Lý Liên Kiệt cất tiếng khóc chào đời vào ngày 26/4/1963 tại Bắc Kinh trong một gia đình toàn các chị gái. Là con trai út trong nhà nên Lý rất được cưng chiều.
Trong ký ức của Lý Liên Kiệt, tuổi thơ của ông là chuỗi những ngày tháng khốn khó và thiếu thốn tình cảm.
“Gia đình tôi rất nghèo. Khi tôi vừa 2 tuổi, cha tôi đã qua đời. Ông chết vì lao động nặng nhọc. Chính phủ trợ cấp cho gia đình tôi 10 tệ/ tháng/ mỗi đứa con. Một mình mẹ nuôi anh chị em tôi khôn lớn, cho nên, từ bé tôi đã biết phải lao động thế nào, kiếm tiền ra sao vì tôi rất muốn giúp mẹ”.
Ngày nhỏ, Lý Liên Kiệt là một học sinh được nhiều thầy cô giáo quý mến, nhiều người nói rằng, có thể vì Lý Liên Kiệt quá ngoan và biết nghe lời. Cậu được thầy chọn làm lớp trưởng thể dục, nhiệm vụ của cậu là phải dẫn toàn bộ các học sinh từ khối 1 tới khối 6 tới sân học thể dục mỗi khi có tiết học môn này.
Cậu bé ham vận động Lý Liên Kiệt học rất kém môn nhạc do ngũ âm của cậu có vấn đề, tuy nhiên, cậu được giáo viên cưng chiều tới mức, mỗi giờ kiểm tra, nghe tới tên mình, Lý Liên Kiệt đứng lên thì giáo viên nhạc lại nói: “Lý Liên Kiệt à, hôm nay cổ họng em không được tốt phải không, em không phải thi nữa, ngồi xuống đi, 100 điểm”.
Được cưng chiều ở lớp học văn hoá nhưng Lý Liên Kiệt chịu sự dạy dỗ rất nghiêm khắc ở trường đào tạo võ thuật Thập Sát Hải của võ sư Ngô Bân.
Theo đó, con đường đến với võ thuật của Lý Liên Kiệt lại rất tình cờ. Trong tháng nghỉ hè, vì không muốn học sinh lêu lổng, nhà trường đã gửi tất cả vào trường Thể dục thể thao Bắc Kinh. Lý Liên Kiệt bị thầy giáo bắt học học wushu dù cậu chẳng biết đó là cái gì.
Chẳng ai ngờ, từ mối lương duyên tình cờ này, về sau kungfu gắn bó với Lý như một định mệnh. Tuy nhiên, quá trình luyện tập ở đây rất khắc khổ khiến anh nhiều lần muốn từ bỏ, ngoài ra mẹ Lý Liên Kiệt cũng không muốn anh đi theo con đường này vì nhà quá nghèo.
Võ sư Ngô Bân kể lại, một lần lên lớp, ông phát hiện võ sinh vừa nhập môn Lý Liên Kiệt vắng mặt, không biết bị đau ốm hay vì lý do gì nên đã tranh thủ thời gian nghỉ để tới nhà tìm hiểu nguyên do.
Tới đó mới biết, mẹ của Lý Liên Kiệt sợ con trai mải mê với võ thuật mà quên việc học văn hoá, bà muốn cho con ra khỏi trường võ thuật. Vì nhà đông con, chồng lại mất sớm nên bà muốn đứa con trai út học hành đàng hoàng để sau này tìm được một công việc ổn định và kiếm tiền nuôi gia đình.
Võ sư Ngô Bân phải nhiều lần tới nhà để thuyết phục, bà Lý mới đồng ý để con trai tiếp tục theo ông học võ, Ngô Bân nói với bà Lý rằng con trai bà là “hạt giống tốt nhất định không thể bỏ phí”.
Theo đó, trong 1.000 võ sinh theo học wushu, chỉ có 20 người là vượt được qua thử thách và được mời đến luyện võ mỗi chiều sau giờ học. Điều đáng tự hào là Lý Liên Kiệt là người nhỏ tuổi nhất theo học lớp này.
Kể từ đó, Lý phải sinh hoạt theo một thời gian cực kỳ khắc nghiệt. Mùa đông đến, bạn bè được nằm trong chăn ấm nệm êm, Lý vẫn phải luyện tập ngoài trời trong cái rét cắt da cắt thịt của Bắc Kinh. Bàn tay của cậu thường xuyên bị cóng và trầy xước. Nhưng nếu đấm không đủ mạnh để phát ra tiếng vút vút, cậu sẽ bị mắng té tát. Còn nếu phát ra được tiếng động thì cả cơ thể đau đớn đến tột cùng. Đã có lúc, Lý Liên Kiệt cảm thấy nản chí về con đường mà mình đã chọn.
