Bánh Trung thu ế sẽ đi đâu?

Sau Tết Trung thu 3 ngày, các quầy bánh Trung thu trên khắp các thành phố thị tứ đã don dẹp xong, vườn hoa, hè phố đã được trả lại vẻ thông thoáng. Đây đó chỉ còn các cửa hiệu trương biển lớn: Bánh trung thu đại hạ giá…

Sau Tết Trung thu 3 ngày, các quầy bánh Trung thu trên khắp các thành phố thị tứ đã don dẹp xong, vườn hoa, hè phố đã được trả lại vẻ thông thoáng. Đây đó chỉ còn các cửa hiệu trương biển lớn: Bánh trung thu đại hạ giá…

Bánh Trung thu ế sẽ đi đâu?

Dọc phố Hàng Đường vài hàng bánh vẫn bày bán bánh nướng bánh dẻo. Tôi ghé vào một cửa hàng có vẻ sạch sẽ. Bà chủ hàng đon đả: Mời bác xem hàng ạ. Bánh nướng này hôm trước giá 80.000 đồng một cái, hôm nay hạ giá còn 20.000 đồng. Bác mua cho các cháu. Bánh ngon, đảm bảo chất lượng. Để thăm dò, tôi mặc cả 10.000 đồng chiếc, bà chủ hàng nguýt dài: Mua bánh 10.000 đồng thì ra Bắc Qua nhé. Ở đây không có hàng thừa.

Sang đến chợ bánh kẹo trong Đồng Xuân - Bắc Qua, tôi mới thật sự ngạc nhiên: Thị trường bánh trung thu ế cũng sôi động không kém trước Tết Trung thu. Theo một nhà kinh doanh bánh kẹo, sau rằm tháng Tám, thị trường ế hàng triệu chiếc bánh nướng, bánh dẻo, nhưng sau đó, hàng triệu nguy cơ sẽ đến với người tiêu dùng khi các cơ sở sản xuất phải tiêu thụ chỗ bánh thừa đó. Bởi vì chưa thấy có bất kỳ một thông báo hủy bánh ế của một cơ sở sản xuất nào và về nguyên tắc, các nhà sản xuất cũng không bao giờ… bỏ phí của giời như vậy.

Bánh ế, giá hạ và đắt hàng

Anh Hoành, một nhà sản xuất bánh Trung thu cổ truyền từ thời bao cấp kể chuyện với tôi: Mỗi năm tôi chỉ làm một vụ, đủ tiêu cả năm. Bánh bán trong vụ lãi 70-80%, bánh ế thu 20% vốn là được. Chẳng ế bao giờ. Thấy tôi ngạc nhiên, anh dẫn tôi đến xưởng bánh của anh, một ngôi nhà nhỏ ngoài bãi ven sông. Trước nhà, công nhân của anh đang bóc hàng trăm hộp bánh nướng, bánh dẻo lấy hộp giấy. Bánh thừa được bỏ vào hai thùng nhựa lớn. Các hộp bánh bóc xong được vuốt phẳng phiu, cho vào túi ni lông. Anh Hoành giải thích: Hộp bánh cất sang năm lại dùng, bánh trong thùng để chốc nữa có người đến mua. Tôi ngạc nhiên: Ông đổ bánh như đổ cho lợn thế kia người ta mua làm gì. Hoành cười bí hiểm: Tý nữa ông xem! Một chiếc xe tải nhỏ lăn bánh vào sân. Xuống xe là một ông đặc nông dân, quần xắn móng lợn: Bánh đâu? Ghé vào thùng bánh thừa, ông ta bẻ một cái, nếm một chút vỏ, tãi nhân ra lòng bàn tay xem xét. Một lúc, ông nhổ phì miếng bánh trong mồm, quay sang Hoành: Bánh đểu, may không phải nhân Tàu. Bao nhiêu? Hoành cười: Không đểu lại có bánh bán cho ông. Sáu đồng. Ông nông dân hùng hục ra xe, trèo lên lấy một cái bánh nướng ném lên mặt bàn: Ông xem đi, tôi mua lò thằng Hảo đấy, có bốn đồng rưỡi. Hoàng vẫn giả lả: Ông lại bì phấn với vôi rồi, bánh nó làm mấy phần đường trắng có tý thịt, tý mỡ nào không? Hai bên cò kè một hồi, giá cuối là 5.000 đồng một chiếc. Bao nhiêu cũng mua hết. Khi tôi ngỏ lời muốn xem ông mua và chế biến lại như thế nào, ông nông dân trừng mắt: Hỏi làm gì, xem làm gì…Vớ vẩn

Qua một số lò bánh, qua các chợ bánh kẹo, chúng tôi nhận thấy thị trường bánh nướng bánh dẻo sau Trung thu vẫn rất sôi động. Có rất nhiều loại giá. Khách mua đủ loại. Có bà nội trợ tiếc tiền, tiết kiệm sau rằm mới mua bánh Trung thu cho các con, có mấy hàng tạp hóa mua rẻ về bán lẻ.
 
