Bơm thêm 50.000 tỉ đồng cho bất động sản

Đây là gói tín dụng dành cho người mua nhà ở thương mại vay với lãi suất cố định 10 năm là 7%/năm.

Ngoài gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đang triển khai, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Ngân hàng (NH) Nhà nước đang trình Chính phủ để sắp tới có thể đưa ra gói tín dụng 50.000 tỉ đồng dành cho người mua nhà ở thương mại vay với lãi suất cố định 10 năm là 7%/năm.

Tín hiệu tốt cho thị trường

 

Tại hội thảo khoa học "Kinh doanh bất động sản (BĐS): Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường hồi phục” do Hiệp hội BĐS Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức tại TP HCM ngày 30-1, khi đề cập gói tín dụng mới này, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN) BĐS cho rằng đây là thông tin tốt bởi thị trường BĐS đã thật sự ở vùng “đáy”.

 

Bơm thêm 50.000 tỉ đồng cho bất động sản
Thêm gói tín dụng ưu đãi mới sẽ là cơ hội cho thị trường BĐS. Trong ảnh: Một dự án nhà ở tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định năm 2014, thị trường BĐS có nhiều tích cực; giá hiện ổn định sau khi giảm sâu 30%-40%; lượng giao dịch đã tăng mạnh. Liên tiếp từ quý I/2013 đến hết năm 2014, lượng giao dịch đã tăng gấp đôi; đồng thời lượng hàng tồn kho giảm đáng kể; dư nợ tín dụng tăng mạnh. Cụ thể, cuối năm 2013, dư nợ BĐS là 180.000 tỉ đồng nhưng hiện nay con số này là hơn 300.000 tỉ đồng, vượt mức 280.000 tỉ đồng của năm 2008-2009.

 

Về gói tín dụng 50.000 tỉ đồng đang trình Chính phủ, theo ông Nam, là dành cho phân khúc nhà ở thương mại với lãi suất 7%/năm, ổn định trong vòng 10 năm. Các NH có thể cho vay 10 - 20 năm nhưng 10 năm đầu, lãi suất sẽ giữ ổn định 7%. “Khi gói tín dụng này được thực thi sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường” -  Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định.

 

Cần tháo gỡ vướng mắc

 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, đối với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hiện đã giải ngân 10.000 tỉ, trong đó gần 6.000 tỉ đồng cho người dân vay mua nhà. Có 15 NH tích cực tham gia giải ngân gói tín dụng này. Tại TP HCM, tính đến tháng 10-2014, các NH đã ký hạn mức tín dụng 1.470,93 tỉ đồng cho 1.513 khách hàng, trong đó đã giải ngân 658 tỉ đồng cho 2 DN và 393,83 tỉ đồng cho 1.444 cá nhân.

 

Tuy vậy, đại diện Hiệp hội BĐS TP HCM (Horea) cho rằng con số giải ngân này là quá thấp. Đại diện Công ty CP Đầu tư Nam Long cũng cho biết còn một số vướng mắc về thủ tục liên quan đến địa bàn cư trú mà không ít người có ý định mua nhà thuộc dự án Nam Long ở Bình Dương chưa được tiếp cận vốn vay từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

 

Nói về gói tín dụng 50.000 tỉ đồng nếu được áp dụng, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành, cho rằng đây sẽ là động lực mới cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, nếu đã cho vay nhà ở thương mại thì không nên ràng buộc bất cứ điều kiện gì trừ điều kiện là vay để mua nhà. Hiện nay, lãi suất vay mua nhà ở mức trung bình 10%-12%/năm, nên nếu gói tín dụng này áp vào mức 7% và cố định trong 10 năm thì quá tốt cho người vay mua nhà.

 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng trong lúc gói tín dụng 30.000 tỉ đồng sử dụng chưa hết thì Chính phủ nên tác động, tháo gỡ khó khăn, bổ sung đối tượng vay để thúc đẩy gói này giải ngân nhanh thì tốt hơn. Ngoài ra, nếu gói tín dụng 50.000 tỉ đồng được áp dụng với lãi suất 7% và thời gian ưu đãi chỉ 10 năm thì chưa hấp dẫn lắm. “Hiện nay ở Mỹ, lãi suất cho vay mua nhà chỉ 4% và thời gian vay cố định lên đến 20-30 năm, trong khi người dân có mức thu nhập khá cao. Còn người dân Việt Nam với thu nhập thấp như hiện nay thì sẽ khó khi vay mua nhà, trả nợ với lãi suất 7% và chỉ trong 10 năm” - ông Hiếu nói.

 

Là 1 trong 2 đơn vị tại TP HCM được vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng để đầu tư dự án nhà ở xã hội, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân - TS Trương Anh Tuấn - cho rằng Chính phủ cần tăng hỗ trợ cho DN, cho khách hàng. Cụ thể là giảm lãi suất gói vay tín dụng 30.000 tỉ đồng xuống còn 3%; ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính cho các DN đầu tư nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho DN phát triển quỹ đất sạch vì hiện nay quỹ đất ngày càng thu hẹp.

 

Kinh tế có dấu hiệu tích cực hơn

 

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia, đường cong lãi suất từ năm 2014 đã có sự điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn ngắn thấp, lãi suất kỳ hạn dài cao. Đây là điều khác biệt cho thấy có dấu hiệu tích cực hơn bởi trước đây hầu như các kỳ hạn đều như nhau. Thị trường trở lại bình thường. Ngoài ra, việc giá dầu giảm sẽ tác động tích cực cho nền kinh tế trong trung và dài hạn. Nếu giá dầu giảm 10% thì tăng trưởng kinh tế tăng 0,31%, CPI giảm 0,34%. Yếu tố này có thể làm toàn bộ nền kinh tế phục hồi trở lại, tiêu dùng tăng, đặc biệt là nhà ở.

 

Theo Sơn Nhung

Người Lao động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.