Danh sách đen của lương tâm
Toàn những thông tin khiến người tiêu dùng tội nghiệp giật mình thon thót.
Những tin xấu liên tiếp xuất hiện xung quanh cây giá đỗ và mới nhất: "40% mẫu giá đỗ tại Hà Nội có chứa các vi sinh vật gây bệnh". Hay gần nhất, vào hôm 18/9, Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh phối Thanh Hóa đã tạm giữ 530kg măng sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh tại hai cơ sở sấy măng ở xã Xuân Bái (huyện Thọ Xuân), thực sự là những cú sốc nặng cho họ...
Dư luận người tiêu dùng lại vừa dậy sóng khi mới đây "Bản danh sách đen" vốn được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đưa ra hồi cuối tháng 8/2012 gồm Nho và khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc do nghi có hóa chất độc hại lại vừa được làm dài thêm với sự xuất hiện của nho tươi, khoai tây, lựu có cùng xuất xứ do nhiễm dư lượng thuốc BVTV quá mức cho phép.
Đặc biệt, mặt hàng giá đỗ sản xuất trong nước sau nhiều nghi vấn cũng chính thức được cơ quan chức năng tuyên bố nằm trong bản danh sách không ai mong đợi này
Phải thừa nhận từ khi bản
"danh sách đen" được công bố, cơ quan thuộc Bộ NNPTNT này đã có những giải
pháp ngăn chặn khá kịp thời từ gốc ví như qui định các mặt hàng trên muốn
nhập khẩu vào Việt Nam phải tiến hành lấy mẫu 10% và chờ kiểm tra đủ an toàn
mới được phép nhập.
Đồng thời, thông báo cho phía Trung Quốc, tăng tần suất kiểm tra với nho tươi, khoai tây, lựu và một số mặt hàng có nguồn gốc thực vật, trong đó có nguồn hàng nho nâng tần suất lên 100%. Nếu vẫn phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép sẽ bị tái xuất và các đơn vị vi phạm 3 lần liên tiếp sẽ cấm nhập khẩu.
Thời gian đưa vào "danh sách đen" sẽ được tiến hành kiểm tra liên tiếp trong 3 lần, đồng thời mặt hàng nho và khoai tây cũng sẽ được tăng cường kiểm tra, lấy mẫu đột xuất tại các cửa khẩu, chợ trong thời gian tới.
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đã ban hành thông tư số 39 quy định chặt chẽ về danh mục vật thể thuộc diện kiểm định thực vật trước khi vào Việt Nam, trong đó quả tươi, có hiệu lực kể từ ngày 27/9 tới. Tất nhiên, vẫn có những thông tư được ban hành không kiểm soát được vấn đề, nhưng lần này hãy cứ hy vọng là "39" sẽ giải quyết triệt để hoa quả nhập nhiễm độc.
Tuy nhiên, đến đây người ta lại băn khăn về việc kiểm soát chất lượng rau, củ, quả sản xuất trong nước. Bởi không chỉ hàng nhập, hoa củ qủa trong nước bị chính người trong nước "đầu độc" cũng đang là vấn nạn lớn.
Những tin xấu liên tiếp xuất hiện xung quanh cây giá đỗ và mới nhất: "40% mẫu giá đỗ tại Hà Nội có chứa các vi sinh vật gây bệnh" được đưa ra cuộc họp về kiểm soát an toàn thực phẩm của Bộ NN-PTNT hôm 17/9, thực sự là một cú sốc với người tiêu dùng.
Nhưng đâu chỉ có giá đỗ, ai cũng thừa biết từ lâu rau quả trong nước cũng đã chính người trong nước "đầu độc" để tạo ra những loại hoa quả "vĩnh cửu" kiểu như nho,cam, táo... để trong tủ lạnh 3 tháng vẫn tươi roi rói...
Gần đây nhất, vào hôm 18/9, Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh phối hợp với Đội quản lý thị trường số 9 (thuộc Chi cục quản lý thị trường tỉnh) đã tạm giữ 530kg măng sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh tại hai cơ sở sấy măng ở xã Xuân Bái (huyện Thọ Xuân). Các chủ cơ sở khai nhận chuyên thu gom các loại măng khô bị ẩm mốc về rửa qua nước, rồi dùng lưu huỳnh để sấy khô và tung ra thị trường.
Toàn những thông tin khiến người tiêu dùng tội nghiệp giật mình thon thót.
Việc sử dụng chất bảo quản tràn lan, quá độ khiến rau củ và người tiêu dung bị ngộ độc được lý giải từ nhiều nguyên nhân. Buồn cười là còn có ý kiến: do chất này giá rẻ, dễ mua quá nên người ta buộc phải dùng (!?). Người ta kháo ở Hà Nội chỉ cần lên chợ Hàng Buồm, Ngọc Hà là có ê hề chất bảo quản giá rẻ.
Thậm chí, có thể dễ dàng mua các loại hoá chất ngay tại các cửa hàng bán hoá chất phục vụ cho nông nghiệp... Nhưng việc đổ hết tội lên đầu chất bảo quản như vậy, kể ra cũng không công bằng vì nói gì thì nói nó cũng chỉ là một thứ hóa chất vô tri vô giác, không thể tự đổ lên cây, tự bôi lên quả nếu không được tác động bởi người trồng.
Và nó cũng không thể tự bò từ các thị trường ngoại vào tung tác tại các quầy, các chợ trong thị trường nội địa nếu được giám sát cao hơn ngay từ nơi cửa khẩu đường biên nơi biên ải. Cũng giống như chiếc ôtô, dẫu có cao sang như Mẹc, như Ferrari, hay bình dân như cái công nông xe tải không thể tự mình vận hành, rồi gây ra tai nạn được nếu như không có bong dáng của người điều khiển ngồi sau chiếc vô lăng.
Rõ ràng ở đây, lương tâm trách nhiệm của người trồng, mua, người bán thực phẩm ra củ quả tươi sống và trách nhiệm của những cơ quan có chức năng kiểm tra kiểm soát thị trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Bởi nếu ví họ như người lái xe, biết lái chuẩn, lái khéo và "thượng tôn pháp luật" thì rất khó có chuyện rau củ quả cả nhập khẩu và xuất phát ngay tại thị trường nội địa ngày càng len chặt thị trường, khiến người tiêu dùng xiết bao kinh hãi...
Những bản công bố thực phẩm bẩn là một danh sách đen mà người tiêu dùng cần tránh, nhưng đúng hơn đó là "danh sách đen của lương tâm" mà khi người ta làm ra nó đã quên đi đồng loại của mình.
Theo VEF