Xâm nhập thị trường từ khâu sản xuất, phân phối
Đánh giá cao về tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, nhiều nhà đầu tư Thái Lan đã gia tăng đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp trong nước, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ thông qua các chuỗi siêu thị. Gần đây nhất là thông tin Power Buy (Central Group, Thái Lan) mua 49% cổ phần Nguyễn Kim, một trong những “ông lớn” kinh doanh lĩnh vực điện máy tại Việt Nam. Trước đó, chuỗi siêu thị Robinson Department Store (Central Group) đã mở chuỗi siêu thị đầu tiên tại Royal City, Hà Nội.
Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của người giàu thứ ba Thái Lan (theo số liệu của Forbes) đã chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ gồm 22 siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam.
Công ty Berli Jucker (Thái Lan) cũng đã mua lại từ nhà bán lẻ FamilyMart (Nhật Bản) trong liên doanh với tập đoàn Phú Thái chuỗi 95 cửa hàng tiện lợi BJC Mart… Không những thế, qua con đường tiểu ngạch, hàng Thái Lan lâu nay đã vào Việt Nam và tạo thói quen mua hàng Thái cho không ít người tiêu dùng Việt.
Khảo sát tại Hà Nội cho thấy, các cửa hàng bán đồ Thái Lan nằm rải rác tại nhiều tuyến phố. Thông qua các công ty phân phối, nhập khẩu trong nước, hàng Thái vào Việt Nam có giá bán được đánh giá là tương đối thấp và chất lượng tốt hơn so với các sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Việt Nam.
Trung tâm điện máy Nguyễn Kim tại Tràng Thi (Hà Nội). |
Trong vai người muốn mở cửa hàng bán đồ Thái Lan, chúng tôi được chị H., chủ cửa hàng bán hàng Thái Lan tại Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhu cầu hàng Thái Lan từ người tiêu dùng rất cao, muốn buôn hàng Thái Lan, cần mặt hàng, số lượng bao nhiêu cũng có. Theo quan sát, đồ gia dụng tại đây đều được dán tem của các nhà nhập khẩu trong nước có địa chỉ tại Hà Nội, thậm chí từ tỉnh Quảng Trị.
Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, Thái Lan đã có chiến dịch xâm nhập thị trường Việt Nam từ lâu ở cả khâu sản xuất và phân phối. Lý do khiến hàng Thái Lan có thể thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam, ông Phú cho rằng chất lượng hàng Thái Lan cạnh tranh mạnh với chất lượng của hàng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam, và cạnh tranh về giá so với hàng Việt Nam sản xuất trong nước.
"Bộ Công thương nên vào cuộc"
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, cho biết tùy từng mặt hàng cụ thể để đánh giá, so sánh hàng Việt và hàng Thái.
Tuy nhiên, ở những sản phẩm ô tô nhập từ Thái Lan tốt hơn hẳn so với sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam hoặc các sản phẩm nhựa, đồ tiêu dùng, đồ điện tử… hàng Thái đã được “định vị” tại thị trường Việt.
Hàng Thái Lan đang được "định vị" tại thị trường Việt. |
“Nếu doanh nghiệp Việt không vươn lên cạnh tranh về giá cả, chất lượng hàng hóa, tiếp thị, dịch vụ… nhà đầu tư Thái Lan không liên doanh với Nguyễn Kim cũng sẽ mua lại từ doanh nghiệp khác của Việt Nam, hoặc không phải nhà đầu tư Thái cũng là nhà đầu tư đến từ một đất nước khác”, ông Long cảnh báo.
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, hàng Trung Quốc có ưu thế giá rẻ, hàng Thái Lan giá không rẻ bằng nhưng có ưu điểm chất lượng và đưa đến phong thái khác, nên rất có thể họ sẽ tranh thủ được người tiêu dùng Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Theo đó, TS. Doanh kiến nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội, Bộ Công thương cần có nghiên cứu, để làm sao bảo đảm doanh nghiệp có thể trụ vững trên sân nhà trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, và người Việt Nam thực sự ưu tiên dùng hàng Việt Nam vì lợi ích của chính họ.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng đánh giá, Thái Lan là một trong những đối tác xuất nhập khẩu lớn, với tổng trị giá trao đổi thương mại luôn nằm trong 10 các quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, 11 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang Thái Lan 2,94 tỷ USD hàng hóa, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu từ quốc gia này đạt 6,44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 11 tháng tính từ đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 3,5 tỷ USD trong thương mại song phương với Thái Lan.