Vào tuổi 80, khớp xương của bà gặp vấn đề và bà phải dùng gậy batoong để chống khi đi lại. Giờ đây, bà không còn là một đầu bếp nhẫn nhục nữa mà bắt đầu nấu như một nghệ sĩ thứ thiệt: bà chỉ nấu khi cảm thấy hứng thú. Bà làm những món ăn trên cả tuyệt vời, và nở nụ cười hiền hậu trên môi khi cả gia đình tán dương chúng.

Khi đi ngang cửa phòng Lola, tôi thường thấy bà đang nghe một băng cassette gồm những bài hát dân gian Philippines. Bà cứ nghe đi nghe lại nó. Vợ chồng tôi trả cho bà một khoản tiền 200$ một tuần, nhưng tôi biết bà đã gửi phần lớn trong số đó về cho họ hàng ở quê nhà. Một buổi chiều, tôi thấy bà đang ngồi ở cửa sau chăm chú ngắm nhìn một tấm ảnh của quê nhà mà ai đó đã gửi cho bà.

"Bà muốn về nhà chứ, Lola?"

Lola lật mặt sau của tấm ảnh, miết những ngón tay lên lời đề tặng, rồi lật lại và ngắm nghía nó từng chi tiết.

"Có", bà đáp.

Sau sinh nhật lần thứ 83 của bà, tôi đã mua vé máy bay cho bà trở về thăm nhà. Tôi tới đón bà một tháng sau đó để đưa bà trở lại Mỹ - nếu bà muốn vậy. Mục đích sâu thẳm của chuyến đi này là để tìm lại liệu bà còn có thể cảm thấy thân thuộc với nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà bà đã dành phần lớn cuộc đời mình trông ngóng, hay không.

Và bà đã tìm thấy câu trả lời của riêng mình.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 6.

"Mọi thứ không còn giống như trước nữa", bà nói với tôi khi chúng tôi đi bộ khắp Mayantoc. Những trang trại cũ đã không còn. Ngôi nhà của bà đã không còn. Bố mẹ và hầu hết anh chị em trong gia đình bà đã qua đời. Những người bạn thời thơ ấu nếu còn sống cũng chỉ giống như những người lạ… Được tìm lại những kỷ niệm xưa cũ là một điều tuyệt vời, nhưng mọi thứ đã không còn giống như trước nữa. Lola cũng muốn dành những năm cuối cùng của bà ở nơi này, nhưng bà nói, mình chưa sẵn sàng.

"Vậy thì hãy quay trở lại khu vườn của bà thôi" - Tôi nói.

"Đúng, hãy về nhà nào!" - Lola phấn khởi.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 7.

Ảnh trái: Lola trở về thăm lại Philippines sau ngày sinh nhật thứ 83. Ảnh phải: Lola đoàn tụ cùng em gái Juliana, sau 65 năm xa cách.

Lola chăm chút cho các con gái của tôi y như đã làm với tôi và các anh chị em khi chúng tôi còn nhỏ. Khi lũ trẻ tan học, bà thường lắng nghe những câu chuyện của chúng và nấu món gì đó cho chúng ăn. Không giống như vợ chồng tôi (nhất là tôi), Lola vô cùng yêu thích tất cả những sự kiện và chương trình biểu diễn ở trường. Bà luôn ngồi hàng ghế đầu tiên, chăm chú quan sát như thể muốn lưu giữ tất cả trong tâm trí.

Làm Lola vui vô cùng dễ. Chúng tôi đưa bà đi nghỉ cùng gia đình, và bà cảm thấy phấn khích khi ghé thăm phiên chợ quê dưới chân ngọn đồi. Lola bỗng biến thành một đứa trẻ, đầy háo hức và say mê trong chuyến dã ngoại: "Nhìn những quả bí ngòi này xem!". Việc đầu tiên bà làm mỗi buổi sáng thức dậy là kéo tất cả những tấm rèm ở trong phòng, và dừng lại ở mỗi cửa sổ để ngắm nhìn một chút.

Bà cũng tự học đọc. Điều đó thực sự kỳ diệu. Sau nhiều năm, bà dần học được cách phát âm các chữ cái đúng chuẩn. Bà chơi những trò ô chữ dạng khoanh tròn một từ nào đó trong một khối đặc toàn các chữ cái. Phòng của bà tràn ngập sách trò chơi ô chữ, với hàng nghìn từ đã được khoanh tròn bằng bút chì. Mỗi ngày bà cũng dành thời gian để xem tin tức và chăm chú lắng nghe những từ bà biết. Bà đối chiếu những từ đó ở trên báo, để tìm ra nghĩa của chúng. Bà đã có thể đọc báo mỗi ngày, lần lượt từ trang đầu tới trang cuối. Bố tôi trước đây thường nói bà là một người đơn giản. Tôi thì lại nghĩ rằng nếu có thể được học đọc và viết thay vì làm ruộng quần quật từ khi 8 tuổi, bà đã có thể trở thành một người giỏi giang như thế nào.

