Bài học từ U19 Thái Lan

Thay vì tuyển chọn từ các lò đào tạo, LĐBĐ Thái Lan tổ chức thi tuyển, tạo cơ hội cạnh tranh công bằng cho các cầu thủ trẻ muốn được khoác áo U19.

Thay vì tuyển chọn từ các lò đào tạo, LĐBĐ Thái Lan tổ chức thi tuyển, tạo cơ hội cạnh tranh công bằng cho các cầu thủ trẻ muốn được khoác áo U19 tham dự giải U19 Đông Nam Á 2015, giải đấu mà họ vừa đăng quang

Chuyện nghe khó tin nhưng lại là sự thật khi đội tuyển U19 Thái Lan vừa vô địch giải U19 Đông Nam Á 2015 lại được tuyển chọn theo cách rất độc đáo: Thay vì chọn cầu thủ từ các lò đào tạo, người Thái tổ chức hẳn một cuộc thi tuyển để cho bất cứ cầu thủ trẻ nào cũng có cơ hội được khoác áo tuyển U19.

Nếu như ở Việt Nam và một số quốc gia khác, lứa U19 quốc gia thường được các trung tâm bóng đá có uy tín tiến cử lên thì tại Thái Lan, cách chọn quân cho giải U19 Đông Nam Á 2015 lại khá sốc. Ngày 10-7, sau khi được LĐBĐ Thái Lan (FAT) giao chức HLV trưởng, HLV Anuruck Srikerd đã cho đăng thông báo tuyển cầu thủ cho đội tuyển U19. Những cầu thủ trẻ sinh các năm 1997-1998, không phân biệt CLB, giải đấu hay còn đi học đều có quyền ứng thí. Cuộc thi tuyển nhanh chóng được tổ chức sau đó 1 tuần, kéo dài trong 2 ngày tại sân Muangthong Thani của CLB Muangthong United.

 

Các cầu thủ trẻ xếp hàng chờ đăng ký thi vào đội tuyển U19 Thái Lan cách đây 2 tháng Ảnh: THAIFOOTBALL

Các cầu thủ trẻ xếp hàng chờ đăng ký thi vào đội tuyển U19 Thái Lan cách đây 2 tháng Ảnh: THAIFOOTBALL  

Chỉ 3 ngày sau khi cuộc thi được báo chí Thái Lan ví như ngày hội bóng đá trẻ đó, HLV Anuruck Srikerd nhanh chóng công bố 30 cầu thủ vượt qua vòng tuyển chọn và bắt đầu bước vào giai đoạn tập huấn. FAT lập tức cử thêm trợ lý thể lực của tuyển quốc gia là chuyên gia người Đức Hakan Nilsson đến để hỗ trợ công tác chăm sóc thể lực cho U19 Thái. Sau gần 3 tuần tập luyện, HLV Anuruck gút danh sách 23 cầu thủ lên đường sang Lào tranh tài, trong đó có một số cái tên đến từ học đường như thủ môn Taro Prasarnkarn (trường trung học Sriracha) hay tiền vệ Sakdipat Kotchasri (trường Debsirinda).

Trong khi ở Việt Nam, dư luận vẫn mải mê tranh cãi gay gắt về việc lứa U19 có quá ít thời gian để hội quân, dẫn đến việc cầu thủ của 5 lò đào tạo chưa tạo được sự kết dính ở giải, thì người Thái vẫn nhẹ nhàng đăng quang giải U19 khu vực theo cách thuyết phục nhất. Điều khá bất ngờ là 23 cầu thủ trẻ mà HLV Anuruck tuyển chọn đến từ 10 đội bóng, trường học khác nhau nhưng chỉ cần 3 tuần tập luyện, U19 Thái Lan đã thi đấu cực kỳ gắn kết như thể họ đã có nhiều năm chơi bóng cùng nhau. Thậm chí, theo đánh giá của giới chuyên môn, dù còn rất trẻ, chỉ ở độ tuổi 17-18 nhưng cách chơi bóng của lứa U19 này thực sự nhuần nhuyễn, không có sự khác biệt nhiều so với lứa đàn anh ở tuyển quốc gia cũng như đội U23 Thái Lan.

