2 triệu đồng một ngày công gói bánh tét

Vào mùa gói bánh tét phục vụ Tết, những người thợ giỏi làm công cho các cơ sở sản xuất bánh ở Trà Cuôn (Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) kiếm được 2 triệu tiền công/ngày.

Vào mùa gói bánh tét phục vụ Tết, những người thợ giỏi làm công cho các cơ sở sản xuất bánh ở Trà Cuôn (Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) kiếm được 2 triệu tiền công/ngày.

Là vùng đất nổi tiếng về bánh tét với thương hiệu bánh tét Trà Cuôn, Cầu Ngang hiện có hơn chục lò bánh tét hoạt động thường xuyên. Dịp Tết, mỗi ngày ở Trà Cuôn có thể cung cấp vài chục nghìn bánh đi khắp cả nước. Theo bà Mai Thị Lý, chủ cơ sở bánh tét Hai Lý tại Trà Cuôn, hằng ngày, cơ sở phải huy động hơn 100 nhân công, cho ra lò từ 7.000 đến 8.000 chiếc bánh tét.

Một trong những bí quyết làm bánh ngon là gói phải vừa tay, không quá lỏng để có thể biến dạng nhưng lại không được quá chặt để khi nấu, bánh còn nở ra. Để đạt được kỹ thuật gói bánh giỏi, những người thợ ở Trà Cuôn ngoài sự khéo tay, còn phải có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề.

Gói bánh tét ở Trà Cuôn.

Gói bánh tét ở Trà Cuôn.

Dịp Tết này, một thợ gói bánh giỏi có thể gói 70 chiếc bánh/giờ, đạt thu nhập hơn 2 triệu đồng/ngày, so với ngày công lao động bình thường chỉ dao động ở mức 150.000 – 200.000 đồng. 

Bà Lý nói: “Tôi trả lương theo sản phẩm, và tôi nghĩ trả như thế là xứng đáng. Bởi nhiều lò bánh khác cũng tìm cách kéo thợ giỏi về, trả công cao hơn nhưng vì thợ của tôi đã làm ổn định từ nhiều năm nay”. Theo bà Lý, cả Trà Cuôn chỉ còn hơn 20 người có kỹ thuật gói bánh giỏi, đa số đều là phụ nữ lớn tuổi.

Bà Thạch Ngoan, một trong những thợ gói bánh giỏi ở Trà Cuôn, cho biết, kinh nghiệm gói bánh là điều quan trọng nhất với người thợ giỏi. Khi gói, các động tác gói phải chính xác từ lượng gạo xúc vào lá vừa đủ, xếp lá thật nhanh và xoay bánh, lắc nhẹ cho gạo dàn đều ở mọi vị trí rồi mới buộc lạt.

Động tác buộc lạt cũng phải nhanh, dứt khoát và xoắn lạt không được quá nhiều, dễ bị bó. “Người gói giỏi phải cho ra chiếc bánh đều đặn, giống hệt nhau từ chiếc lá cho tới sợi lạt chung quanh”, bà Ngoan nói.

7 chiếc bánh tét có chữ “phát tài” bên trong.

7 chiếc bánh tét có chữ “phát tài” bên trong.

Theo những người thợ, công việc gói bánh không mất nhiều sức, nhưng rất mệt, bởi phải gò lưng liên tục mấy tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, cả năm chỉ có dịp Tết là thu nhập cao nên ai cũng cố gắng. Không chỉ tăng năng suất bánh mà để tạo sự thu hút đối với bánh tét Trà Cuôn, mấy năm nay, nhiều cơ sở ở Trà Cuôn còn tung ra thị trường nhiều loại bánh tét “độc” như bánh có nhân chữ Phúc - Lộc - Thọ, chữ “Phát tài”, “Như ý”.

Bà Thạch Thơm - đại diện lò bánh tét Bình Minh, cho biết, loại bánh trên độc đáo, nhưng vì giá cao nên ít người mua, ngay cả những người thợ cũng ít chịu gói loại bánh này, vì thu nhập ít hơn so với bánh tét truyền thống.

Ông Huỳnh Ngọc Toàn, Phó chủ tịch xã Kim Hòa, cho biết, ước tính Tết năm nay, Trà Cuôn sẽ ra lò khoảng hơn 300.000 chiếc bánh tét. “Bánh tét nơi đây đã có thương hiệu khắp cả nước, và nghề làm bánh tét cũng đã tạo cho người dân Kim Hòa cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển hơn so với nhiều xã khác trong huyện”, ông Toàn nói.

Theo Tiền Phong



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.