Bát nháo phí môi giới xuất khẩu lao động

Cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang kéo các doanh nghiệp vào vòng xoáy nâng phí môi giới, tạo cơ hội cho đối tác nước ngoài lũng đoạn thị trường, thao túng phí môi giới.

Cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang kéo các doanh nghiệp vào vòng xoáy nâng phí môi giới, tạo cơ hội cho đối tác nước ngoài lũng đoạn thị trường, thao túng phí môi giới.

Bát nháo phí môi giới xuất khẩu lao động
Hàng chục ngàn người chen chúc thi tiếng Hàn hồi giữa năm 2012. Hiện nay chương trình đi lao động Hàn Quốc đã bị dừng lại. Một trong các nguyên nhân là lao động trốn ở lại khi hết hợp đồng do chi phí đi cao 

Hậu quả là chỉ làm “no túi” các đối tác nước ngoài, trong khi doanh nghiệp làm ăn tử tế lao đao và mọi chi phí càng đổ nặng lên đầu người lao động.

 

Giành giật bằng cách chi tiền

 

"Việc này xảy ra nhiều nhất và phức tạp nhất là ở thị trường Đài Loan. Hiện tượng hợp tác hay nói cách khác là doanh nghiệp VN cho các đối tác nước ngoài thuê tư cách pháp nhân đã lũng đoạn thị trường, lũng đoạn phí môi giới (...). Việc này chỉ có lợi cho phía đối tác nước ngoài, phần lợi của doanh nghiệp VN không đáng bao nhiêu, nhưng hậu quả nặng nhất là đổ lên đầu người lao động" - Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh (cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước)

 

"Các công ty môi giới (đối tác làm ăn với Sovilaco ở thị trường Nhật) cho biết các doanh nghiệp XKLĐ phía Bắc đã làm từ lâu và sẵn sàng trả phí môi giới 2.000 - 2.500 USD/người so với 1.500 USD/người mà chúng tôi đang thực hiện" - Ông Vũ Minh Xuyên (tổng giám đốc Công ty Sovilaco)

 

"Ngoài việc nâng phí môi giới họ còn “biếu” các khoản quyền lợi của người lao động như vé máy bay, thường là doanh nghiệp sử dụng lao động trả cho người lao động, nhưng doanh nghiệp phía VN tặng luôn cho môi giới và thu lại của người lao động" - Ông Lê Thanh Hà (giám đốc Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ -Inmasco)

Mới đây, ông Hayashi - giám đốc một công ty môi giới Nhật Bản - đã gửi thư từ chối đề nghị hợp tác của một doanh nghiệp XKLĐ ở Hà Nội vì công ty đề nghị... được trả phí môi giới cao hơn các công ty khác.

 

Trong thư gửi cho ông Hayashi trước đó, doanh nghiệp XKLĐ VN nói trên đã đề nghị được hợp tác với công ty của ông. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh: “Khi hợp tác với công ty chúng tôi, ông sẽ được trả khoản lợi nhuận cao hơn so với các công ty phái cử khác. Chúng tôi sẽ thanh toán cho ông khoản tiền hoa hồng là 2.500 USD tính theo mỗi thực tập sinh”.

 

Ngoài thư từ chối, ông Hayashi cũng thông báo cho các đối tác đang làm ăn với mình. Một trong các đối tác này đã phản ứng và gửi thư yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ LĐ-TB&XH xử lý vụ việc này.

 

Theo đối tác này, công ty ông cùng hai công ty khác đang làm ăn với ông Hayashi với mức phí môi giới 1.500 USD/lao động (đúng với quy định của Dolab). Vì vậy, khi có doanh nghiệp khác nhảy vào nâng phí môi giới là hành động cạnh tranh không lành mạnh, phá bĩnh doanh nghiệp khác. Hậu quả này gây nên tình trạng bát nháo chạy đua phí môi giới, lôi kéo, giành giật đối tác làm ăn. “Cũng may, đối tác của chúng tôi đã rất trung thành và làm ăn đàng hoàng, họ thẳng thừng từ chối việc nâng giá phí môi giới” - giám đốc doanh nghiệp này cho biết.

 

Ông Vũ Minh Xuyên - tổng giám đốc Công ty Sovilaco - cho hay việc các doanh nghiệp XKLĐ nâng phí môi giới để giành giật đơn hàng, chèo kéo đối tác hầu như ở thị trường nào cũng có. “Tại một hội thảo gần đây ở Nhật Bản giữa các doanh nghiệp VN và Nhật Bản, một số đối tác của chúng tôi đề nghị nâng giá phí môi giới, chúng tôi không đồng ý vì sai nguyên tắc và không đúng quy định của Dolab. Nhưng công ty môi giới này cho biết các doanh nghiệp XKLĐ phía Bắc đã làm từ lâu và sẵn sàng trả phí môi giới 2.000 - 2.500 USD/người so với 1.500 USD/người mà chúng tôi đang thực hiện” - ông Xuyên kể.

 

Ông Lê Thanh Hà, giám đốc Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ -Inmasco (thuộc Cienco 1), cũng cho biết vừa qua, công ty ông đã mất vài đối tác làm ăn ở Nhật. “Có hai đối tác mà chúng tôi thường xuyên hợp tác tuyển dụng lao động cho họ. Nhưng mới đây, họ đi vào Nam hợp tác với doanh nghiệp khác để tuyển lao động. Chúng tôi thăm dò thì biết có vài doanh nghiệp trong nước đã chèo kéo đối tác của chúng tôi bằng việc nâng phí môi giới cao hơn” - ông Hà cho hay.

