2013, giảm thuế phí ô tô vẫn thê thảm

Dù có nhiều ưu đãi, nhất là các chính sách giảm thuế, phí nhưng thị trường ô tô 2013 vẫn cầm chắc ế ẩm.

Dù có nhiều ưu đãi, nhất là các chính sách giảm thuế, phí nhưng thị trường ô tô 2013 vẫn cầm chắc ế ẩm.

Ế vẫn hoàn ế

Trong dự báo mới nhất về tình hình kinh doanh 2013, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng tiêu thụ ô tô toàn thị trường năm 2013 chỉ đạt khoảng 100.000 xe trong đó xe lắp ráp trong nước đạt khoảng 85.000 xe và xe nhập khẩu khoảng 15.000 xe, tăng 8% so với 2012.

Kết thúc năm 2012 tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường chỉ đạt 92.584 chiếc. Với mức tăng thêm 8.000 xe cả lắp ráp trong nước lẫn nhập khẩu trong cả năm 2013 là khá thấp và thị trường chưa thể khởi sắc.

Tình hình kinh tế khó khăn cùng các khoản thuế phí cao vẫn là nguyên nhân làm cho thị trường ô tô không thể tăng trưởng mạnh.

Mặc dù, vừa qua, Chính phủ đã quyết định không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết đã chấm dứt đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ), thay vào đó là đề án phát triển hợp lý các phương tiện vận tải ở các đô thị lớn…

Đây có thể xem là tín hiệu đáng mừng giúp cho người tiêu dùng có thể yên tâm mua xe mà không phải lo lắng về khoản phí lớn phải nộp hàng năm. Tuy nhiên quyết định này cũng chưa đủ khuyến khích nhiều người bỏ tiền mua xe.

Trong khi đó, việc giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi về mức chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung không mang nhiều ý nghĩa. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giảm “nhỏ giọt” trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay là chưa hợp lý, chưa đủ kích thích thị trường.

Theo ông Laurent Charpentier, Chủ tịch VAMA, việc giảm lệ phí như trên chỉ có lợi với những người ở Hà Nội đang chịu lệ phí trước bạ 20%. Thời gian tới Hà Nội bắt buộc phải giảm xuống, còn với các địa phương khác do chưa nơi nào tăng vượt khung nên không ảnh hưởng gì.

Thuế phí vẫn chồng chất, khiến cho giá xe giữ ở mức cao, trong khi kinh tế được cho là còn nhiều khó khăn, thu nhập người dân giảm thì tiêu thụ ô tô khó có thể khởi sắc.



Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, việc giảm phí trước bạ theo quy định mới tưởng chừng là giảm mạnh, nhưng khi nhìn vào thực tế thì giảm mà giống như không giảm. Cho địa phương tăng không quá 50% thì chả địa phương nào dại gì mà hạ xuống, thậm chí không loại trừ nhiều địa phương sẽ tăng kịch trần 150%, như vậy lại có tác dụng ngược.

DN lo bất ổn chính sách

Ông Laurent Charpentier cho rằng với quyết định trên, chỉ có thể hiểu rằng Chính phủ đã nhận ra không thể cứ chồng thuế, chồng phí lên người dân mãi được.

Sau khi tăng lệ phí trước bạ vào đầu năm 2012, tăng phí cấp biển xe lên 20 triệu (tại Hà Nội), cộng với hàng loạt những đề xuất thu thêm phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, thị trường ô tô Việt Nam đã tụt dốc không phanh và cán đích ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Người dân không mua xe, thị trường ô tô, ngành công nghiệp ô tô khủng hoảng và số tiền thuế nộp vào ngân sách trong năm 2012 của ngành này cũng ở mức thấp nhất.

Theo ông Laurent Charpentier để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có những bước phục hồi rõ nét thì cần phải có các giải pháp mạnh như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, đưa lệ phí trước bạ cho xe dưới 10 chỗ ngồi về mức chung dưới 10% thống nhất trên cả nước, đưa mức phí cấp biển trở lại mức 2 triệu như trước kia...

“Sự biến đổi nhanh và khó dự đoán của thị trường Việt Nam, liên quan đến chính sách của ngành ô tô đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất, kinh doanh trong việc hoạch định kế hoạch của mình”, ông Laurent Charpentier nhấn mạnh.

Ông Laurent Charpentier nhấn mạnh, hai năm trước, khi tôi đến Việt Nam, nếu chính sách khi đó giữ nguyên thì dự báo thị trường ô tô năm 2020 đạt quy mô 450.000 xe, tạo ra triển vọng và kế hoạch lớn cho các nhà sản xuất. Nhưng diễn biến trong vòng một năm rưỡi trở lại đây đã khiến dự đoán về thị trường năm 2020 chỉ còn dưới 300.000 xe, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch của các nhà đầu tư. Nhiều DN đã đảo lộn kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất.

Theo ông Nguyễn Mại, phí trước bạ chỉ là một khoản nộp để được nhà nước thừa nhận quyền sở hữu với tài sản mà người tiêu dùng đã mua. Vậy mà chúng ta biến thành 1 loại thuế cao đánh vào người tiêu dùng. Tăng cao nhưng giảm ít, làm sao thị trường ô tô có thể khởi sắc.

Theo các chuyên gia, DN là lực đẩy của phát triển kinh tế, chính sách làm ra gây khó khăn cho DN cũng sẽ làm giảm động lực phát triển và như vậy chẳng có nguồn thu và cũng chẳng thể điều tiết công bằng xã hội.

Vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại nhất là chính sách thay đổi liên tục khiến cho họ bị động.

Ngành ô tô là một ví dụ điển hình. Trong 5 năm vừa qua, chính sách với nhập khẩu và sản xuất lắp ráp ô tô thay đổi liên tục. Hết tăng thuế lại đến thi nhau tăng phí, đề xuất các khoản thu phí mới, làm cho các DN nản lòng. Bên cạnh đó là các chính sách ban hành ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN mà không được tính đến, ông Nguyễn Mại nói.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thu lệ phí, thuế cần có một mức thu chung thống nhất trên cả nước và ổn định lâu dài tránh cách làm liên tục nâng và hạ như hiện nay.
Theo VEF


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.