3.000 đồng/kg người trồng nhãn Hưng Yên chán chẳng buồn bẻ

Mất mùa thì khổ mà được mùa người nông dân cũng chẳng thấy sướng.

Mất mùa thì khổ mà được mùa người nông dân cũng chẳng thấy sướng. Mọi năm, giá nhãn to, ngon cũng đã 18.000 đồng/kg, vậy mà năm nay, chỉ 8.000 đồng/kg. Bi đát hơn, nhãn cây loại nhỏ hơn chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhiều nhà chán chẳng buồn bẻ vì thuê người bẻ còn lỗ.

3.000 đồng/kg người trồng nhãn chán chẳng muốn bẻ

Xã Quảng Châu, TP. Hưng Yên là vùng trồng rất nhiều nhãn Hương Chi - giống nhãn gần với nhãn lồng Hưng Yên nổi danh. Tuy nhiên, tình cảnh của bà con ở đây cũng đang chẳng biết nên khóc hay cười.

Giá nhãn mọi năm đều 16.000 - 17.000 đồng/kg, nhãn đẹp còn lên tới 20.000 - 25.000 đồng/kg tại vườn. Nhưng năm nay được mùa nên giá nhãn tại đây đang hạ khá thấp chỉ còn 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Giá nhãn tại đây đang hạ khá thấp chỉ còn 8.000 - 10.000 đồng/kg

Nhà anh Trần Mạnh Quỳnh (xã Quảng Châu, Hưng Yên) đang có khoảng 70 gốc nhãn nhưng đang không muốn thu hoạch vì giá hiện đang rẻ. Anh Quỳnh cho biết: “Năm ngoái, quả mới chỉ bằng đầu ngón tay, thương lái đã vào tận nơi mua cả vườn. Nhưng năm nay thương lái chưa dám mua vì sợ lỗ.”

“Loại nhãn ngon đầu mùa năm nay cũng mới chỉ bán được khoảng 23.000 đồng/kg, đến hiện tại cũng giảm chỉ còn hơn chục nghìn đồng/kg. Bán tại chợ cùng lắm thì được 18.000 - 20.000 đồng/kg”, anh Huỳnh cho biết thêm.

Nhãn được xếp lại để chờ thương lái đến cân

Còn với loại nhãn cây lâu năm, mọi năm cũng vẫn được 8.000 - 10.000 đồng/kg. Nhưng năm nay giảm thê thảm còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nhãn này nhà anh Huỳnh chỉ bẻ rồi bán thẳng cho các nhà làm long nhãn chứ chẳng bán ngoài chợ vì rẻ quá rồi.

Anh Huỳnh thực lòng không cả muốn bẻ nhãn này, nhưng anh cho biết: “Không bẻ đi thì sang năm không ra quả, mà công bẻ quá tội. Hôm trước, 3 anh em xúm vào bẻ được hơn 80 kg mà bán được có 270.000 đồng.”

Nhãn đang rẻ nên nhiều nhà phải tự bẻ mà không dám thuê vì sợ lỗ

“Nhưng nếu đi thuê thì một công đã 300.000 đồng, tính ra thì âm mất 30.000 đồng. Thôi đành bẻ xuống, bán được bao nhiêu thì bán. Vì để trong nhà từ đêm tới sáng hôm sau đã hao đi mất mấy kg vì nhãn khô lại”, anh Huỳnh cho biết thêm.

Ở nhiều vùng nhãn Hưng Yên được mùa gấp đôi năm ngoái

Người trồng nhãn tại đây cũng chưa quá vội vàng nên vẫn chưa thu hoạch để chờ giá. Nhà anh Huỳnh đầu mùa tới giờ cũng mới chỉ thu hoạch khoảng 3 tạ để bán cho các nhà làm long nhãn với giá 9.000 - 11.000 đồng/kg.

Nhãn Khoái Châu chưa ai bán, bà con “nằm im” chờ giá

Năm nay được mùa đến mức, bà con Khoái Châu (Hưng Yên) chẳng thèm quây lại mà cứ để trẻ con đi qua thích hái trộm thì hái. Nhãn ở đây mã đẹp, cùi dày, ngọt nhưng năm nay cũng không thoát khỏi vòng lặp được mùa mất giá.

Nhãn Khoái Châu đa phần là nhãn Miền

Nhãn sai gấp đôi năm ngoái nhưng bà con tại đây chưa bán mà vẫn “nằm im” chờ giá lên, do đó chưa có giá mua bán cụ thể. Các thương lái vào đề nghị mua cả vườn nhưng giá đề nghị đang rẻ nên chưa nhà nào chịu bán.

Nhãn ở vùng Khoái Châu bà con thường trồng là nhãn Miền, gọi là nhãn Miền vì theo chị Lê Thị Hồng Ngọc (Khoái Châu, Hưng Yên) là gọi theo tên ông Miền. Chị Ngọc cho biết: “Ngày trước, nhãn nhà ông Miền rất ngon nên cả tỉnh lấy giống về trồng. Nhãn ở Khoái Châu phải đến 90% là nhãn Miền, quả to gần bằng quả vải.”

Nhãn chỉ để qua đêm là đã hao cân

Nhãn lồng mọi người vẫn nghe thường là tên thương hiệu thôi. Còn nhãn lồng thật thì chỉ còn vài cây vì năng suất thấp, gặp mưa quả sẽ nứt nên ít người trồng. Thế nhưng, quả của cây nhãn lồng “xịn” thì ăn cực ngon, không từ nào miêu tả được”, chị Ngọc chia sẻ thêm.

Người dân Hưng Yên chặt đi nhiều nhưng vẫn sẽ giữ lại 1 - 2 cây nhãn lồng “xịn” để làm quà.

Cũng như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), nhãn lồng Hưng Yên là một trong những đặc sản tiến vua của xứ Đông nức tiếng bao đời nay. Không chỉ là 2 thức quả giải nhiệt, mà gắn liền với chúng còn rất nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt mang hồn cốt con người Việt Nam.

Vì thế, rất cần các bộ, ngành, các doanh nghiệp cùng chung tay với bà con nông dân đưa loại quả đặc sản này ra thế giới để cảnh "được mùa mất giá, mất mùa được giá" không tái diễn.

Theo Dân trí


người dân

nhãn lồng Hưng Yên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.