'Nữ hoàng đi bộ' và hành trình khổ luyện

Dấn thân vào cái môn vốn được mệnh danh là 'thiên lý độc hành' như đi bộ, Nguyễn Thanh Phúc đã phải chịu biết bao hy sinh.

Dấn thân vào cái môn vốn được mệnh danh là 'thiên lý độc hành' như đi bộ, Nguyễn Thanh Phúc đã phải chịu biết bao hy sinh.

Đến bây giờ, nhắc tới Nguyễn Thị Thanh Phúc, giới chuyên môn và người hâm mộ vẫn còn chưa hết sững sờ vì thành tích giành HC bạc ở nội dung đi bộ 20km tại giải vô địch châu Á hồi tháng 3 vừa qua. Cũng tại giải này một năm trước, Phúc giành tấm HC đồng để tới London bằng cửa chính thức. Sau một năm, cũng ở giải đấu đầy khốc liệt ấy, Phúc đổi màu được tấm huy chương, giúp cô giành một suất tham dự Giải vô địch thế giới 2013 (diễn ra tại Matxcơva, Nga tháng 7 tới).

Với Nguyễn Thị Thanh Phúc và HLV Trần Anh Hiệp, chiến công này là thành quả xứng đáng sau những ngày tập luyện không mệt mỏi. Chỉ có ý chí và sự bền bỉ đến kinh ngạc, mới có thể giúp cô gái nhỏ bé trụ vững trong bộ môn đi bộ đường trường đầy khắc nghiệt.

Môn đi bộ “hành xác” hơn bất cứ môn nào của điền kinh. Nếu một ngày không đi bộ vài chục km, sẽ không thể duy trì được thể lực. Vì thế mà từ rất lâu rồi, người dân Đà Nẵng đã quá quen thuộc với hình ảnh một cô gái bé nhỏ đội nắng, đội gió, đội bão, ngày nào cũng miệt mài đi bộ ngoài đường. Từ bãi biển, sân Chi Lăng, những cung đường quốc lộ quanh thành phố, đến cả leo núi Sơn Trà... tất cả đều in dấu chân cô.

“Một năm có lẽ tôi chỉ nghỉ 3 ngày Tết. Những hôm trời mưa thì mặc áo mưa, còn bão chỉ có gió lớn mới nghỉ. Những hôm sốt cao hay mệt mỏi toàn thân, tôi cũng phải cố đi... hơn chục km, bởi nghỉ một buổi là phải tập lại giáo án từ đầu”, Phúc tâm sự.

Thanh Phúc là cô gái vàng của điền kinh Việt Nam. Ảnh: Mai Hương.

Nhớ lại những kỷ niệm khi còn thi đấu tại giải vô địch châu Á ở Nhật Bản, mắt Phúc rưng rưng: “Di chuyển cả chặng đường dài để đến Nhật Bản, ba thầy trò mệt lử người (em trai Thanh Phúc cũng thi đấu giải này). Đến địa điểm thi đấu, con đường phủ trắng đầy tuyết, lại có mưa, lạnh như dao cắt vào da, hai tay cóng đến nỗi không thể cầm được chai nước tiếp sức của ban tổ chức”.

Sau khi giành vé tới London và thi đấu đạt thành tích cao, Thanh Phúc để lại ấn tượng mạnh với chính các đối thủ châu lục. Sự xuất hiện của cô gái nhỏ bé người Việt Nam khiến tất cả đều phải “cảnh giác cao độ”, bởi chỉ cần sơ sểnh là bị Phúc lấy mất huy chương.

Thực tế, những lo lắng của các VĐV nội dung đi bộ 20km là hoàn toàn có cơ sở. Trên đường đua, cuộc cạnh tranh chiếc HC bạc giữa Thanh Phúc với VĐV Geun Yeon Jeon (Hàn Quốc) mới thật sự khốc liệt và Thanh Phúc đã vượt qua đối thủ khi còn cách đích đến chưa đầy 100m. Đây cũng là tấm HC bạc lịch sử, một cột mốc mới của điền kinh Việt Nam trên đấu trường châu Á.

Cũng ở giải này năm ngoái, Thanh Phúc xuất sắc giành tấm HC đồng, nên tấm HC bạc lần này thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, để có được thành tích đó, ngoài quá trình rèn luyện bền bỉ, Thanh Phúc đã phải trải qua một cuộc đấu trí, đấu sức quyết liệt với các đối thủ và cả... thời tiết. “Trước khi tìm cách đánh bại các đối thủ, cần phải vượt qua chính mình trước. Làm sao để chống lại cái lạnh, đối phó với đường trơn, nhưng vẫn đảm bảo được tốc độ, cự ly an toàn và đặc biệt là không sai luật, chẳng phải chuyện dễ làm được”, Phúc kể lại.

Phúc tâm sự, kể từ ngày trở về sau tấm HC bạc châu Á giành được tại Nhật Bản, cô mất ngủ thường xuyên, ăn cũng không ngon miệng. Thậm chí hồi mới về nước, Phúc đã được đưa thẳng tới... bệnh viện để truyền nước. Môn đi bộ khắc nghiệt không chỉ trong khổ luyện, thi đấu, mà còn cả những lúc hồi sức. Những lúc cơ thể đang tìm lại trạng thái cân bằng, trông Phúc cứ lả đi như sắp ngất. Những lúc đó, mẹ của Phúc chỉ biết quay mặt đi rồi lau nước mắt vì thương con. Hơn 10 năm nay, bà chưa thấy Phúc được nghỉ ngơi lấy một tuần.

Sau chuyến thi đấu, cả hai chị em Thanh Phúc - Thanh Ngưng vẫn phải lo đi học. Giấy xin phép nghỉ đã hết hạn, nên hai chị em phải quay lại trường để trả nợ các môn thi, dù đáng lẽ đây là khoảng thời gian nghỉ hồi sức. Những lúc đó, Phúc chỉ tự an ủi: “Thôi thì thi đấu là rất quan trọng, nhưng việc học cũng không thể bỏ bê. Sau này giải nghệ, còn có tấm bằng, có công việc ổn định để còn lo chuyện gia đình, chồng con chứ”.

Sau mỗi năm, sau mỗi giải đấu, nhiều người lại bắt gặp những hình ảnh của những tấm huy chương, nụ cười và hoa chúc mừng ngày chiến thắng trở về của Thanh Phúc. Nhưng ít ai biết đằng sau những vinh quang đó, cô đã phải chịu rất nhiều hy sinh, sự thiệt thòi. Ngoài chuyện học kéo dài lê thê vì nợ môn, Phúc cũng đánh đổi cả thanh xuân của mình cho việc tập luyện, thi đấu. Cái môn đi bộ cứ phải mải miết đi không kể nắng mưa, nên thân hình cứ ngày một chắc lại, da ngày một đen thêm, cũng chẳng còn màng tới chuyện phấn son, đầu tóc như những cô gái khác.

“Năm nay tôi 23 nhưng hơn 10 năm tuổi nghề rồi. Đã thấy mệt mỏi, lâu hồi phục hơn hẳn kể từ sau Olympic London 2012. Nhiều lúc cũng ngồi tiếc cho tuổi xuân hy sinh cho đam mê này. Tôi cũng ao ước, thèm muốn có làn da trắng trẻo, hồng hào như những cô bạn gái cùng tuổi khác. Tôi cũng ước có người yêu để chăm sóc, quan tâm, động viên. Nhìn quanh bạn bè cùng lứa cũng đã lập gia đình, có con cái đề huề, cũng buồn tủi lắm...”, những ước mơ tưởng như rất bình thường, vậy mà…

Theo Ngoisao



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.