Trong suốt 12 năm sống ở trong nhà tôi, tôi thường hỏi bà về cuộc đời và cố gắng hình dung một câu chuyện về bà - thói quen đó khiến bà khá tò mò. Mỗi lần tôi hỏi điều gì, bà đều đáp "Tại sao?". Tại sao tôi lại muốn biết về tuổi thơ của bà? Tại sao tôi quan tâm tới chuyện bà đã gặp ông ngoại Tom như thế nào?

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 8.
Lola năm 82 tuổi.

Tôi đã nhờ em gái tôi, Ling dò hỏi về chuyện tình cảm của bà vì tôi nghĩ rằng Lola sẽ thoải mái hơn khi chia sẻ với em ấy. Ling cười khúc khích. Một ngày khi Lola và tôi đang dọn dẹp đống đồ tạp phẩm, tôi buột miệng hỏi: "Lola, bà đã từng yêu ai bao giờ chưa?". Bà mỉm người, và kể cho tôi nghe câu chuyện về lần duy nhất mà bà suýt chút nữa đã có một tình yêu. Khi đó bà 15 tuổi, có một anh chàng điển trai làng bên tên là Pedro để ý bà. Trong vài tháng liền họ đã gặt lúa ngay gần nhau. Một lần Lola đánh rơi cái bolo của bà - một cái liềm kiểu Philippines - Pedro ngay lập tức nhặt lên và đưa lại cho bà. "Tôi cũng thích cậu ta" bà thỏ thẻ.

Rồi bà im lặng.

"Và?" - tôi gặng hỏi.

"Sau đó anh ta quay đi" - bà nói.

"Và?"

"Thế thôi"

"Lola, bà đã bao giờ quan hệ với ai chưa?"

"Chưa".

Lola không quen với việc bị hỏi những câu hỏi riêng tư. "Katulong lang ako" - bà nói - "Tôi chỉ là một người hầu". Bà chỉ trả lời tôi theo kiểu nhát gừng, và một câu chuyện đơn giản nhất thôi cũng biến thành một cuộc đánh đố gồm khoảng 20 câu hỏi, kéo dài trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

Một trong số những câu chuyện đó, là việc tôi hiểu rằng dẫu rất tức giận với việc mẹ tôi luôn cư xử tệ, nhưng Lola không bao giờ thôi nhớ về mẹ tôi. Thi thoảng hồi còn trẻ, Lola cảm thấy cô đơn tới mức chỉ biết khóc. Tôi hiểu bà đã trải qua những năm tháng mơ ước có được một người đàn ông ở bên mình. Tôi đã nhìn thấy điều đó trong cái cách mà bà cuộn tròn người bên một chiếc gối to vào buổi đêm. Nhưng khi đã già, bà nói với tôi rằng bà nghĩ việc sống một mình không có gì là quá tệ sau khi đã gặp những người chồng của mẹ tôi. Bà không muốn nhớ về hai người đàn ông đó chút nào. Cuộc đời bà có thể sẽ hạnh phúc hơn nếu bà sống ở Mayantoc, cưới chồng, sinh con và có một gia đình giống như những anh chị em của mình. Nhưng rất có thể, nó sẽ còn tệ hơn. Hai em gái của bà là Francisca và Zepriana cũng đã ốm và qua đời. Một người anh trai tên Claudio thì bị giết chết.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 9.

Nhưng việc tự hỏi tất cả những điều đó thì có ý nghĩa gì vào lúc này? Bà hỏi tôi. Nguyên tắc sống của bà là Bahala na - Chuyện gì phải đến sẽ đến. Điều đã đến trong cuộc đời bà cũng là một gia đình nhưng theo kiểu khác. Trong gia đình đó, bà có 8 đứa trẻ: mẹ tôi, 4 anh chị em của tôi, tôi, và giờ là hai con gái của tôi. Tám người chúng tôi khiến cho cuộc đời bà trở nên đáng sống.

Chúng tôi không hề sẵn sàng cho cái chết bất ngờ của Lola.

Bà bị đau tim khi đang ở trong bếp nấu bữa tối, lúc đó tôi đang chạy ra ngoài làm mấy việc lặt vặt. Khi tôi trở lại thì bà đã đang ở giữa cơn đau. Vài tiếng sau đó ở trong bệnh viện, bà đã qua đời trước khi tôi kịp hiểu có chuyện gì xảy ra. Đó là 10h56 phút tối. Tất cả chúng tôi không tài nào hiểu nổi tại sao bà lại qua đời vào đúng ngày 7/11, ngày mất của mẹ tôi.

12 năm trôi qua chóng vánh. Lola thọ 86 tuổi. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của bà nằm trên cáng. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của những bác sĩ đêm đó đứng xung quanh một bà lão có nước da nâu, dáng hình nhỏ bé chỉ như một đứa trẻ - họ chắc chắn sẽ không thể hình dung nổi bà đã sống một cuộc đời đầy biến động như thế nào. Khác với tất cả mọi người, bà không có bất kỳ một khao khát cá nhân nào. Chúng tôi trân quý tấm lòng sẵn lòng hi sinh mọi thứ cho người khác, tình yêu thương và lòng trung thành vô hạn của bà. Bà đã trở thành một biểu tượng được tôn kính trong gia đình nhỏ của tôi.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 10.

