Filipino Migrant News là tờ báo dành cho người lao động Philippines ở New Zealand. Trong bài viết nhằm hướng dẫn kiều bào quyên góp tiền để giúp người dân ở tổ quốc, tờ báo chỉ nêu tên Hội Chữ thập đỏ và một số tổ chức phi chính phủ khác.
"Tôi sẽ nói thẳng. Chúng tôi muốn mỗi xu đều tới tận tay người nghèo, chứ không rơi vào túi kẻ khác", Mel Fernandez, cố vấn biên tập của tờ báo, giải thích với AP.
Người dân ở thành phố Tacloban, tỉnh Leyte, Philippines xếp hàng để nhận hàng cứu trợ hôm 16/11. Ảnh: Reuters. |
Tham nhũng là một mối lo ngại lớn của dư luận sau mọi thiên tai, khi lượng tiền mặt và hàng hóa có trị giá hàng triệu USD đổ về nước từ khắp thế giới. Nhưng mối lo ngại về tham nhũng trở nên đặc biệt cấp bách ở Philippines, nơi hành vi bớt xén tiền, hàng từ thiện đã trở thành một phần của cuộc sống trong nhiều thập kỷ.
Chính phủ của Tổng thống
Benigno Aquino, người coi chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu,
cam kết rằng họ sẽ duy trì sự minh bạch trong quá trình chi
tiêu cho hoạt động cứu trợ và tái thiết ở những khu vực mà
siêu bão Haiyan tàn phá. Hôm 18/11 họ thông báo rằng họ sẽ lập
một trang web để những người hảo tâm có thể kiểm tra, giám sát
"hành trình" của những đồng tiền mà họ quyên góp.
"Dư luận kêu gọi chúng tôi giám sát dòng lưu chuyển của những
khoản tiền và hàng hóa mà người từ nước ngoài gửi tới
Philippines để hỗ trợ nạn nhân của siêu bão để chúng có thể
tới tận tay của những người thật sự cần chúng", Richard Moya,
một thứ trưởng phụ trách ngân sách của Philippines, xác nhận.
Vào hôm 7/11, một ngày trước khi siêu bão Haiyan tràn vào
Philippines, người dân dán mắt vào màn hình tivi để theo dõi
một buổi thẩm vấn tại thượng viện. Nhân vật chính của buổi
thẩm vấn là thượng nghị sĩ Lim Napoles, người đang đối mặt với
những cáo buộc về việc bà dàn dựng kế hoạch để biển thủ
vài triệu USD từ ngân sách dành cho những dự án giảm nghèo
của chính phủ.
Giới quan sát không thể biết lượng tiền mà các "quan tham" sẽ bớt xén trước khi chuyển chúng tới những nạn nhân của siêu bão. Các nhà hảo tâm nước ngoài yêu cầu chính phủ Philippines thực hiện các biện pháp chống tham nhũng nghiêm khắc trong những dự án mà họ tài trợ, song cũng phải thừa nhận rằng thất thoát quỹ là hiện tượng không thể tránh khỏi.
Một thiếu niên vác thùng hàng cứu trợ của Mỹ về làng của em ở ngoại ô thành phố Tacloban, tỉnh Leyte hôm 19/11. Ảnh: Reuters. |
Phần lớn hàng viện trợ ban đầu là thực phẩm, nước, thuốc men và những nhu yếu phẩm khác. Những cơ hội béo bở hơn đối với các quan tham xuất hiện trong giai đoạn tái thiết vùng thảm họa. Các hợp đồng tái thiết sẽ trở thành miếng mồi ngon của họ.
Nạn tham nhũng đã tiếp tay cho siêu bão ngay từ khi nó chưa đổ bộ vào Philippines. Quan tham bớt tiền xây dựng đường và bệnh viện, nhận tiền lót tay để làm ngơ trước việc người dân xây những ngôi nhà không đạt chuẩn. Vì thế mà khi siêu bão tràn tới, vô số ngôi nhà không đạt chuẩn đã sập, còn bệnh viện không có đủ thuốc men, thiết bị để điều trị nạn nhân siêu bão.
"Hoạt động thanh tra xây dựng nhà không hề diễn ra tại các vùng đô thị, còn người dân không tuân thủ các tiêu chuẩn về xây dựng. Ngay cả những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng không hề xây dựng những ngôi nhà có khả năng chống bão, còn nhà của những người nghèo thì rất yếu", Steven Rood, người đại diện của tổ chức phát triển phi chính phủ The Asia Foundation tại Manila, nhận xét.
Bão Haiyan tàn phá Philippines vào thời điểm một bộ phận dân chúng cảm thấy chính phủ đã bắt đầu trấn áp nạn tham nhũng. Trong báo cáo mới nhất về tình trạng tham nhũng toàn cầu, tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Philippines vào nhóm 11 nước mà trong đó người dân không hề cảm thấy mức độ tham nhũng suy giảm.
Các tổ chức nhân đạo quốc tế cũng tìm ra những cách riêng để hạn chế tham nhũng. Chris Clarke, giám đốc điều hành tổ chức Tầm nhìn Thế giới ở New Zealand, đã đích thân tới những vùng mà siêu bão Haiyan tàn phá ở Philippines. Ông nói Tầm nhìn Thế giới có mạng lưới phân phối hàng do họ tự thiết lập. Ngoài ra tổ chức này trực tiếp nhận tiền từ các nhà hảo tâm và phát những con chip cho nạn nhân của bão để theo dõi tiền và hàng viện trợ mà họ nhận.
Fernandez, cố vấn biên tập của tờ Filipino Migrant News, khẳng định người Philippines ở nước ngoài chỉ nghĩ tới việc quyên tiền cho các tổ chức phi chính phủ. Nhưng ngay cả khi chọn giải pháp ấy, họ vẫn sợ một phần tiền sẽ thất thoát.
"Mọi người tỏ ra hoài nghi tất cả. Bạn có thể thấy tâm trạng nghi ngờ của họ trên các mạng xã hội. Họ đang nói rằng nếu họ quyên tiền, chắc chắn những kẻ xấu sẽ lấy một phần tiền ấy", Fernandez bình luận.