Các shop liên minh kiếm tiền

Kinh doanh gặp khó, chủ các cửa hàng thu hẹp vốn đầu tư nhưng lại nhận thêm nhiều hàng ký gửi nhằm tận dụng được mặt bằng, nhân viên...

Kinh doanh gặp khó, chủ các cửa hàng thu hẹp vốn đầu tư nhưng lại nhận thêm nhiều hàng ký gửi nhằm tận dụng được mặt bằng, nhân viên... 

Chị Hồng, chủ một shop bán đồ quần áo, túi ví tại Hai Bà Trưng cho biết, do tình hình kinh doanh chậm, hàng tồn nhiều nên gần đây đã thu hẹp vốn, lấy hàng giảm đi. 

"Giờ mình đầu tư vốn vào đây chỉ bằng khoảng 70% so với trước. Còn lại, cửa hàng nhận ký gửi một số sản phẩm của những shop khác", chị cho hay. Bên cạnh những mặt hàng trước đây thường bán, chị Hồng hiện nhận ký gửi các loại mỹ phẩm, giầy dép, đồ trang sức... để làm phong phú thêm cửa hàng.

Chị Hồng cho biết, những đơn vị ký gửi hàng thường là shop online, không có địa điểm bán hàng mặt phố. "Mình có lợi thế mặt bằng và nhân viên. Trong khi đó, các shop bán hàng online nay cũng phải cạnh tranh mạnh nên họ cũng cần những địa điểm như cửa hàng của mình để tăng doanh số", chủ cửa hàng lý giải. 

Hoa hồng chị nhận được với hàng ký gửi không nhiều, chỉ khoảng 5-7% giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, tiểu thương này cho rằng "năng nhặt thì chặt bị, mình tận dụng được mặt bằng cũng như nhân viên, trong khi không phải đầu tư nhiều vốn". Do nhận bán ký gửi nhiều loại sản phẩm nên mỗi tháng, trung bình chị cũng thu thêm được vài ba triệu để trang trải hoạt động cho cửa hàng. 

quan-ao-JPG-1377677615.jpg

Chủ nhiều cửa hàng ở mặt phố lớn nhận ký gửi sản phẩm để kiếm thêm doanh thu. Ảnh: Anh Quân

Mở một cửa hàng đồ bầu và sơ sinh tại Đống Đa cách đây 2 năm, tuy nhiên hàng năm nay, chị Vân (Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân) cho biết, hiện nay tình hình kinh doanh cả bán sỉ và lẻ đều chậm, khoản lãi lờ cũng không được như trước. Gần đây, chị phải cho nghỉ bớt nhân viên bán và giao hàng, nhưng do tiền thuê mặt bằng không giảm nên mỗi tháng chi phí hoạt động vẫn cao. 

Có sẵn mặt bằng và nhân viên, chị nhận ký gửi hàng cho một số công ty và các shop online. "Những sản phẩm này cũng thường là đồ phục vụ cho mẹ và bé. Tuy nhiên, hạn chế việc nhận các loại hàng mà mình đang bán để tránh việc cạnh tranh lẫn nhau", chị Vân cho hay. 

Còn về phần hoa hồng thì tùy vào mức độ chiếm dụng diện tích cửa hàng, chi phí nhân viên để cân nhắc, thường dao động 3-10% giá trị của một sản phẩm, tùy loại, chủ cửa hàng này nói. 

Cũng theo chị Vân, việc thanh toán tiền thường tiến hành sau khi sản phẩm được bán. "Hàng không bán được thì trả lại cho họ. Những điều khoản này nếu muốn chắc chắn thì hai bên nên ký hợp đồng, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị cao", chủ cửa hàng chia sẻ.

Mở một siêu thị mini được hơn 3 tháng nay, chị Bình (Tây Hồ) cũng chỉ đầu tư khoảng 70% giá trị hàng nhập vì số vốn có hạn. Một số mặt hàng chị nhận ký gửi của các đơn vị phân phối, sản xuất hoặc những cửa hàng online. 

"Nếu mình bỏ tiền ra nhập, thường lãi sẽ cao hơn. Tuy nhiên, có nhiều mặt hàng chưa biết chắc bán có tốt không nên trước mắt cứ nhận ký gửi, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị đắt", chị Bình nói. 

Chị Vân cho biết, điều quan trọng nhất khi bán hàng ký gửi là khâu kiểm tra sản phẩm. "Nếu để lọt sản phẩm hỏng, lỗi thì mình dễ phải chịu rủi ro hoặc mất uy tín với khách hàng", chủ cửa hàng cho hay. 

Chị Bình cũng chia sẻ, đối với những mặt hàng tiêu dùng, bên nhận bán ký gửi phải kiểm tra kỹ chất lượng, hạn sử dụng sản phẩm để tránh hết hạn sử dụng, chất lượng kém...

Theo Ngọc Minh
Vnexpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.