Trong chiến thắng 6-0 dễ như đi dạo của người Thái ở trận chung kết trước U19 Việt Nam, công đầu thuộc về HLV trưởng Anuruck. Tuy nhiên, phải thừa nhận chính việc FAT “bật đèn xanh” cho cách tuyển quân mới lạ của Thái Lan mới xứng đáng được ca ngợi và cho cả Đông Nam Á phải học hỏi.

Bóng đá Việt ngày càng sa lầy

Giống như đội tuyển quốc gia hay U23 Việt Nam, thất bại của U19 Việt Nam trong trận chung kết giải U19 Đông Nam Á 2015 lập tức trở thành đề tài mổ xẻ của đông đảo dư luận. HLV Hoàng Anh Tuấn cho rằng học trò chỉ thua Thái Lan do tâm lý, trong khi giới chuyên môn chỉ trích đội nhà về chiến thuật. Đáng tiếc, không ai lý giải được tại sao bóng đá Việt Nam ngày càng sa lầy?

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, HLV Hoàng Anh Tuấn không sai khi cho rằng thất bại bắt nguồn từ bản lĩnh kém. “Cảm giác sợ khiến họ thường xuyên thua người Thái trong những tình huống một đối một. Trước trận, U19 Việt Nam được đánh giá cao về mặt thể lực. Tuy nhiên, khi không còn duy trì được sự tỉnh táo và bị cuốn vào lối chơi của đối thủ ở hiệp 2, U19 Việt Nam nhanh chóng tỏ ra hụt hơi để rồi phải chịu thua đậm” - ông Vinh phân tích.

Tuy nhiên, chuyên gia Đoàn Minh Xương lại cho rằng từ thất bại của tuyển U19, có thể thấy rõ trách nhiệm lớn của LĐBĐ Việt Nam. “Chúng ta không nên đánh giá thất bại của từng giải U19 Đông Nam Á mà phải tổng kết lại. Năm ngoái, lứa U19 với nòng cốt là cầu thủ của Học viện HAGL - Arsenal - JMG có nền tảng kỹ thuật tốt, tư duy chơi bóng hiện đại, đẹp mắt nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, một phần do hạn chế về thể hình. Lứa U19 của HLV Hoàng Anh Tuấn năm 2015 tập hợp từ nhiều nguồn, có thể hình, thể lực tốt, lối chơi chặt chẽ, thực dụng... nhưng vẫn thất bại. Vậy nguyên nhân thất bại nằm ở đâu? VFF cần tổng kết lại, đưa ra khuyến cáo về công tác đào tạo trẻ cho các CLB... chứ như thế này sẽ còn thua người Thái mãi” - ông Xương nói.

Lại có ý kiến cho rằng do tập trung quá ngắn hạn, thời gian chưa đầy 1 tháng nên U19 Việt Nam chưa tìm được tiếng nói chung trong lối chơi. Tuy nhiên, nếu nhìn sang người Thái, họ chỉ cần 3 tuần tập trung, cách tuyển sinh lại rất công bằng khi tổ chức ra hai ngày hội cho tất cả ứng viên trên cả nước, ai có thực lực sẽ được chọn thì rõ ràng vấn đề thời gian đôi khi không quá quan trọng. Điều này buộc lòng những nhà quản lý bóng đá Việt Nam sẽ phải nhìn lại cách làm bóng đá của chúng ta. Đôi khi tập trung dài hay ngắn hạn cũng không quan trọng bằng tư duy đào tạo, xây dựng lối chơi mang tính hệ thống ngay từ ở các trung tâm đào tạo trẻ.

Cứ mải miết cãi nhau trong khi chẳng tìm ra nổi hướng đi nào khả quan hơn, bóng đá Việt ngày càng sa lầy là điều không tránh khỏi!

Anh Dũng


 Theo Người lao động



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.