Không phụ lòng trông đợi của sư phụ, chỉ một năm sau khi bái sư, cậu bé 9 tuổi Lý Liên Kiệt đã bất ngờ giành giải quán quân trong cuộc thi võ thuật toàn quốc, đồng thời được lựa chọn biểu diễn một tiết mục võ thuật khai mạc một giải đấu thể thao xuyên lục địa Á – Phi – Mỹ La Tinh.
Kể từ sau lần vô địch đầu tiên, Lý Liên Kiệt được triệu tập vào Học viện thể thao Bắc Kinh và chuyển hẳn sang luyện tập võ thuật. Một ngày 8 tiếng, một tuần 6 buổi, cậu bé chỉ được về nhà vào tối thứ 7 và quay lại trường vào tối chủ nhật. Điều duy nhất mà Lý có thể diễn tả về việc tập luyện của anh là “cay đắng”, gần như quá sức chịu đựng của con người. Ngay cả khi gặp tai nạn cũng không được phép nghỉ tập.
Lý Liên Kiệt kể lại: “Đừng dại dột mà than phiền về chấn thương của mình. Bởi như thế, HLV sẽ bắt người đó phải tập một khối lượng bài tập mới khắc nghiệt hơn để anh ta không bao giờ dám mở mồm nữa. Chẳng hạn, có học sinh bảo với thầy giáo rằng cậu ta bị đau tay. Thầy giáo liền đáp: ‘Hừm, cậu được đấy. Cậu không nên tập tay quá sức. Thế thì sao lại không tập chân nhỉ?’. Thế là ngay lập tức học sinh này phải thi triển 2.000 cú đá hoặc 5.000 thế tấn”.
Các học sinh vì thế thường phải bấm bụng chịu đựng, không dám hé răng một lời nào. Một hôm, sau khi về thăm nhà, Lý trở lại trường với đôi chân tập tễnh. HLV bắt cậu tập bài tập ở phần cơ thể phía trên. Bỗng một giáo viên khác đến thăm lớp và bảo với HLV: “Có lẽ anh nên đứa cậu bé này vào bệnh viện. Có vẻ chấn thương rất nghiêm trọng”.
Kết quả chụp X quang cho thấy Lý đã bị gãy xương. Thế mà cậu đã phải tập luyện với chiếc chân gãy hai ngày trời vì không dám nói chuyện với ai. Đó là chấn thương nghiêm trọng đầu tiên của cậu.
Thế nhưng, bù lại chuỗi ngày gian khổ đó, cậu bé đã liên tiếp giật thêm 4 chức vô địch biểu diễn Giải võ thuật toàn năng và trở thành hiện tượng hiếm có của nền thể thao Trung Quốc thời điểm đó.
Tới năm 1974, dù bị sốt tới 39 độ, Lý Liên Kiệt vẫn cố gắng thi đấu giải võ thuật dành cho thiếu niên toàn quốc và xuất sắc đoạt liền 3 HCV tại Giải vô địch võ thuật toàn quốc cho lứa tuổi thiếu niên.
Tạp chí Võ lâm khi đó đã nhận xét, động tác võ của Lý Liên Kiệt đặc biệt ở chỗ: “Tốc độ nhanh, động tác chuẩn, lực đánh mạnh, cú đá đẹp, tiết tấu rõ ràng, thần thái đẹp mắt”.
Năm 12 tuổi, Lý Liên Kiệt tiếp tục giật giải quán quân toàn năng tại đại hội thể thao toàn quốc. Năm 1979, cậu khiến nhiều người kinh ngạc khi giành 5 huy chương vàng với đôi chân bị trật khớp.
Sự nghiệp hơn 20 năm đã biến Lý Liên Kiệt trở thành một ngôi sao võ thuật, ngôi sao điện ảnh, không chỉ của Trung Quốc mà còn vươn ra thế giới. Tuy nhiên, nam diễn viên khiêm tốn thổ lộ:
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là siêu sao. Lúc nhỏ nhà tôi rất nghèo, điện ảnh đã mang tới cho tôi cuộc sống sung túc. Tôi từ nhỏ đã khổ cực, mục đích sống của tôi chỉ là thoát khỏi khổ cực, chứ danh tiếng thì không đem lại hương vị gì”.
Được biết, trong 2 năm trở lại đây, Lý Liên Kiệt phải tạm dừng sự nghiệp vì phải đối mặt với căn bệnh cường tuyến giáp. Sức khoẻ nam diễn viên đã giảm sút nghiêm trọng, nam diễn viên có thể không thể nhận vai diễn vì bệnh tật bắt buộc anh không được vận động mạnh.
“Tôi không phải Hoắc Nguyên Giáp, không phải Hoàng Phi Hồng, càng không phải anh hùng, tôi cũng như các bạn, chỉ là một người bình thường, cũng phải đối mặt với nỗi lo rằng một ngày nào đó không thể tiếp tục công việc được nữa” – nam diễn viên 53 tuổi chia sẻ trong một buổi gặp gỡ báo chí gần đây.
Theo Thanh Phong
Daikynguyenvn.com