Theo các chuyên gia, cỗ máy này ra đời trong thời gian cách mạng Pháp nổ ra. Đích thân Hitler ra lệnh sử dụng nó để hành quyết những người phản bội và kẻ thù. Một trong những nạn nhân của chiếc máy chém là nữ anh hùng Sophie Scholl, 21 tuổi, cùng anh trai và những thành viên khác của nhóm kháng chiến Hoa hồng trắng.
Chiếc máy chém nằm hàng chục năm bên dưới tầng hầm viện bảo tàng Quốc gia Bavarian. Ảnh: EPA. |
Các tài liệu ghi chép rằng, Sophie và anh trai, Hans bị hành quyết ngày 22/2/1943. Bốn ngày trước đó, họ bị bắt khi đang phát tờ rơi chống chiến tranh tại đại học Ludwig Maximilian, thành phố Munich, Đức. Nội dung những tờ rơi này đề cập tới tội ác kinh hoàng của Đức Quốc xã tại Nga và sự thất bại của quân đội phát xít ở Stalingrad những tháng trước đó.
“Tòa án Nhân dân” của Đức Quốc xã tuyên án tử hình anh em Sophie vì phản quốc. Chúng dùng chiếc máy chém hành quyết anh em cô gái trẻ tuổi trong ngày 22/2 tại nhà tù Stadelheim, sau khi Sophie từ chối lời đề nghị đổ tội cho anh trai và những người cùng chung chí hướng để thoát án tử. Ba thành viên khác của nhóm Hoa hồng trắng cũng chịu chung số phận như anh em nhà Scholl.
Bảo tàng Quốc gia Bavarian, nơi cất giữ chiếc máy chém suốt nhiều thập niên qua, khẳng định đây là cỗ máy mà phát xít Đức sử dụng để hành quyết anh em Sophie và những người khác. Tuy nhiên, người ta cất nó dưới tầng hầm bảo tàng do nó quá “rùng rợn”.
Hiện tại, người ta đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc trưng bày cỗ máy giết người của Đức Quốc xã. Ông Hildegard Kronawitter, chủ tịch Quỹ Hoa hồng trắng, tin rằng trưng bày chiếc máy chém là hành động tôn vinh ý chí kiên cường của những thanh niên trong nhóm kháng chiến Hoa hồng trắng. “Bạn không thể cất giấu một bằng chứng lịch sử và coi nó không hề tồn tại”, ông Kronawitter nói.
Các thành viên của nhóm kháng
chiến Hoa hồng trắng. Những người trong ảnh (từ trái sang phải) gồm
Hans Scholl, Sophie Scholl và Christoph Probst. Ảnh tư liệu.
|
Tuy nhiên, ông Franz Josef Mueller, 89 tuổi, thành viên cuối cùng còn sống của nhóm Hoa hồng trắng, cho rằng: “Bảo tàng không nên trưng bày chiếc máy chém trước công chúng. Tôi chẳng thấy thứ gì đáng xem ở cỗ máy gây ra cái chết thê thảm của họ. Ký ức về Sophie và Hans vẫn ở sâu trong tâm trí tôi. Tôi vẫn nhớ về họ hàng ngày”.
Trên thực tế, cỗ máy vừa phát hiện ở bảo tàng Quốc gia Bavarian, thành phố Munich không phải máy chém duy nhất ra đời dưới thời Đức Quốc xã. Sau khi lên nắm quyền, Hitler đã ra lệnh chế tạo 20 chiếc máy chém trên khắp đất nước. Từ năm 1933 đến năm 1944, chính quyền phát xít tuyên án tử hình 13.405 người, thực hiện 11.881 vụ hành quyết. Những tháng đầu năm 1945, Đức Quốc xã tử hình 800 người, bao gồm 400 người công dân Đức.