Tôi mất tới vài tháng trời để kiểm tra hết những chiếc hộp của bà ở gác xép. Tôi đã tìm thấy những công thức nấu ăn bà cắt ra từ những tạp chí từ thập niên 70, khi bà bắt đầu học đọc. Những cuốn album có ảnh của mẹ tôi. Những giải thưởng của tôi và các anh chị em đã giành được khi ở trường học mà chúng tôi đã vứt đi hầu hết, nhưng được bà "cứu" lại. Một đêm tôi đã không thể ngừng nghẹn ngào khi tìm thấy một xấp giấy các bài báo cũ đã úa vàng do tôi viết và đã lãng quên từ lâu dưới đáy một chiếc hộp của bà. Khi đó bà không biết đọc, nhưng bà đã giữ chúng.

***

Chiếc xe tải của Doods dừng lại trước một ngôi nhà bê tông nhỏ ở giữa một khu nhà toàn bằng tre và gỗ. Xung quanh nơi này là những cánh đồng lúa xanh bát ngát bất tận mãi tới chân trời. Tôi chưa kịp ra khỏi xe thì mọi người đã bắt đầu kéo tới.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P2): Bị ngược đãi thậm tệ và hành trình trở về quê khi chỉ còn là bộ tro cốt - Ảnh 11.

Ngôi nhà thời thơ ấu của Lola

Doods hạ ghế xe xuống để tranh thủ ngủ một giấc. Tôi đeo túi lên vai, hít một hơi thật sâu, và mở cửa xe.

"Lối này". Một giọng nhỏ nhẹ cất lên, và tôi đi theo trên một con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà bê tông. Theo sau tôi là một đoàn khoảng 20 người già trẻ lớn bé, nhưng đa phần là những người già. Khi đã vào bên trong, tất cả bọn họ ngồi xuống ghế, trên trường kỷ và ngồi bệt dọc theo bức tường, để lại khoảng trống chính giữa căn nhà cho tôi. Tôi vẫn đứng, chờ đợi chủ nhà ra đón. Nó là một căn phòng nhỏ và tối. Mọi người liếc nhìn tôi như thể đang kỳ vọng điều gì đó.

"Lola đâu?" Có tiếng nói cất lên từ căn phòng bên cạnh. Trong khoảnh khắc tiếp theo, một người phụ nữ trung niên vận đồ ở nhà bước ra chậm rãi với một nụ cười. Đó là Ebia, cháu gái của Lola. Đây là nhà cô ấy. Cô ôm tôi một cái thật chặt, rồi lặp lại "Lola đâu?".

Tôi mở khoá chiếc túi, và đưa nó cho cô. Cô nhìn tôi, vẫn mỉm cười, dịu dàng ôm lấy chiếc túi, tiến lại chiếc ghế dài và ngồi xuống. Cô thò tay vào trong túi, lấy ra chiếc hộp và nhìn vào nó từ mọi phía. "Lola đâu?" - cô nói rất nhỏ. Ở đây, người dân không có thói quen hỏa táng người thân của họ. Tôi không nghĩ cô ấy biết mình cần phải trông chờ điều gì. Cô để chiếc hộp lên đùi, gục đầu lên nó. Ban đầu tôi thậm chí còn nghĩ cô đang cười, nhưng nhanh chóng nhận ra đó là tiếng gào khóc thảm thiết. Vai cô rung lên, rồi cô than khóc đầy đau đớn, như tiếng khóc mà tôi đã từng nghe từ Lola trước đây.

Tôi đã không mang tro của Lola tới đây sớm hơn, một phần vì tôi không dám chắc rằng liệu có ai ở đây còn quan tâm tới bà hay không. Tôi không hề nghĩ mọi người ở đây lại đau xót nhiều đến vậy. Trước khi tôi kịp tiến tới an ủi Ebia, một người phụ nữ đã bước ra từ bếp và vòng cánh tay ôm lấy cô, rồi cô lại than khóc một lần nữa. Lúc này cả căn phòng tràn ngập tiếng khóc. Những người già, người thì bị mù, một vài người khác thì đã rụng răng, cũng cùng than khóc và không thể dừng lại được. Cảnh tượng ấy diễn ra trong khoảng 10 phút. Tôi đã xúc động đến nỗi không biết rằng nước mắt đã chảy dài trên má tự khi nào. Những tiếng nức nở nhỏ dần, rồi không gian lại chìm vào tĩnh lặng. Ebia sụt sịt, và nói đã đến giờ ăn rồi. Mọi người di chuyển vào bếp, mắt sưng húp, nhưng bắt đầu rôm rả trò chuyện.

Tôi ngoái nhìn chiếc túi trống rỗng nằm ở trên ghế dài. Tôi biết mình đã đúng khi đưa Lola trở lại, về với mảnh đất nơi bà đã sinh ra.

Theo Trí Thức Trẻ


người giúp việc

nô lệ

câu chuyện cuộc sống


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.