Hoạt động ngầm gia tăng
Sáng 28/1, có mặt tại Phủ Tây Hồ, nơi mà lâu nay có dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động nhộn nhịp. Tuy nhiên, sau lệnh cấm tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người đổi tiền cùng hòm tiền lẻ như mọi lần. Khi phóng viên dò hỏi, các hộ kinh doanh ở đây đã chỉ vào tận nhà chị N.H, đổi tiền có tiếng ở Phủ. Chị N.H cho biết: “Muốn đổi mệnh giá bao nhiêu cũng có nhưng năm nay tiền mới rất ít, chủ yếu là tiền cũ gom lại do ngân hàng không in tiền lẻ. Năm nay, công an làm nghiêm nên chúng tôi không dám hoạt động công khai, phải có người quen dẫn vào mới đổi chứ khách lạ cũng không dám đổi cho”.
Mặc dù dịch vụ đổi tiền đi vào hoạt động “bí mật” nhưng có khách hỏi, lập tức có “cò” dẫn vào tận nơi. Một điểm “nóng” khác về dịch vụ đổi tiền lẻ trên phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm) cũng không còn hoạt động công khai như trước. Những phụ nữ hành nghề đổi tiền không đứng túm tụm mà tản ra khắp các góc khuất. Khi thấy khách có vẻ đang kiếm người đổi tiền, họ liền tiến đến hỏi chuyện. Đặc biệt, họ rất cảnh giác với người lạ và ống kính máy ảnh.
Tại các cổng như chùa Hà (quận Cầu Giấy); chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa)... các thùng kính không còn bày tiền lẻ bên trong và thay bằng vàng tiền âm phủ để đánh lừa cơ quan chức năng. Một người chuyên đổi tiền lẻ trước cổng chùa Hà cho biết: “Bây giờ không ai dại gì bày ra bán nữa. Cả ngày lãi có vài trăm nghìn đồng mà bị phát hiện ra phạt 20 - 40 triệu đồng thì chúng tôi mất tết”.
Ngoài các điểm đổi tiền truyền thống đang đi vào hoạt động ngầm, các trang rao vặt trên mạng cũng không công khai địa chỉ đổi tiền cụ thể để tránh bị phạt. Anh Quang, nhân viên rao vặt đổi tiền lẻ trên mạng chia sẻ: “Khách muốn đổi bao nhiêu tiền cũng có nhưng chốt giá, số lượng, hẹn nơi gặp chúng tôi sẽ giao hàng tận nơi”.
Chênh lệch trên trời
Trong vai người đổi tiền lẻ chúng tôi được chào mời mức giá khủng. Khác với mọi năm, năm nay tiền lẻ mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng “khan” hàng. Vin vào cớ này các điểm đổi tiền lẻ thi nhau hét giá. Tỷ lệ đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ cũng được “đẩy” lên, từ mức “10 ăn 8” lên mức “10 ăn 6”, thậm chí là “10 ăn 5” tùy từng mệnh giá. Cụ thể, với tiền mệnh giá 500 đồng thì cứ 100.000 đồng đổi được 50.000 đồng. Mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng: 100.000 đồng đổi được 70.000 đồng. Mức 5.000 đồng và 10.000 đồng: 100.000 đồng đổi được 80.000 đồng. Tiền 20.000 nghìn thì “tỷ giá ưu ái” là 100.000 đồng lấy 90.000 đồng.
Không chỉ có các loại tiền lẻ được chào mời, loại tiền giấy “hot” mệnh giá 10.000 đồng cũng được các chủ cửa hàng tại đây chào đón nhiệt tình. Một số loại tiền không còn mới nguyên mà đã được sử dụng thì mức phí rẻ hơn, ví dụ trước cửa Phủ Tây Hồ khách đổi tiền 500 đồng đã qua sử dụng thì phí đổi dao động từ 15 - 20%; tiền 1.000 đồng qua sử dụng phí từ 10 - 12%.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động, trong dịp cao điểm lễ Tết này, đã yêu cầu các đội nghiệp vụ phối hợp với cơ quan quản lý như ngân hàng nhà nước, công an và ngành văn hóa tổ chức những đoàn kiểm tra liên ngành, nhằm phát hiện và xử lý những cơ sở vi phạm tại các điểm “nóng” về đổi tiền lẻ trên địa bàn.
Theo Ngân hàng Nhà nước chủ trương không lưu thông tiền lẻ mới vào dịp Tết bắt đầu thực hiện từ năm 2013 nhưng trong 2 năm đầu tiên triển khai không có chế tài. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ quy định chế tài khi ban hành Nghị định 96/CP nên bắt đầu có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Theo đó, hành vi đổi tiền lẻ lấy chênh lệch được xử lý nghiêm hơn, mức phạt cũng cao hơn, từ 20-40 triệu đồng, từ đó hy vọng có thể giảm hẳn tình trạng này.