Chợ truyền thống cũng dọn hàng lên mạng

Thức thời, không chỉ siêu thị hay trung tâm thương mại mà các chợ truyền thống cũng chuẩn bị bán hàng trực tuyến.

Thức thời, không chỉ siêu thị hay trung tâm thương mại mà các chợ truyền thống cũng chuẩn bị bán hàng trực tuyến. Thương mại điện tử giờ không chỉ là “bảo bối” của riêng các cá thể kinh doanh nhỏ lẻ.

Chợ truyền thống thức thời

Trong tháng 5 này, Ban quản lý (BQL) chợ Bến Thành chính thức vận hành website thương mại điện tử của chợ. Hiện nhiều tiểu thương, chủ sạp chợ Bến Thành đang được tập huấn về kinh doanh trực tuyến.

Như vậy, chợ truyền thống đã bước đầu phá vỡ phương thức kinh doanh tồn tại từ xưa đến nay để tham gia vào thương trường hiện đại của công nghệ.

Chị Thu Hương, chủ sạp quần áo, đồ lưu niệm tại chợ Bến Thành, cho biết: “Hiện nay hầu hết các tiểu thương đều sử dụng điện thoại có thể kết nối Internet, thời gian dành cho nó cũng tương đối nhiều. Tới đây website thương mại điện tử của BQL chợ chính thức hoạt động thì tiểu thương tận dụng được thời gian online trên điện thoại để chăm sóc khách hàng kỹ hơn. Việc bán hàng trên trang chính chức của chợ cũng tạo sự tin tưởng cho khách hàng và cũng không còn tâm lý ngần ngại khi xem hàng nữa”.

Ông Hoàng Văn Đạt, cán bộ quản lý website của chợ, nói rằng theo kế hoạch trang web sẽ đi vào hoạt động từ giữa tháng 5/2014. Hiện tại, hoạt động của website vẫn chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ giữa BQL với tiểu thương. 

chợ-bến-thành, chợ Bến Thành, online, bán-hàng-qua-mạng, thương-mại-điện-tử, internet, siêu-thị, điện-máy
Tiểu thương chợ Bến Thành sẽ tham gia bán hàng qua mạng

Ông Đạt cho hay theo cơ chế hoạt động thì toàn bộ 1.446 sạp hàng đang kinh doanh tại chợ sẽ được cấp tài khoản trên trang điện tử để giới thiệu sản phẩm hàng hóa, giá cả, hình thức mua bán... Tiểu thương tự quản lý và chịu trách nhiệm về thông tin của sạp mình. Khách hàng, du khách có thể tìm hiểu sản phẩm, giá cả từng sạp hàng lựa chọn trước khi đến chợ.

Khi website đi vào hoạt động chính thức, toàn bộ khu vực chợ Bến Thành sẽ được phủ sóng wifi miễn phí. BQL chợ cũng sẽ trang bị bốn màn hình vi tính lớn tại bốn mặt của chợ để khách hàng và du khách dễ dàng truy cập thông tin từ website của chợ.

Khi khảo sát nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM từ các chợ đầu mối như An Đông, Tân Bình, Thủ Đức... BQL và hầu hết tiểu thương đều mong muốn lập website để có thể kinh doanh online.

Một tiểu thương tại chợ An Đông nói: “Du khách thường đến chợ An Đông để tìm mua sản phẩm với giá rẻ hơn các chợ ở trung tâm thành phố. Như vậy, nếu có được tài khoản kinh doanh online trên website của BQL chắc chắn sẽ bán được nhiều hàng hơn và tìm được nhiều khách hàng hơn. Trước đây chợ chủ yếu là bán sỉ, tuy nhiên nếu phương thức này được áp dụng thì doanh thu bán lẻ sẽ được cải thiện”.

Nóng cuộc đua của siêu thị

Trước khi chợ truyền thống tham gia vào thương mại điện tử, nhiều đại gia bán lẻ cho thấy mức đầu tư vào mảng online vượt trội. Thậm chí, với thương hiệu đã gây dựng lớn mạnh trước đây, có đơn vị còn tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian tới.

Mới đây, Big C Việt Nam chính thức ra mắt trang thương mại điện tử mua sắm mới, đây cũng là trang thương mại điện tử đầu tiên được hình thành dựa trên hệ thống siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ Groupe Casino (Pháp, công ty mẹ của Big C). Hiện website cung cấp 7.000 sản phẩm với 4 nhóm ngành chính như công nghệ, nhà cửa và đời sống, sắc đẹp và sức khỏe, mẹ và bé.

Một đại gia bán lẻ nữa là Saigon Co.op đã đẩy mạnh xu hướng online rất sớm từ năm 2012. Tỷ lệ bán hàng trên kênh này khá thấp so với phương thức truyền thống nhưng cũng cho thấy sự phát triển đáng kể. Hiện trang web bán hàng này có 4 nhóm mặt hàng chính: thực phẩm, may mặc, đồ dùng điện và hóa mỹ phẩm với số lượng hơn 1.000 loại sản phẩm.

Ngoài ra, Saigon Co.op còn đẩy mạnh bán hàng qua truyền hình, nhất là sức mua thông qua kênh này tăng khoảng 40% mỗi năm.

Bán hàng tiêu dùng có thể sẽ khó khăn đôi chút vì tâm lý tiêu dùng của khách hàng chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, với hàng điện máy thì việc tận dụng cơ hội tại kênh này dễ dàng hơn. Như vậy các trung tâm điện máy, di động cũng không bỏ lỡ cơ hội chen chân vào thương mại điện tử.

Nhìn vào con số doanh thu và lợi nhuận của công ty Thế Giới Di Động với lĩnh lực thương mại điện tử chiếm 15% cho thấy bán online ngày càng được chú trọng. Với kế hoạch đạt hơn 10.500 tỷ đồng doanh thu, công ty này đặt mục tiêu lên 20% cho mảng thương mại điện tử, tương đương trên 200 tỷ đồng.

Giám đốc một siêu thị bán lẻ hàng điện máy chia sẻ: “Thời điểm này, khi khách hàng quen với việc chọn mua hàng trên mạng thì giá bán online hay tại cửa hàng đều ngang nhau. Dù có đóng cửa 50% siêu thị, chúng tôi cũng phải làm cho được hệ thống bán hàng online này”.

Theo VEF



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.