80% bún có độc: Bảo vệ dân và "giết" một nghề

Ngày 22/6, Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố thông tin: 80% số lượng mẫu bánh canh, bánh phở, bánh cuốn... được khảo sát tại TP. HCM có sự hiện diện chất làm trắng quang học (tinopal).

Ngày 22/6, Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố thông tin: 80% số lượng mẫu bánh canh, bánh phở, bánh cuốn... được khảo sát tại TP. HCM có sự hiện diện chất làm trắng quang học (tinopal). Ngay sau đó, Sở Công thương, Y tế và Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức họp đồng thời phản đối kết quả này.

80% bánh canh, bánh phở, bánh cuốn có Tinopal

Từ 15 - 25/6, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) đã lấy ngẫu nhiên 30 mẫu thực phẩm bán tại 4 siêu thị, 4 chợ ở trung tâm TP và một cửa hàng, gồm 6 loại bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt.

Kết quả, 24/30 mẫu có sự hiện diện của chất làm trắng quang học, chiếm tỉ lệ 80%. Cụ thể, bún có 5/9 mẫu (chiếm tỉ lệ 56%); bánh cuốn 0/1 (0%); bánh ướt 4/4 (100%); bánh hỏi 5/5 (100%), bánh phở 3/4 (75%), bánh canh 7/7 (100%) chứa chất làm trắng huỳnh quang.

Thiết bị được dùng để xác định sự hiện diện của tinopal trong bún là đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366nm.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để định danh hoạt chất tinopal trong thực phẩm hiện nay ở VN rất khó, vì VN chưa có quy chuẩn xét nghiệm về tinopal trong thực phẩm. Để tìm ra hoạt chất này, các trung tâm hiện đại mới làm được.

Cụ thể, để xác định tinopal có trong bún hay không cần phải sử dụng các sắc ký lỏng cao áp ghép phổ. Lâu nay, một số mẫu bún khi xét nghiệm ghi nhận có sự hiện diện của tinopal nhưng chỉ từ 1 - 4 ppm (hàm lượng không đáng kể). Nếu một người ăn mỗi ngày 1kg bún có tinopal và ăn liên tục cả tháng thì mới gây bệnh.

Riêng đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366nm khi soi không thể phát hiện chính xác có tinopal hay không, vì có nhiều chất cũng có thể phát sáng dưới loại đèn này. Vì thế, soi đèn để tìm ra chất tinopal sau đó đưa ra kết luận khoa học là điều... không tưởng.

Mua bán bún và bánh phở tại chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội). Ảnh: Lao động
Mua bán bún và bánh phở tại chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội). Ảnh: Lao động

Họp khẩn vì thông tin không đáng tin cậy

Sau khi Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng phát đi thông báo, một cuộc họp giữa hai sở Công thương, Y tế với Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng về điều tra bún chứa chất phát quang tinopal đã được tổ chức vào ngày 25/7 tại TP.HCM.

Tuy nhiên trong cuộc họp này đại diện đơn vị cung cấp thông tin về các mẫu kiểm nghiệm là Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng không có mặt, còn các siêu thị đã quyết liệt phản đối kết quả này.

Đại diện doanh nghiệp bán lẻ, Sở Công thương, Sở Y tế TP.HCM đều không đồng tình với quy trình làm việc lấy mẫu kiểm nghiệm của trung tâm. Phía DN cho rằng họ hoàn toàn bất ngờ khi các kết quả mẫu kiểm nghiệm được công bố là là mẫu được lấy từ siêu thị của mình.

Trong khi đó phía Sở Công thương cho rằng vẫn chưa nhận được báo cáo về kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm này trước khi công bố thông tin. Việc nêu đích danh các đơn vị kinh doanh có mẫu kiểm nghiệm dương tính với tinopal cũng khiến DN phẫn nộ.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng quy trình lấy mẫu kiểm nghiệm của Trung tâm là thiếu tính minh bạch. Về mặt nguyên tắc, lấy mẫu kiểm nghiệm cần phải được thực hiện chặt chẽ và có sự chứng kiến của các bên liên quan.

Đặc biệt là phải có sự xác nhận của đơn vị kinh doanh và niêm phong mẫu. Thêm một đơn vị thứ ba vào quản lý chất lượng hàng hóa là điều khuyến khích, nhưng đơn phương công bố gây hoang mang cho thị trường cần phải xem lại.

Trong khi đó bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết: “ Người tiêu dùng đã hoang mang về các mặt hàng thực phẩm này. Tuy vậy trước khi công bố thông tin, Sở Công thương không nhận được thông tin phối hợp từ Trung tâm nghiên cứu người tiêu dùng về kết quả các mẫu kiểm nghiệm.

Theo nguyên tắc, hội chỉ có chức năng giám sát, khi công bố thông tin phải xin phép cơ quan quản lý. Hiện nay thông tin vẫn trong quá trình xem xét làm rõ nhưng tâm lý người tiêu dùng dã bị xáo trộn”

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM: “Phương pháp lấy mẫu, phương pháp kiểm nghiệm theo quy trình nào, chúng tôi chưa nắm được. Những sản phẩm bị nhiễm xuất phát từ cơ sở sản xuất cho nên phải tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, lấy mẫu xét nghiệm.

Theo tôi chỉ có thể quản chặt nhà sản xuất, vì chỉ nhà sản xuất mới biết họ bỏ chất gì vào, chất lượng sản phẩm ra sao. Cơ quan quản lý cũng mù mờ không biết cơ sở bỏ gì vào thì người dân cũng khó lòng biết được."

Chất làm trắng tinopal vô cùng độc hại

Theo ông Đỗ Ngọc Chính, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng, các chất làm sáng quang học tinopal không làm cho bún trắng hơn, mà chỉ tạo cảm giác của mắt thấy sáng và trắng hơn, tạo sự hấp dẫn hơn cho người mua.

Ông Chính khẳng định, việc làm trắng các sản phẩm bún bằng chất làm trắng huỳnh quang là một hành động gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày.

Đặc biệt có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư.

Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hơn nữa, đây là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi trong đó có chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) thì các chất làm trắng quang học có khả năng gây độc cho con người là các hợp chất dẫn xuất từ aminotriazine và stilbene, các chất này ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng sinh sản của con người...

Hiện tại trên địa bàn TP. HCM có hơn 400 cơ sở sản xuất bún, bánh canh, bánh phở đang được Sở Công thương chỉ đạo các quận, huyện tăng cường kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm.

Đầu tuần tới Sở Công thương phối hợp với Sở Y tế TP. HCM sẽ tổ chức họp mặt các nhà sản xuất, tiểu thương và đơn vị kinh doanh để thông tin về các cơ sở vi phạm cũng như các cơ sở đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng này. Đồng thời, đưa ra những giải pháp để trấn an người tiêu dùng và những cơ sở sản xuất chân chính.

Theo Đất Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.