Nhưng đông hơn cả là các lò bánh thủ công mua về chế biến lại. Những người này kỹ tính nhất. Họ phải xem xét vỏ bánh, nhân bánh làm bằng gì, chất lượng ra sao. Có điều may là tất cả các loại bánh làm bằng các loại nhân bẩn nhập từ Trung Quốc về họ không mua. Lý do; loại nhân này khi chế biến lại nó có mùi hôi. Tuy nhiên theo một chủ hàng, loại bánh này vẫn bán được. Có một số chủ lò bánh kẹo miền Trung vẫn mua loại này về chế biến để bán lên miền núi. Nhưng phải đầu tháng 10 họ mới ra mua.

Những cách chế biến lại đáng lo

Chỉ sau khi cam kết giữ bí mật, không được nói với ai, tôi mới được biết bí quyết xử lý bánh Trung thu ế. Trước tiên, khi mang bánh về, các chủ lò bánh kẹo cho công nhân gỡ bánh ra, vỏ để riêng, các loại nhân để riêng. Vỏ bánh dẻo sẽ được thêm bột tẻ, bột sắn để làm lại thành các loại bánh dẻo rẻ tiền, nhân, vỏ bánh nướng làm bánh chả, bánh nướng nhỏ. Có thể nói nguồn bánh Trung thu đã cung cấp một lượng lớn nguyên liệu “cao cấp” để các lò thủ công cung cấp hàng trăm tấn bánh kẹo rẻ tiền cho các vùng nông thôn, miền núi vùng cao. 

Nhưng đáng lo hơn cả chính là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến lại. Hầu hết các bánh Trung thu ế, các chủ hàng đều bóc các vỏ hộp để lại dùng mùa sau, toàn bộ quá trình mua bán, vận chuyển đều để trần, đựng trong các thùng nhựa, thùng cát tông bẩn thỉu. Bánh mốc, bánh quá hạn không phân biệt riêng rẽ, tất cả đều được chế biến lại theo kiểu thủ công. Hầu hết các lò bánh kẹo thủ công ở các vùng nông thôn và ngay cả trong các làng nghề không được kiểm tra kiểm soát các nguyên liệu đầu vào cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra.

Hiện nay tại các chợ bán buôn cũng như các hàng bán lẻ tại các chợ nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn tràn lan các loại bánh kẹo không nhãn mác, không có công bố thành phần nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm. Đó chính là kẽ hở cho việc tiêu thụ các hàng ế, hàng quá hạn, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt người tiêu thụ chủ yếu các mặt hàng bánh kẹo này là các em nhỏ, đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt.

Cần tăng cường quản lý việc thu hồi và tiêu hủy bánh trung thu ế

Trước mỗi kỳ Trung thu, hầu như tất cả các sở y tế đều tổ chức kiểm tra chất lượng nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Tuy nhiên sau đó không có bất kỳ biện pháp nào giám sát, quản lý việc thu hồi xử lý bánh Trung thu ế, mặc dù bánh Trung thu ế mỗi năm lên đến hàng triệu chiếc. Lẽ ra trách nhiệm này phải thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước về công thương. Nhưng trên thực tế đã bị thả nổi.

Theo báo chí Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ riêng thành phố này mỗi kỳ Trung thu thị trường ế thừa khoảng 2 triệu chiếc bánh. Thành phố giám sát việc thu hồi, tiêu hủy số bánh này một cách chặt chẽ, không cho phép lưu hành trên thị trường. Đó là một kinh nghiệm cần được xem xét, áp dụng tại nước ta. Theo chúng tôi, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu cần phải có đăng ký, trong quy trình đăng ký phải có phương hướng xử lý số bánh bị ế.
 
Các cơ sở sản xuất phải kê khai số bánh sản xuất, số bánh tiêu thụ và báo cáo xử lý số bánh còn lại. Cơ quan quản lý Nhà nước về công thương cần chịu trách nhiệm việc này. Mặt khác cần tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất bánh kẹo thủ công tại các vùng nông thôn và làng nghề, tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các loại bánh kẹo lưu hành trên thị trường phải có nhãn mác, ghi rõ tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng. Không chỉ cấm các cơ sở sản xuất mà còn phải xử lý nghiêm khắc các cơ sở kinh doanh các loại bánh kẹo không nhãn mác, giả nhãn mác, kém chất lượng làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. 

Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi nhận được một lời phàn nàn của một nhà sản xuất bánh kẹo thủ công. Ông đang gặp một sự cạnh tranh gay gắt của một số cơ sở kinh doanh đang tổ chức mua lại bánh trung thu ế để tồn trữ trong nhà lạnh…chờ sang năm bán tiếp. Lạy trời, nghĩ đến năm sau lại ăn cái bánh sản xuất từ năm nay mà lạnh người. Không hiểu mấy miếng bánh mình ăn hôm cỗ trung thu có phải được sản suất từ năm ngoái không? Quả là vệ sinh thực phẩm mỗi ngày một lo.

Theo An ninh Thủ Đô


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.