Biết ăn gì cho sạch!

Trái cây tẩm chất bảo quản, thịt heo có chất cấm tạo nạc, rau xanh phun chất kích thích, thịt và nội tạng thối ngâm hóa chất… Những thông tin về thực phẩm “bẩn” tràn lan khiến người dân hoang mang, không biết ăn gì cho sạch.

Trái cây tẩm chất bảo quản, thịt heo có chất cấm tạo nạc, rau xanh phun chất kích thích, thịt và nội tạng thối ngâm hóa chất… Những thông tin về thực phẩm “bẩn” tràn lan khiến người dân hoang mang, không biết ăn gì cho sạch.

Độc chất “thập diện mai phục”

Điển hình như các vụ thạch rau câu, nước giải khát chứa chất tạo đục DEHP; chất gây ung thư 3-MCPD có trong nước tương; rau xanh nhờ thuốc “kích phọt”; bún có chứa chất tẩy trắng độc tinopal… Cùng với đó, nhiều mẫu thịt sử dụng chất tạo nạc, thậm chí dùng hóa chất không rõ nguồn gốc “phù phép” thịt thối rữa, đang trong giai đoạn phân hủy trở thành thịt tươi hay tẩm hóa chất độc hại nhuộm màu gia cầm để thực phẩm trở nên ngon mắt… Gần đây, giới chuyên môn lại tiếp tục cảnh báo về tình trạng lạm dụng mì ăn liền có thể bị cao huyết áp, mắc bệnh tim mạch. Thông tin này thực sự gây lo ngại bởi mì ăn liền vốn là món ăn phổ biến, tiện dụng đối với hầu hết các gia đình.

Bất an, lo lắng về thực phẩm bẩn, nhiều người tiêu dùng chọn cách tự trồng rau trong khuôn viên nhỏ của gia đình hoặc đặt mua thực phẩm ở quê. Anh Hoàng Tùng  - ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết gần 5 năm qua, toàn bộ rau, củ, thịt cá của gia đình được người thân đặt mua ở quê và chuyển về Hà Nội bằng xe khách. “Có thể thực phẩm ở quê không được tươi sống nhưng chắc chắn gia đình sẽ bớt đi mối lo về thực phẩm mất an toàn trong tình cảnh thực phẩm ngâm tẩm hóa chất bủa vây” - anh Tùng thở dài.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ăn phải thịt heo có tồn dư chất tạo nạc thì cơ thể sẽ nhiễm độc, rối loạn tiêu hóa, nhịp tim nhanh. Nếu ngộ độc nặng thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, nhóm chất độc hại này bị cấm sử dụng từ nhiều năm qua. Trong khi đó, các loại rau, củ, quả được “chăm sóc” bằng hóa chất khi đưa vào cơ thể thì gây ngộ độc lâu dài, có thể dẫn đến các bệnh nan y, như: ung thư, tim mạch, thậm chí gây đột biến gien, quái thai...

Nghiên cứu về nguyên nhân gây ung thư được Bộ Y tế công bố mới đây cũng khiến nhiều người giật mình khi có tới 30% bệnh nhân ung thư là do ăn phải thực phẩm không sạch. Trong khi đó, số ca mắc ung thư trong 5 năm tới dự báo tăng từ khoảng 100.000-150.000 ca lên gần 200.000 ca/năm.


Thịt heo nhiễm vi sinh được cơ quan chức năng ở TP HCM phát hiện và đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Ngọc Ánh

Thịt heo nhiễm vi sinh được cơ quan chức năng ở TP HCM phát hiện và đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Ngọc Ánh

Chỉ xét nghiệm được 30%

Số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông - thủy sản 9 tháng của năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho thấy tỉ lệ vi phạm đáng báo động. Cụ thể, có 16% mẫu thịt có vi khuẩn Salmonella và 7,6% mẫu có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép.

Chi cục Thú y TP HCM cũng xét nghiệm ngẫu nhiên 159 mẫu thịt heo, phát hiện 37 mẫu tồn dư kháng sinh tetracycline vượt mức; 26 mẫu tồn dư kháng sinh sulfadimidin và 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ngoài ra, còn gần 28% mẫu thịt gà tồn dư kháng sinh là những chất cấm trong chăn nuôi.

Trong khi các hóa chất để “phù phép” cho thực phẩm trở nên ngon mắt, ngon miệng liên tục thay đổi thì hệ thống kiểm nghiệm mới chỉ phát hiện được khoảng 30% số hóa chất hiện có. Bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia, cho biết rất khó kiểm soát hết tất cả những chất nguy hại có thể có trong thực phẩm. Trên thị trường có trên 2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng nhưng hệ thống máy kiểm nghiệm hiện đại nhất Việt Nam cũng không thể đọc tên được tất cả các hóa chất này. Trong khi đó, với một số thiết bị quảng cáo là máy đo hóa chất cũng chỉ có thể kiểm tra nồng độ nitrat và nitrit giúp người tiêu dùng có thêm cơ sở đánh giá, phát hiện nhanh loại rau, củ nào được bón phân hóa học quá nhiều hay ngâm chất bảo quản có chứa nitrat, nitrit chứ chưa thể phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản độc hại.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, thừa nhận có không ít nguy cơ mất ATTP khi hiện có đến 85% cơ sở chế biến, sản xuất là vừa và nhỏ. Nhiều cơ sở tuy được cấp chứng nhận ATTP nhưng trong quá trình kinh doanh, sản xuất không thực hiện nghiêm túc, lợi dụng chứng nhận này để cho ra lò thực phẩm “bẩn”. Thậm chí, có cơ sở được cấp chứng nhận rau an toàn nhưng khi bán lại trộn lẫn rau không rõ nguồn gốc.

Theo NLĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.