Tổng thống Obama: Ebola là nguy cơ đe dọa toàn cầu
Ngày 16-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama xác định dịch Ebola đang trở thành một nguy cơ đe dọa toàn cầu, cam kết cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn nạn dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này. Mỹ sẽ cử 3.000 nhân viên quân sự tới Tây Phi và thực hiện một chương trình huấn luyện sâu rộng về chăm sóc sức khỏe và vệ sinh ở khu vực trên.
Ngày 16-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama xác định dịch Ebola đang trở thành một nguy cơ đe dọa toàn cầu, cam kết cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn nạn dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này. Mỹ sẽ cử 3.000 nhân viên quân sự tới Tây Phi và thực hiện một chương trình huấn luyện sâu rộng về chăm sóc sức khỏe và vệ sinh ở khu vực trên.
Mỹ cảnh báo dịch bệnh Ebola là nguy cơ đe dọa toàn cầu
Ngày 16-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama xác định dịch Ebola đang trở thành một nguy cơ đe dọa toàn cầu, cam kết cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn nạn dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này.
Phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang (CDC) ở thành phố Atlanta, thủ phủ bang Georgia nói rằng dịch Ebola lan tràn tại khu vực Tây Phi trong những tháng qua không chỉ là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ mà còn là một nguy cơ đe dọa mang tính toàn cầu.
Ông cảnh báo nếu đại dịch Ebola không được cộng đồng quốc tế cùng nhau ngăn chặn ngay lúc này thì hàng trăm nghìn người có thể bị lây nhiễm, gây ra những tác động to lớn về cả kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc gia của tất cả các nước.
Người đứng đầu Nhà Trắng cam kết Mỹ sẽ nỗ lực hết mình nhằm hỗ trợ cho các chính phủ và các hệ thống chăm sóc y tế của các nước Tây Phi, nhất là các nước bị tác động mạnh bởi dịch bệnh chết người này như Liberia, Sierra Leone và Guinea. Hai lĩnh vực chính mà Mỹ sẽ tập trung hỗ trợ các quốc gia Tây Phi là giúp huấn luyện hàng nghìn nhân viên y tế và xây dựng các trung tâm chữa trị.
Ông Obama bày tỏ tin tưởng cộng đồng thế giới có đủ kiến thức khoa học, lực lượng và kinh nghiệm để ngăn chặn và đối phó thành công với căn bệnh chết người này.
Tổng thống Barack Obama đồng thời thông qua một chiến dịch lớn với việc cử 3.000 nhân viên quân sự tới Tây Phi và thực hiện một chương trình huấn luyện sâu rộng về chăm sóc sức khỏe và vệ sinh ở khu vực trên. Ông cũng lên kế hoạch đề nghị Quốc hội thông qua khoản tiền tài trợ 88 triệu USD cho chương trình trên. Tính đến nay, Mỹ đã chi 100 triệu USD cho cuộc chiến chống dịch Ebola.
Tốc độ lây lan của dịch Ebola ở Tây Phi tăng báo động
Tốc độ lây lan của dịch Ebola ở các nước Tây Phi đã tăng gần gấp đôi. Gần 40% các trường hợp lây nhiễm đã được ghi nhận trong 21 ngày qua.
Hiện đã có 2.461 người đã tử vong vì virus này, trong khi 4.985 trường hợp nhiễm trùng đã ghi nhận. Theo hãng tin TASS, tỉ lệ tử vong vì virus Ebola rất cao và có thể lên đến 60-70%. Các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone bị ảnh hưởng bởi virus Ebola trầm trọng nhất.
Trong những khu vực mà căn bệnh do virus Ebola gây ra lan truyền nhanh nhất đang có đến 22,5 triệu người sinh sống.
Dịch bệnh bùng phát hiện nay là “chưa từng có trong lịch sử hiện đại”, trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Ayluord tuyên bố.
Liên Hợp Quốc cần gần 1 tỷ USD để đối phó với dịch bệnh Ebola
Ngày 16-9, Liên Hợp Quốc đã nâng số tiền cần huy động để đối phó với dịch bệnh Ebola lên gần 1 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với mức dự tính đưa ra cách đây chưa đầy một tháng.
Theo dự báo, việc đối phó với dịch bệnh do virus chết người Ebola gây ra sẽ cần tổng cộng khoảng 987,8 triệu USD, trong đó riêng Liberia - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sẽ cần khoảng một nửa khoản tiền trên.
Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh số người tử vong do virus Ebola đã lên đến mức cao nhất từ trước đến nay với 2.461 người thiệt mạng trong tổng số 4.985 trường hợp nhiễm bệnh (theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới - WHO).
Liên Hợp Quốc ước tính từ nay đến cuối năm có thể sẽ có khoảng 20.000 người bị nhiễm bệnh, phần lớn ở ba quốc gia "ổ dịch" là Guinea (chiếm 16%), Sierra Leone (34%) và Liberia (40%). Tuy nhiên, nếu cộng đồng quốc tế và các nước bị ảnh hưởng ứng phó nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả với dịch bệnh này thì có thể sẽ đẩy lùi tốc độ lây nhiễm vào cuối năm và chấm dứt dịch bệnh vào giữa năm sau.
Theo Phương HàANTĐ