Bún, bánh canh chứa huỳnh quang làm loét dạ dày tại TP.HCM
Sử dụng tinopal để làm tăng trắng bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn làm tổn hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có nguy cơ dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày.
Ngày 22/7, trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng thuộc hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu các thức ăn được chế biến từ gạo như bún, bánh canh, bánh phở, bánh hỏi… Theo đó, nhóm bánh ướt, bánh canh và bánh hỏi có tỷ lệ sử dụng chất làm trắng huỳnh quang (tinopal) là 100%.
Chiều cùng ngày, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM cho biết, Sở Công Thương TP.HCM nhanh chóng lấy mẫu bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt kinh doanh trên địa bàn TP.HCM xét nghiệm để kịp thời khuyến cáo người tiêu dùng.
100% mẫu bánh hỏi chứa chất làm trắng
Cùng ngày, trao đổi phóng viên, ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (CESCON) thuộc hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết từ ngày 15 đến 25/6, CESCON đã khảo sát các loại thực phẩm như bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt được kinh doanh tại một số siêu thị, chợ, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM. Kết quả cho thấy 5/6 loại thực phẩm nói trên (80%) có chứa tinopal. Cụ thể 5/9 (56%) mẫu bún, 4/4 (100%) mẫu bánh ướt, 5/5 (100%) mẫu bánh hỏi, 3/4 (75%) mẫu bánh phở và 7/7 (100%) mẫu bánh canh đều chứa tinopal.
Ông Chính cho biết các loại thực phẩm nói trên được sử dụng hằng ngày với số lượng không nhỏ. Mục đích của đợt khảo sát nhằm đánh động trách nhiệm và lương tâm các nhà sản xuất. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo ATVSTP đến tay người tiêu dùng.
Tinopal gây suy gan, suy thận, ung thư
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) cho biết, tinopal là chất tăng trắng quang học, không phải chất làm trắng quang học. Tinopal được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt vải, cấm dùng cho thực phẩm. Khi bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt có chứa tinopal sẽ dội ngược ánh sáng, trở nên trắng muốt.
Theo CESCON, sử dụng tinopal để làm tăng trắng bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có nguy cơ dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt, tinopal có thể làm tổn thương mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu ăn những thực phẩm chứa tinopal trong thời gian dài sẽ gây suy gan, suy thận, thậm chí cả bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố tinopal đi vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính. “Kết quả nghiên cứu của tổ chức Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho thấy tinopal có khả năng gây độc cho người là các hợp chất dẫn xuất từ aminotriazine và stilbene, ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng sinh sản của con người” - CESCON cho biết thêm.
Ngoài ra, CESCON cũng đề nghị các cá nhân, tổ chức sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm nói trên phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm.
Để hạn chế việc mua và sử dụng bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt có chứa tinopal, có thể dùng đèn cực tím (đèn soi tiền) chiếu vào. Nếu các loại thực phẩm nói trên phát sáng thì đã bị nhiễm tinopal. Đặc biệt, nếu thấy bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt có màu trắng bất thường thì không nên mua. Bên cạnh đó, không mua những loại thực phẩm nói trên không có nguồn gốc rõ ràng, không nhãn hiệu, không địa chỉ, không hạn sử dụng… Nếu có điều kiện, hãy tự chế biến để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Theo Pháp luật TP.HCM