Nức tiếng cả nước với
tranh dân gian Đông Hồ, hơn chục năm nay, xã Song Hồ (Thuận
Thành, Bắc Ninh) còn được biết tới là "đại công xưởng vàng mã"
lớn nhất nước. Nhiều người làng chia sẻ, hàng vàng mã Song
Hồ giờ bán quanh năm, không có mùa ế, nhưng tháng 7 luôn là
tháng tiêu thụ mạnh nhất. Ngay từ cuối tháng 6 âm lịch, ngày
nào xe ô tô cũng nối đuôi nhau chật kín đường vào làng. Từng
đoàn xe đến vào tầm trưa và chiều tối, lấy buôn vàng mã xuất
đi khắp các tỉnh thành trên cả nước. Thậm chí, nhiều khách
tới nhập hàng xuất sang cả Trung Quốc, Lào. |
Xe tải này của nhà anh Sơn Luyên, chở hàng trăm túi hàng đóng theo bộ quần áo, tivi, nhà, xe cộ… xuất đi Hà Nội. |
Cả xã làm vàng mã nhưng
mỗi hộ gia đình chỉ sản xuất chuyên biệt 1 - 2 loại hàng. Nhà
chị Thủy chuyên sản xuất quần áo, mũ, giày. Chị Thủy chia
sẻ, đã 2 ngày chị không kịp chải đầu, không biết bao nhiêu đêm
thức trắng, con cháu trong nhà còn nhỏ nhưng cũng xung phong
thức tới 2 - 3 sáng giúp việc mẹ. Cả năm, nhà chị Thủy hầu
như không có ngày nghỉ, bởi qua Tết thì tập trung làm hàng cho
tháng 7, hết tháng 7 lại làm dần hàng cho Tết. |
Chuẩn bị trước cả thời
gian dài nhưng hơn chục ngày từ đầu tháng tới sát rằm, chị
Thủy phải tận dụng hết người nhà, thuê thêm nhân công vẫn không
kịp hẹn trả hàng cho khách. Làm hết tốc lực cả ngày lẫn đêm,
nhà chị sản xuất được khoảng 2.000 - 3.000 bộ quần áo. Nhưng
số lượng xuất hàng đi trong tháng 7 phải lên tới 5.000 – 7.000
bộ/ngày. |
Chị cho biết, quần áo của
người âm cũng thay đổi theo mốt, theo thị hiếu khách hàng từng
năm. Như năm nay khách chỉ chuộng những màu trầm, tối, như màu
đen, tím đậm, xanh đậm. Giá bán buôn tại xưởng mỗi bộ 9.000
đồng nhưng bán lẻ tại Hà Nội lên tới 20.000 – 30.000 đồng. |
Là hộ sản xuất có uy tín
trong làng, chị Thủy luôn có khách đặt hàng quanh năm. Doanh thu
trung bình 2 tỷ đồng/tháng. Cô con gái thứ 2 mới học hết lớp 4
nhưng sau giờ học là giúp chị làm hàng. |
Hộ sản xuất nhà anh Nguyễn
Huy Hùng và vợ là Nguyễn Thị Thông cũng làm hàng mã hơn chục
năm nay, là một trong những xưởng vàng mã lớn nhất làng. Chị
Thông cho biết, đời bố mẹ chồng chị chỉ làm hài, mũ, lãi
không cao. Nhưng tới anh chị, ứng dụng máy móc hiện đại vào
sản xuất, chuyển sang làm đồ chuyên về nhà lầu, biệt thự, giá
thành hạ nhưng số lượng xuất đi nhiều vô kể, lãi cũng cao hơn. |
Một căn biệt thự lớn, mẫu
mã đẹp được dựng lên, bán lẻ tại chợ giá khoảng 35.000 –
40.000 đồng/. Tuy nhiên, bán tại xưởng, nhà chị thường xếp dẹt
chục nhà một túi, khách nhập về có thể tự dựng lại dễ
dàng. Giá tùy độ to, nhỏ, được bán buôn từ 100.000 đến 270.000
đồng/túi 10 nhà. |
Hàng ở đây được sản xuất
bằng máy, chủ hộ chỉ thuê nhân công về đóng gói nên giá thuê
khá rẻ, chỉ 70.000 – 80.000 đồng/ngày. Để đủ hàng trả khách,
vợ chồng anh chị thuê tới 50 - 60 hộ trong làng tới nhận hàng
về nhà làm. Những ngày này, trung bình mỗi ngày xưởng Hùng
Thông xuất đi hơn chục chuyến ô tô, mỗi chuyến cả ngàn nhà lầu,
biệt thự. |
Khác với đa số hộ sản
xuất vàng mã phổ biến, xưởng Thoa Hậu có tiếng làm đồ vàng
mã cao cấp nhất làng. Tại đây chuyên sản xuất thuyền rồng, sơn
trang phục vụ cho nghi lễ thờ mẫu với nhiều mức giá, từ vài trăm
lên tới vài triệu một sản phẩm, cho doanh thu đều quanh năm.
