Góa phụ xóa bỏ hủ tục

Đối với đa số phụ nữ tại Cameroon, khi người chồng qua đời cũng đồng nghĩa với việc những gì tốt đẹp nhất không còn tồn tại. Họ phải chịu sự kỳ thị, đau khổ, thiếu thốn, bị lạm dụng. Tuy nhiên, chính những góa phụ này đã đứng dậy, chung tay xóa bỏ hủ tục đã tồn tại hơn 500 năm qua.

Đối với đa số phụ nữ tại Cameroon, khi người chồng qua đời cũng đồng nghĩa với việc những gì tốt đẹp nhất không còn tồn tại. Họ phải chịu sự kỳ thị, đau khổ, thiếu thốn, bị lạm dụng. Tuy nhiên, chính những góa phụ này đã đứng dậy, chung tay xóa bỏ hủ tục đã tồn tại hơn 500 năm qua.

Đôi mắt Hajaratou Chanteh đẫm nước và giọng nói vẫn còn run khi cô kể lại chuyện tranh đấu với gia đình người chồng đã quá cố của mình. Sau khi chồng cô qua đời cách đây 16 năm, gia đình nhà chồng đã lấy tất cả tài sản và đuổi cô ra khỏi căn nhà mà gia đình cô sinh sống. Kể từ đó, cô cố gắng đấu tranh để giành lại quyền thừa kế hợp pháp của mình trong khi vẫn gánh vác trách nhiệm nuôi con bằng số tiền ít ỏi mà cô kiếm được từ việc cày thuê cuốc mướn.

“Họ bảo tôi đưa cho họ số tiền ít ỏi mà tôi kiếm được hoặc vay mượn - số tiền mà tôi dùng để nuôi nấng con cái và bản thân. Họ nói rằng đó là “tài sản của gia đình nhà chồng”. Bố tôi đã quá già yếu. Vì vậy tôi chẳng còn ai giúp đỡ” - Hajaratou Chanteh kể lại. Hajaratou sống ở khu  tây bắc Cameroon, và trường hợp của cô là một ví dụ điển hình về thân phận phụ nữ có chồng qua đời. Những góa phụ ở Camroon thường xuyên phải chống chọi với tình trạng lạm dụng, ngược đãi và hầu như không có được bất cứ sự trợ giúp nào. 



Phụ nữ ở Cameroon giờ đây đã được sống cuộc sống của chính mình

Chiến đấu với hủ tục 

Nhưng mọi chuyện giờ đây đang thay đổi, chủ yếu là do các sáng kiến của tổ chức từ thiện phát triển quốc tế VSO và tổ chức từ thiện của Hiệp hội sinh viên Hồi giáo Bamenda (Musab). Dự án hỗ trợ các góa phụ là một phần của chương trình phòng chống HIV/AIDS chống kỳ thị và phân biệt đối xử từ giai đoạn nửa cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Ông Sundze Mamah Natari, thường gọi là Mallam, Chủ tịch Musab cho biết hai vấn đề xã hội này có liên quan đến nhau bởi khi người chồng hay người cha qua đời vì căn bệnh thế kỷ, vợ góa con côi của họ sẽ phải đối mặt với cuộc sống khó khăn.

Dự án hoạt động trong 3 giai đoạn và tiến hành các chương trình tư vấn rộng rãi cho người dân, trước khi  tiến tới xây dựng một thỏa thuận ràng buộc công nhận quyền lợi của các góa phụ với sự bảo trợ của các thủ lĩnh bộ tộc trong vùng. Fuekemshi II, tù trưởng của Babal, khu vực bán tự trị ở khu vực tây bắc Cameron là người đầu tiên ký thỏa thuận bảo vệ các góa phụ trong vùng từ tháng 5-2008 và hỗ trợ Dự án Phúc lợi cho phụ nữ góa bụa trong khu vực. “Những gì chúng tôi đang làm là cố gắng thoát ra khỏi hủ tục. Đây là hủ tục mà chúng ta cần phải loại bỏ, và ở ngôi làng này, mọi thứ đang thay đổi rất nhanh”.

Thay đổi nhận thức

Tại Babal, tư vấn viên Chayi Ncheckwe cũng là Chủ tịch của Hội đồng truyền thống của phụ nữ ở đây. Cô xem dự án này như một cơ hội để thay đổi nhận thức con người. “Chúng tôi nhắc nhở các gia đình rằng họ đang đối xử bất công với các góa phụ và trẻ em của mình, những người phải được chăm sóc tử tế“, cô nói. “Chúng tôi làm cho gia đình của người chồng hiểu rằng bà góa có quyền. Nếu họ không hiểu, chúng tôi đưa họ đến gặp tù trưởng“ - Chayi nói và thêm rằng lời nói của những người có uy tín trong cộng đồng sẽ khiến  gia đình chồng các góa phụ thay đổi thái độ.

Lydia Swiri Ndikum, một góa phụ hiện là một trong 26 tư vấn viên tại Chomba. Sau khi chồng bà qua đời, người ta đã cạo trọc đầu bà - người ra tay là một phụ nữ có tuổi sắp bị lòa và đã gây ra vết thương trên đầu bà. Sau đó bà phải ngủ trên sàn nhà trong ba tháng. “Tôi không thể đi ra ngoài. Và giờ đây tôi không muốn bất kỳ người phụ nữ khác bị đối xử như vậy. Tôi muốn điều này kết thúc đối với những phụ nữ góa. Nên để họ được tự do sống cuộc sống của họ” - Lydia nói.

Tất cả những tư vấn viên say mê công việc của họ, không chỉ phụ nữ mà còn có cả nam giới. Ayaba Joseph Nji là một cảnh sát và Godlove Sama một nhân viên ngân hàng đều đã nghỉ hưu, cả hai cùng làm việc trong Chomba, làm điều mà họ cho là rất quan trọng đối với cộng đồng. “Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề,” Nji nói - “Họ hắt hủi những góa phụ yếu đuối và đi chân đất. Một số người còn  không được mặc quần áo và phải ngồi ăn riêng”.

Vấn đề lớn nhất đối với phụ nữ góa bụa là sau khi tài sản bị tịch thu, cuộc sống của họ trở nên hết sức khó khăn. Chị Alima, một phụ nữ góa tại Forma nói: “Khi chúng tôi có các máy mài, chúng tôi sẽ làm tốt hơn.” Giải pháp hiện nay của các nhóm tình nguyện viên là quyên góp tiền cho các trường hợp khó khăn nhất.
Từ 2005 Liên hợp quốc đã lấy ngày 23-6 làm Ngày Quốc tế người góa bụa để ghi nhận cuộc đấu tranh chống lại sự kỳ thị xã hội và thiếu thốn kinh tế mà nhiều người nghèo nhất trong số khoảng 245 triệu góa phụ trên toàn thế giới phải đối mặt. 

Trở lại Babal, Mallam đang chăm sóc cây xoan non được trồng để kỷ niệm Ngày Quốc tế người góa bụa Liên hợp quốc. Cây sẽ lớn lên che nắng cho dân làng, và cũng là địa điểm gặp gỡ của các góa phụ. Rashidatou, một góa phụ nhút nhát gần đây tái hôn với một người đàn ông mà cô tự lựa chọn, cho biết cô đang mang thai đứa con thứ sáu của mình và là đứa con đầu tiên với người chồng mới. Cô nói với giọng nhỏ nhẹ: “Tôi đang rất, rất hạnh phúc”.

Theo An Ninh Thủ Đô


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.