Chợ online sôi động bán bánh chưng Tết

Chỉ từ vài chục ngàn đến 200 ngàn đồng là các gia đình có thể mua được những chiếc bánh chưng thơm ngon cho ngày tết Giáp Ngọ 2014.

Chỉ từ vài chục ngàn đến 200 ngàn đồng là các gia đình có thể mua được những chiếc bánh chưng thơm ngon cho ngày tết Giáp Ngọ 2014.

Sôi động thị trường bánh chưng Tết

Mỗi khi tết đến, xuân về, sản phẩm mà người Việt thường nhắc tới là bánh chưng. Xưa kia, bánh chưng thường được các gia đình người Việt tự tay chuẩn bị và gói. Số gia đình mua bánh chưng ăn tết thường rất ít và chỉ thông dụng ở các thành phố. Còn ở các vùng quê, từ ngày 25 - ngày 30 tết (trước Tết từ 3-5 ngày), các gia đình thường chuẩn bị nồi, gạo, lá dong, thịt heo, đỗ, lạc… để gói bánh chưng, ăn trước, trong và sau tết.

Ngày nay, khi kinh tế phát triển nhanh, nhiều gia đình không còn gói bánh chưng tết nữa, nhất là nhiều vùng quê đã lên phố, nhiều nhà cao tầng mọc lên cạnh nhau, không gian cho nấu bánh chưng cũng eo hẹp dẫn. Vì thế mà “người phố” thường mua bánh chưng gói sẵn nhiều hơn.

Nở rộ dịch vụ bán bánh trưng online
.

Nắm bắt được tâm lý đó, cùng với các điểm bán bánh chưng trên thị trường, trên chợ online - mạng internet, việc chào mời, giao dịch mua bán bánh chưng gói sẵn diễn ra rất sôi động.

Theo cơ sở sản xuất bánh chưng Tuấn Ảnh - Khu Phố 13, P. Hố Nai, TP. Biên Hòa (Đồng Nai), mỗi năm cơ sở này tung ra thị trường hàng ngàn sản phẩm bánh chưng, bánh gai, bánh giò. Không chỉ bán ở trong nước mà hàng còn được quảng bá, giới thiệu qua internet, đặt hàng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Thông thường, bánh chưng bán trong nước, đặt hàng trực tuyến có giá từ 100.000 – 200.000 đồng/chiếc loại bình thường. Loại cao cấp, có giá từ 500.000 – 700.000 đồng/chiếc.Nở rộ dịch vụ bán bánh chưng online.

Ông Nguyễn Hữu Thảnh - Chủ Cơ Sở nói trên cho biết, năm nay khách hàng đặt bánh chưng gói sẵn qua điện thoại vẫn còn ít, số lượng mỗi đơn hàng cũng không nhiều do ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn.

Còn theo một đại diện của Cơ sở sản xuất bánh chưng tết Hà Nội, loại bánh duy nhất mà cơ sở này bán ra có kích thước 15x15, nặng 1,2 kg, giá 89.000 đồng - 90.000 đồng/1 chiếc. Nếu khách hàng mua số lượng lớn, hàng được chuyển đến cũng bớt không được nhiều vì giá cả nguyên vật liệu gói bánh chưng tăng nhẹ.

Cũng theo cơ sở này, bánh chưng ngon, đảm bảo chất lượng nguyên liệu gồm: thịt ba chỉ, nếp, đỗ xanh, lá dong, lạt buộc. Người tiêu dùng cần lưu ý chọn loại gạo nếp có hạt đều, mẩy ngon nhất là loại nếp cái hoa vàng, vừa thơm vừa dẻo. Gạo phải ngâm ít nhất là 8 tiếng, đãi sạch sạn, vớt ra để ráo nước trước khi gói bánh. Mỗi chiếc bánh có thể gói từ 0,5 đến 1kg gạo, tuỳ độ to nhỏ.

Đối với đỗ xanh, chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1-2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, nấu chín, đánh tơi để làm nhân bánh. Tỷ lệ thông thường là 8 phần gạo: 2 phần đỗ.

Về thịt lợn, chọn loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn sẽ ngon hơn. Không nên chọn loại thịt quá nạc. Thịt rửa sạch thái thành các miếng dài chừng 5-7 cm, dày chừng 0,5 cm, ướp muối, tiêu, hành củ thái lát cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh.

Tin nhưng vẫn lo

Không tự gói bánh chưng được nhiều người tiêu dùng phải chọn cách mua ngoài chợ, các cửa hiệu hoặc đặt hàng qua mạng. Trước khi bán tới tay người tiêu dùng, người bán nào cũng “thề thốt” hàng tốt, hàng đảm bảo. Nhưng trong năm qua, bao phen người tiêu dùng điêu đứng về thực phẩm kém chất lượng khiến không ít người lo ngại, bánh chưng cũng có thể là một thực phẩm được làm kém chất lượng.

Lém chất lượng có thể là vỏ quá dày trong khi ruột lại gọn nhỏ. Gạo hoặc thịt hoặc các phụ phẩm khác đưa vào trong bánh chưng có thể không đảm bảo an toàn vệ sinh. Đặc biệt, để rút ngắn quá trình ninh bánh chưng, mà hình thức chiếc bánh vẫn xanh, đẹp, nhiều người tiêu dùng đồn đoán các cơ sở luộc bánh chưng với pin hoặc hóa chất để cho nhanh nhừ.

Theo thạc sĩ Trần Thị Thu Trà, khoa công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa TP.HCM, môi trường chính của pin là kiềm. Trong môi trường kiềm, màu xanh của lá chuyển thành màu xanh đậm của chlorophyllin nên làm lá xanh hơn. Cũng trong môi trường kiềm, tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên bánh mau chín hơn (cũng như khi nấu chè, người ta cho thêm thuốc tiêu NaHCO3 nhằm làm đậu mau mềm). Như vậy, cho pin vào nước luộc chỉ là tạo môi trường kiềm nhằm làm xanh lá, bánh mau chín và nếp trong.

Thạc sĩ Trần Thị Thu Trà cũng cho biết, các chất từ pin chủ yếu là kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín... Chì đặc biệt độc hại đối với não và thận, hệ thống sinh sản và hệ thống tim mạch của con người. Nhiễm độc chì sẽ gây hại đến các chức năng của trí óc, thận, gây vô sinh, sẩy thai và tăng huyết áp.

Bà Trà khẳng định, dù ở hàm lượng nhiều hay ít, người nấu bánh tuyệt đối không nên cho pin vào bởi pin là sản phẩm công nghiệp, không phải thực phẩm nên hóa chất làm pin không tuân theo các tiêu chuẩn sản phẩm dành cho thực phẩm.

Theo chị Nguyễn Thị Hà - nhân viên ngân hàng Vibank, do công việc bận và cũng không giỏi gói bánh chưng nên chọn mua hàng qua mạng cũng là một cách tiện lợi.

Chị Hà cho rằng, lo nhất là khi ăn bánh nhão nhoét hoặc bánh bị luộc với hóa chất để nhanh nhừ, đẹp mầu trong khi thực phẩm lại khó đảm bảo.

Còn bác Hảo - cán bộ hưu trí ở tập thể Nghĩa Tân - Cầu Giấy cho biết, nhiều cơ sở bán bánh chưng có tiếng, đảm bảo hợp vệ sinh, được cơ quan chức năng công nhận thì không ngại. Còn tiện mua ở ngang đường, chắc chắn sẽ “vớ” bánh rởm.

Theo VietQ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.