 

Cũng theo ông Hà, “ngoài việc nâng phí môi giới họ còn “biếu” các khoản quyền lợi của người lao động như vé máy bay, thường là doanh nghiệp sử dụng lao động trả cho người lao động nhưng doanh nghiệp phía VN tặng luôn cho môi giới và thu lại của người lao động”. Thậm chí, như ông Vũ Minh Xuyên cho biết, họ còn biếu luôn phí quản lý cho doanh nghiệp nước ngoài.

 

Ông Xuyên còn cung cấp thêm không chỉ ở Nhật Bản, thị trường Hàn Quốc với chương trình đánh bắt gần bờ cũng gặp phải vấn đề nâng phí môi giới, chèo kéo đối tác. Với chương trình này, thường phí môi giới là 1.500 USD/lao động cùng với các khoản phí khác thì doanh nghiệp phía VN trả cho đối tác Hàn Quốc khoảng 2.700USD/lao động. Nhưng có những doanh nghiệp sẵn sàng chi 3.000 - 4.000 USD/lao động!

 

“Lột da” người lao động để bù lại

 

Biểu giá quy định và mức thu vượt phổ biến

 

* Thị trường Đài Loan hiện vẫn thu với giá 5.000 - 7.000 USD/người (quy định là 4.500 USD/người);

 

* Thị trường Nhật Bản thu từ 5.000 - 10.000 USD/người (trong khi quy định chỉ dưới 4.000 USD/người);

 

* Thị trường Hàn Quốc thu 3.000 USD - 4.000 USD/người (trong khi quy định chỉ 1.500 - 2.700 USD/người, tùy loại công việc);

 

* Thị trường Hàn Quốc đi biển gần bờ thu trên 10.000 USD (phí quy định 7.500 - 9.500 USD/người tùy đối tượng khu vực).

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh thừa nhận việc cạnh tranh không lành mạnh, nâng phí môi giới để chèo kéo đối tác là có và hầu như ở thị trường nào cũng xuất hiện.

 

Tuy nhiên, ông Quỳnh cho biết: “Việc này xảy ra nhiều nhất và phức tạp nhất là ở thị trường Đài Loan. Hiện tượng hợp tác hay nói cách khác là doanh nghiệp VN cho các đối tác nước ngoài thuê tư cách pháp nhân đã lũng đoạn thị trường, lũng đoạn phí môi giới. Nhưng các cơ quan chức năng không có số liệu, bằng chứng cụ thể vì các doanh nghiệp VN không hề tố cáo mà im lặng xử lý với nhau. Vì vậy, để chấn chỉnh lại thị trường Đài Loan, chúng tôi đã có quy định việc thu phí không vượt quá 4.500 USD/người”.

 

Tuy nhiên, qua thực tế của chúng tôi và tiết lộ của nhiều lao động khu vực miền Trung, thị trường Đài Loan hiện vẫn thu với giá 5.000 - 7.000 USD/người; thị trường Nhật Bản thu 5.000 - 10.000 USD/người (trong khi quy định chỉ dưới 4.000 USD/người); thị trường Hàn Quốc biển gần bờ thu trên 10.000 USD (phí quy định 7.500 - 9.500 USD/người tùy đối tượng khu vực). Rõ ràng, việc thu vượt quy định này là để bù lại việc nâng chi phí trả cho đối tác. Đây là một kiểu “cắt cổ” người lao động trong hoạt động XKLĐ. Một doanh nghiệp thừa nhận: “Nếu không nâng phí môi giới thì không có đối tác, đơn hàng làm ăn. Chi phí này doanh nghiệp sẽ thu của người lao động để bù lại, nếu làm đúng quy định phí môi giới thì... có mà húp cháo”.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết việc cạnh tranh không lành mạnh bằng nâng phí môi giới làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động XKLĐ. Việc này chỉ có lợi cho phía đối tác nước ngoài, phần lợi của doanh nghiệp VN không đáng bao nhiêu, nhưng hậu quả nặng nhất là đổ lên đầu người lao động. Vì vậy Dolab sẽ và vẫn đang tăng cường hoạt động giám sát. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào có việc nâng phí, khi có bằng chứng chúng tôi sẽ xử lý đích đáng”.

 

 Hàn Quốc chưa đồng ý tiếp nhận mới lao động VN

 

Ông Nguyễn Hải Nam - trưởng ban quản lý lao động VN tại Hàn Quốc - cho biết vừa có cuộc làm việc đầu năm với phía Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc về việc nối lại chương trình EPS (chương trình cấp phép mới cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc). Phía bạn cho rằng VN đã có nhiều cố gắng triển khai các biện pháp giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tuy nhiên không có hiệu quả. “Để có thể nối lại chương trình EPS, phía Hàn Quốc cho rằng VN cần phải giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp xuống dưới 50%, nếu không đáp ứng tỉ lệ này thì khó có thể nối lại chương trình” - ông Nguyễn Hải Nam nói.

 

Cũng theo ông Nguyễn Hải Nam, hiện tỉ lệ lao động bất hợp pháp của VN tại Hàn Quốc là 56% (tỉ lệ của tháng 12-2012), trong khi tỉ lệ của các nước phái cử lao động khác chỉ khoảng 20%, nước cao nhất cũng chưa tới 50%. Theo thông báo của phía Hàn Quốc, sáu tháng đầu năm 2013 sẽ có 6.000 lao động VN hết hạn về nước. Ông Nam cho rằng nếu 1/2 số lao động này về nước đúng thời hạn thì mới có cơ sở để thương lượng với phía Hàn Quốc nối lại chương trình.

 

Ban quản lý lao động VN tại Hàn Quốc cho biết thêm trong năm 2013, phía Hàn Quốc đã bổ sung chỉ tiêu tái nhập cảnh cho 5.000 lao động VN về nước đúng thời hạn và lao động trung thành.

 

Theo Tuổi trẻ

 



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.