Ngoài nhà anh Hậu, cả xã cũng chỉ có khoảng 1 - 2 nhà nữa
chuyên làm thuyền rồng, sơn trang, phủ mã. |
Chị Dương Thị Cương, người
làm trong nhà cho biết, đồ thuyền rồng, sơn trang là đồ vàng
mã cao cấp, chuyên phục vụ cho các đền, miếu, phủ, chùa lớn
trong những đợt mở phủ, lễ to. Tháng 7, tháng 8 đến qua Tết là
khoảng thời gian mặt hàng này bán rất chạy. Giá thuyền rồng
tại xưởng thường từ 60.000 – 250.000 đồng/chiếc, tuy nhiên, nhiều
nơi tổ chức lễ lớn, khách thường tới xưởng đặt làm riêng, cỡ
lớn nhất, có giá lên tới 2 triệu đồng/ thuyền.
|
Do làm khá cầu kỳ, mất
nhiều công nên một ngày cố lắm nhà anh Hùng cũng chỉ sản xuất
được khoảng 10 - 20 thuyền rồng, sơn trang các loại. Để đẩy
nhanh tiến độ, giảm nhân công, anh Hùng dành ra mỗi ngày vài
tiếng đồng hồ ngồi bên máy cắt hàng. Có máy móc, hàng cắt
chuẩn hơn, đẹp hơn, bán được nhiều hơn. |
Từ đầu tháng 7 tới nay,
mỗi ngày đều có 1, 2 chuyến ô tô và nhiều xe máy tới chở hàng
đi giao cho khách. Một ô tô 5 tấn chở được khoảng 20 thuyền
rồng, sơn trang. Còn mỗi xe máy chở được 5 thuyền, nhưng số lượt
xe máy tới chở hàng rất nhiều, đếm không xuể. Chị Cương cho
biết, hàng này không phụ thuộc mùa vụ mà bán chạy quanh năm,
mỗi ngày xưởng nhà chị bán được khoảng 60 – 100 sản phẩm. |
Nhận thấy sản xuất, kinh
doanh đồ mã cho thu nhập cao, nhiều gia đình trẻ tại xã Song Hồ
cũng chuyển sang làm nghề này. Xưởng sản xuất hình nhân của
vợ chồng anh Cương, chị Xuân ngay đầu đường vào xã mới sản
xuất hình nhân 3 năm nay nhưng đã có nhiều mối nhập quen tại Hà
Nội và một số tỉnh. Trung bình mỗi ngày khách nhập buôn từ
vài ngàn tới cả vạn bộ hình nhân. |
Chi phí làm hình nhân khá
rẻ, khoảng 4.000 – 5.000 đồng tiền giấy màu, trang trí và xương
tre cho một bộ. Giá bán tại xưởng khoảng 10.000 đồng/bộ nhưng
đi các tỉnh, giá bán lẻ lên tới 50.000 đồng. |